.

Cải cách thể chế để xử lý nợ xấu

.

Trăn trở lớn nhất hiện nay trong hoạt động ngân hàng là tiến độ xử lý nợ xấu rất chậm, bao gồm nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD) + nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản VAMC. Số vốn đang bị đóng băng đến thời điểm 30-6-2016 gần 350.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế.

Dấu hiệu đáng lo ngại hơn là trong 6 tháng đầu năm, số liệu thống kê ở 15 ngân hàng, trong đó có những ngân hàng lớn như BIDV, Eximbank, Sacombank… số nợ xấu phát sinh thêm hơn 10.000 tỷ đồng. Một số ngân hàng khác có tỷ lệ nợ xấu giảm nhưng chủ yếu do tăng thêm quy mô cho vay trong khi việc xử lý thu nợ thực chất vẫn chưa đáng kể. Cũng nên lưu ý rằng, nợ xấu sau khi bán cho VAMC nếu không không xử lý thu hồi được thì trách nhiệm pháp lý và tài chính cuối cùng vẫn phải thuộc về các TCTD, không có chuyện “mua nợ về rồi cất vào kho để đó”.

Đây thực sự là nút thắt kéo dài, tiềm ẩn nhiều hệ lụy xấu không chỉ đối với hệ thống ngân hàng mà còn tác động tiêu cực nhiều mặt đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như chỉ số tín nhiệm của cả nền kinh tế nói chung. Lãi suất huy động và cho vay chậm giảm theo kỳ vọng, thậm chí có nguy cơ tăng lên trong thời gian tới, phần lớn xuất phát từ gánh nặng chi phí bù đắp nợ xấu liên tục phát sinh.

Về triển vọng dài hạn, nếu tiến độ xử lý nợ xấu không được cải thiện sẽ kéo theo uy tín của hệ thống ngân hàng tiếp tục thiếu bền vững. Mặt khác, cần nhận diện đúng nguyên nhân cốt lõi về thể chế, theo đó, cách tiếp cận xử lý nợ xấu ở ta hiện nay chưa đứng trên bình diện lợi ích chung của nền kinh tế, thiếu thượng tôn pháp luật.

Một trong những giải pháp xử lý nợ xấu mà phần lớn các TCTD thường trông cậy vào, đó là tính đồng bộ và hiệu lực cao của hệ thống pháp luật, trước hết là quy trình khởi kiện khách nợ ra tòa án và thủ tục thi hành án thanh lý tài sản để thu hồi nợ.

Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay đang gặp rất nhiều trục trặc, cả về mặt thể chế cũng như tác nghiệp cụ thể từ các cơ quan chức năng có liên quan. Điều 299 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rõ các trường hợp phải xử lý tài sản bảo đảm: (1) Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, (2) Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật, (3) Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.

Luật quy định rất rõ, nhưng để luật đi vào thực tiễn cuộc sống thì rất gian nan, TCTD phải thường xuyên đối mặt với việc tốn kém nhiều thời gian, công sức và chi phí. Nhiều tình huống xung đột về quan điểm và phương pháp đánh giá, xử lý nợ xấu đã “bùng nổ” công khai hoặc ngấm ngầm giữa cơ quan thực thi pháp luật với các TCTD, nhất là thủ tục liên quan đến tuyên án/ kê biên/ định giá/ đấu giá tài sản, không loại trừ các hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật…

Trong nhiều trường hợp, để giải tỏa nhanh nợ xấu, các TCTD đã chủ động tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Thông tư 16/2014 Liên bộ Tư pháp - Tài nguyên Môi trường - Ngân hàng Nhà nước để tiến hành thanh lý thu hồi nợ.

Tuy nhiên, giải pháp này không hiệu quả do thiếu sự phối hợp từ các cơ quan chức năng như UBND xã, phường, công an, văn phòng đăng ký đất đai, văn phòng công chứng sở tại… cho dù pháp luật đã có phân định trách nhiệm rõ ràng.

Thậm chí, có tòa án chỉ dựa trên văn bản khiếu nại một chiều, không có căn cứ pháp luật của khách nợ, để “tiếp sức” cho việc trì hoãn xử lý tài sản bảo đảm thông qua việc vận dụng điều luật “quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” nhằm ngăn chặn TCTD tiến hành bán đấu giá tài sản, vô hình trung biến TCTD từ chủ nợ thành “bị đơn” và khách nợ thành “nguyên đơn” trước tòa? Một điều hết sức kỳ lạ trong mô hình thể chế hiện nay đó là tình trạng tuân thủ luật pháp không chỉ trục trặc kéo dài ở phía chủ nợ và khách nợ mà ngay cả trong nội bộ các cơ quan công quyền vẫn không có sự nhất quán khi thực thi các quy định. Hiện tượng thông tư, hướng dẫn của bộ, ngành không được coi trọng như luật, luật không bằng lệ… gần như khá phổ biến.

Thực tế cho thấy, mỗi khi cơ quan công quyền thực thi nhiệm vụ thì việc huy động sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và cơ quan bảo vệ pháp luật dường như đã thành “mặc định”. Nhưng khi TCTD tự tiến hành xử lý tài sản theo luật định thì lại vô cùng gian nan. Như vậy đang tồn tại sự phân biệt đối xử rất rõ trong thực thi pháp luật của hệ thống cơ quan công quyền. Thay vì các cơ quan này phải có trách nhiệm can thiệp, duy trì hiệu lực pháp luật theo tinh thần “phụng công/ thủ pháp/ chí công/ vô tư”, thì ngược lại đã và đang diễn ra phổ biến tình trạng “can dự theo lợi thế”, thể hiện sự bất bình đẳng trước pháp luật.

Giải pháp đổi mới thể chế luôn đóng vai trò đột phá, có tác dụng mở đường cho các giải pháp khác thì mới có thể đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. Trước hết phải bắt đầu ngay từ việc cải cách hệ thống tư pháp một cách đồng bộ, tăng cường tính công khai minh bạch, hiệu lực pháp luật trên tất cả các khâu có liên quan đến quy trình xử lý nợ xấu.

Đề nghị sớm có sự tổng kết đánh giá việc triển khai thí điểm và cho áp dụng rộng rãi mô hình thừa phát lại với đầy đủ tư cách pháp lý để hỗ trợ các TCTD trong việc chủ động thực thi các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm. Phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của tổ chức trọng tài kinh tế như là cơ quan tài phán độc lập, qua đó giảm tải cho hệ thống tòa án trong việc thụ lý các vụ việc liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Cần nghiên cứu thiết kế hệ thống pháp luật một cách khoa học, hợp lý, theo hướng tạo điều kiện cho các tranh chấp trong quan hệ dân sự được ưu tiên xử lý dứt điểm theo trình tự (1) tự nguyện và thỏa thuận, (2) có sự tham vấn, giám sát của các chủ thể pháp lý khách quan độc lập khác, (3) khởi kiện ra tòa án hoặc cơ quan pháp lý tương đương, (4) cưỡng chế theo quy định pháp luật.

Có như vậy mới khuyến khích được tinh thần thượng tôn pháp luật trong cộng đồng, tôn trọng cơ chế dân chủ, tranh tụng, tranh biện, xóa bỏ tình trạng độc tôn phán quyết trong hoạt động xét xử của các cơ quan tư pháp.

TÂM DÂN

;
.
.
.
.
.