.

Ứng phó sự cố tràn dầu: Lúng túng

.

Miền Trung là khu vực chịu ảnh hưởng lớn của điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Bên cạnh đó, ngành hàng hải, khai thác thăm dò dầu khí, du lịch biển phát triển khiến mật độ sự cố tràn dầu (SCTD) trên biển diễn ra nhiều hơn. Chỉ riêng từ năm 2005 đến nay đã có hơn 50 SCTD xảy ra dọc các tỉnh miền Trung (từ Nghệ An đến Bình Thuận), nhưng thực tế ứng phó diễn ra cho thấy còn nhiều lúng túng.

Thuyền trưởng Trần Đình Sơn đang giới thiệu về các thiết kế của tàu ứng phó SCTD Đà Nẵng.
Thuyền trưởng Trần Đình Sơn đang giới thiệu về các thiết kế của tàu ứng phó SCTD Đà Nẵng.

Vùng có SCTD cao

Tính trong năm 2008, Đà Nẵng bị hai SCTD tại kho Xăng dầu Hàng không Liên Chiểu và kho H182. Trong năm 2009, sự cố kho Xăng dầu Quân đội, kho Xăng dầu Nước Mặn thuộc Công ty Xăng dầu khu vực 5 và sự cố chìm tàu Lucky Dragon xảy ra tại khu vực bãi biển Bắc Mỹ An. Năm 2010, sự cố rò rỉ đường ống dẫn dầu của kho Petec tại Đà Nẵng… cùng với nhiều SCTD ở ven biển Đà Nẵng hằng năm không rõ nguyên nhân đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, xã hội của Đà Nẵng và miền Trung.

Tại Đà Nẵng, Trung tâm Ứng phó SCTD miền Trung hiện có 2 tàu Sông Thu chuyên chở dầu và một tàu ứng phó SCTD L146. Đặc biệt tàu ứng phó SCTD Đà Nẵng được coi là tàu hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, có thể hoạt động dài ngày trên biển với cấp sóng không hạn chế, có hệ thống tìm kiếm phát hiện dầu tràn từ xa, độc lập thu gom dầu tràn, có các thùng chứa, hệ thống phân ly và các thiết bị đa dụng khác. Ngoài nhiệm vụ xử lý các SCTD, tàu còn thực hiện tốt các công việc như cứu hỏa, cứu thương, lai kéo…

Với sự hướng dẫn của thuyền trưởng Trần Đình Sơn, chúng tôi được biết đến các trang thiết bị hiện đại cần thiết khi ứng phó SCTD như phao quây biển, phao quây sông, hóa chất, máy làm sạch, máy bơm chìm, máy phân ly dầu nước, thùng chứa dầu di động, phao thấm dầu… “Tàu được thiết kế với tính năng khi có dầu tràn, tàu sẽ làm nhiệm vụ thu hồi dầu. Nếu có sự cố hỏng hóc các tàu ngoài biển, tàu sẽ phun chữa cháy. Ngoài ra, có thể tìm kiếm những tàu cá bị nạn ngoài biển. Kể từ khi tàu khởi hành đến nay, qua gần 4 năm đã góp phần giải quyết nhiều SCTD trên biển”, thuyền trưởng Sơn cho biết.

Khắc phục còn lúng túng

Đó là nhận định của Đại tá Nguyễn Trần Mạnh, Giám đốc Trung tâm Ứng phó SCTD miền Trung khi sự cố tràn dầu trên biển ngày càng nhiều, song sự phối hợp xử lý giữa các địa phương còn chưa thống nhất, chặt chẽ. “Địa phương nào cũng có Ban Ứng phó SCTD và tìm kiếm cứu nạn. Về nguyên tắc, khi xảy ra sự cố, nếu những sự cố nhỏ thì tự địa phương xử lý, sự cố lớn thì địa phương báo trung tâm để cùng phối hợp triển khai. Tuy vậy, hầu hết các địa phương khi có sự cố đều lúng túng triển khai và dù sự cố lớn nhỏ cũng gọi cho trung tâm can thiệp”, Đại tá Nguyễn Trần Mạnh cho biết.

Mặc dù hằng năm trung tâm luôn có những cuộc tập huấn cho lãnh đạo các địa phương và cán bộ chuyên trách về ứng phó SCTD, song nhận thức về SCTD của các địa phương còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, tại một số địa phương, việc thành lập Ban Ứng phó SCTD và tìm kiếm cứu nạn còn mang tính kiêm nhiệm, hình thức; nên khi có SCTD muốn tìm đầu mối để nắm bắt tình hình và triển khai ứng cứu còn gặp rắc rối, vòng quanh.

“Để ứng phó kịp thời với các SCTD, các địa phương cần lên kế hoạch, phương án cụ thể đối với mỗi kiểu SCTD nhất định để khi có sự cố có thể ứng cứu ngay. Hơn nữa, cần đề cao vai trò cộng đồng trong công tác xử lý nhằm tạo sức mạnh tổng hợp giúp giải quyết nhanh. Trước mắt, khi xảy ra sự cố, các địa phương nên huy động lực lượng thu gom và quây chặn dầu tràn ra. Sử dụng những trang thiết bị chuyên dùng và huy động tổng lực lượng để chống cháy nổ”, Đại tá Nguyễn Trần Mạnh cho biết thêm.

Ông Phạm Quang Mỵ , Phó Văn phòng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam cho rằng: Các tỉnh miền Trung đều tiềm ẩn nguy cơ SCTD cao. Vì vậy, các địa phương cần tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với các đơn vị có khả năng ứng cứu SCTD tốt để công tác ứng phó đạt hiệu quả. Các sở, ban, ngành, địa phương cũng cần ý thức được những tác hại của SCTD gây ra, từ đó xây dựng kế hoạch để ứng phó tốt hơn. Có như vậy, các địa phương mới chủ động trong công tác ứng phó SCTD và đóng góp vào việc giữ gìn biển đảo xanh, sạch và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biển và hải đảo Việt Nam.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.