.

Nước sinh hoạt yếu, vì sao?

.

Ngày 13-8, nhiều người dân ở quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu… bức xúc về nguồn nước sinh hoạt khá yếu trong 3 ngày qua. Trong khi đó, theo Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO), do Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Sông Bung 4 tích nước làm mực nước tại đập dâng An Trạch hạ thấp và nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nặng, nên mỗi ngày đang thiếu hụt 50.000m3 nước so với nhu cầu tiêu thụ.

Thủy điện Sông Bung 4 tích nước khiến mực nước tại thượng lưu đập dâng An Trạch và Trạm bơm phòng mặn An Trạch hạ thấp.
Thủy điện Sông Bung 4 tích nước khiến mực nước tại thượng lưu đập dâng An Trạch và Trạm bơm phòng mặn An Trạch hạ thấp.

Thiếu nguồn cung

Theo ông Nguyễn Hữu Ba, Phó Giám đốc DAWACO, các tổ máy bơm có tổng công suất bơm nước 210.000m3/ngày ở Trạm bơm phòng mặn An Trạch hoạt động bình thường khi mực nước ở thượng lưu đập dâng An Trạch cao hơn 2m. Công suất bơm nước giảm và hoàn toàn không hoạt động được khi mực nước hạ thấp dưới 1,6m. “Từ ngày 10-8 đến nay, do nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn quá nặng, công ty không hề bơm một giọt nước nào từ sông Cầu Đỏ mà hoàn toàn lấy nước từ Trạm bơm phòng mặn An Trạch đưa về sản xuất.

Tuy nhiên, do NMTĐ Sông Bung 4 chặn dòng, tích nước khiến mực nước tại thượng lưu đập dâng An Trạch hạ thấp từ 1,7-1,9m, nên mỗi ngày Trạm bơm phòng mặn An Trạch chỉ đưa về được khoảng 150.000m3 nước thô để sản xuất nước cung cấp cho người dân thành phố. Trong khi đó, vào mùa nắng nóng như thời gian này, nhu cầu tiêu thụ nước sạch của người dân thành phố lên đến 200.000m3/ngày. Lượng nước sạch được cung cấp trên mạng lưới thành phố suy giảm, một vài điểm cuối nguồn áp lực nước thấp”, ông Ba cho biết.

Trong khi đó, do NMTĐ A Vương tạm ngừng xả nước phát điện về sông Vu Gia và thủy triều dâng cao nên từ lúc 23 giờ 30 ngày 12-8, độ mặn trên sông Cầu Đỏ vượt mốc 10.000mg/l, thiết lập “kỷ lục mới” ở mức 11.727mg/l lúc 1 giờ 30 ngày 13-8. Độ mặn duy trì trên mức 10.000mg/l đến 4 giờ ngày 13-8 mới giảm do thủy triều ròng.

Từ rạng sáng 13-8 đến chiều cùng ngày, NMTĐ A Vương xả nước phát điện liên tục về sông Vu Gia với lưu lượng từ 60-62m3/s, giúp duy trì mực nước ở thượng lưu đập dâng An Trạch ở mức hơn 2m, nhưng do đóng kín các cửa xả nên độ mặn trên sông Cầu Đỏ duy trì từ 3.000-6.000mg/l.

Trong khi đó, người dân ở nhiều khu vực trên địa bàn thành phố tiếp tục phản ánh tình trạng nước sinh hoạt khá yếu. Người dân ở gần Nhà máy nước Cầu Đỏ còn phản ánh rằng, có 2 hồ chứa sơ lắng giáp với bờ sông của nhà máy nước này cạn khô trơ đáy, trong khi một hồ sơ lắng với diện tích rất lớn bên trong cũng gần cạn nước (3 hồ chứa nước này trước đây luôn đầy nước).   

Căng thẳng nguồn cấp nước sinh hoạt

Hiện mực nước trong hồ chứa NMTĐ A Vương là 347,6m, tương ứng hơn 40 triệu m3 nước. Nếu tiếp tục xả nước với lưu lượng lớn và nhiều giờ trong ngày như trong những ngày qua thì không còn bao lâu nữa, hồ chứa này sẽ cạn. Trong khi đó, sau 13 ngày đóng cống dẫn dòng để tích nước, hiện mực nước trong hồ chứa NMTĐ Sông Bung 4 đã đạt cao trình 168m, thấp hơn mực nước chết 37m.

Theo dự kiến, sớm nhất là đến giữa tháng 9-2014, NMTĐ Sông Bung 4 mới xả nước phát điện tổ máy số 1, nghĩa là từ nay đến thời điểm đó, sông Vu Gia mất đi nguồn nước khổng lồ từ sông Bung (lưu lượng nước về hồ chứa NMTĐ Sông Bung 4 sáng 12-8 là 44,16m3/s, trong khi về hồ chứa NMTĐ A Vương là 14,4m3/s).

Điều đáng nói là ngày 25-7, UBND tỉnh Quảng Nam có Công văn số 2891 đề nghị NMTĐ Đăk Mi 4 vận hành xả nước qua cống xả sâu về sông Vu Gia với lưu lượng 5-10m3/s từ ngày 1-8. Tuy nhiên, theo bảng thống kê vận hành thủy điện do Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam gửi qua fax lúc 9 giờ ngày 13-8, từ ngày 1 đến 12-8, NMTĐ Đăk Mi 4 chỉ xả nước phát điện về sông Thu Bồn mà chưa trả nước về sông Vu Gia.

Trong những ngày qua, một số đơn vị chức năng cũng đã điện thoại cho Ban quản lý dự án NMTĐ Đăk Mi 4 đề nghị xả nước về sông Vu Gia theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, nhưng đều bị từ chối với lý do: không thể nói việc xả nước qua điện thoại mà cần phải họp bàn hoặc gửi văn bản đề nghị chính thức.

DAWACO cho hay, công ty đang tích cực làm việc với Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Vụ Quản lý công trình thủy lợi và các NMTĐ trên thượng lưu hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn nhằm phối hợp điều chỉnh lượng nước cần thiết xả xuống hạ du, bảo đảm cấp nước thô ổn định để sản xuất nước phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất của người dân thành phố Đà Nẵng.

Bài và ảnh: KHÁNH HÀ

;
.
.
.
.
.