.

Điểm thu mua phế liệu trong khu dân cư: Thiếu an toàn

.

Hiện nay ở các khu dân cư trên địa bàn thành phố có rất nhiều cơ sở kinh doanh, thu gom phế liệu hoạt động. Nguy cơ cháy, nổ, mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường từ hoạt động của những cơ sở này rất cao.

Việc sử dụng bình hàn gió đá-ôxy và gas để cắt, phân loại phế liệu kim loại, nếu không cẩn thận, nguy cơ cháy nổ là rất cao. Trong ảnh: Một điểm kinh doanh phế liệu trên đường Ngô Quyền.
Việc sử dụng bình hàn gió đá-ôxy và gas để cắt, phân loại phế liệu kim loại, nếu không cẩn thận, nguy cơ cháy nổ là rất cao. Trong ảnh: Một điểm kinh doanh phế liệu trên đường Ngô Quyền.

Rình rập cháy, nổ...

Ghi nhận tại các điểm thu mua phế liệu nằm trong các khu dân cư trên địa bàn thành phố cho thấy, nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào bởi các chủ kinh doanh phế liệu thường sử dụng bình hàn gió đá-ôxy và gas để cắt, phân loại phế liệu kim loại.

Quan sát tại các điểm thu mua phế liệu trên quốc lộ 14B, thuộc địa bàn phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) cho thấy, hầu hết các điểm thu mua phế liệu tại đây, các loại giấy, bìa các-tông chất thành đống bên ngoài.

Bên trong, các phế phẩm khác như vỏ chai nhựa, sắt, thép, nhôm... được phân loại đóng trong các bao lớn. Những điểm thu mua này tập trung cùng một khu vực, dây điện mắc sơ sài, chằng chịt trong nhà. Nếu xảy ra cháy, nổ thì hậu quả rất khó lường. Thế nhưng, khi hỏi về các dụng cụ phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại chỗ, một chủ kinh doanh phế liệu ở đây cho biết đã mua đầy đủ trang thiết bị PCCC nhưng không biết có còn sử dụng được không?

Tương tự, tại các điểm thu mua phế liệu nằm xen kẽ các khu dân cư trên địa bàn quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà…, chúng tôi thấy rất nhiều loại phế liệu dễ cháy chất ngổn ngang bên trong. Anh T., chị Đ., bác C., sống ở gần điểm thu mua phế liệu trên đường Hoàng Văn Thái, phường Hòa Minh và đường Đặng Dung, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) lo lắng: Theo dõi trên ti-vi thấy xảy ra nhiều vụ cháy ở các điểm thu mua phế liệu nên người dân chúng tôi cảm thấy bất an. Hy vọng những điểm thu mua phế liệu ở khu vực này cần có biện pháp phòng cháy, nổ hiệu quả. Chứ các chủ kinh doanh bất cẩn thì nguy hiểm lắm. Sống ở gần các điểm thu mua phế liệu chẳng khác nào trong nhà có chứa “bom” nổ chậm…”.

Cần tăng cường kiểm tra

Hằng năm, các ngành chức năng, trật tự đô thị của các địa phương có kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh phế liệu tuy nhiên đâu lại vào đấy. Nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành pháp luật của các chủ cơ sở còn kém.

Chủ một cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn quận Liên Chiểu cho biết: “Hiện nay có rất nhiều cơ sở thu mua phế liệu nên sự cạnh tranh khá lớn. Cơ sở nào nhiều vốn, mua được nhiều hàng, dự trữ nhiều sẽ có lãi cao. Các cơ sở nhỏ lẻ hoạt động cầm chừng nên khó đầu tư kho chứa rộng rãi đúng như quy định. Ít cơ sở thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ. Thậm chí, có điểm còn thu mua cả bom, mìn còn sót lại trong chiến tranh về cưa, cắt lấy đồng ra bán, rất nguy hiểm”.

Quận Liên Chiểu là nơi tập trung khá nhiều các điểm thu mua phế liệu. Theo ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, thời gian qua, ngoài việc chú trọng tuyên truyền, quận cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh phế liệu chấp hành nghiêm quy định về PCCC; yêu cầu các hộ kinh doanh ngành hàng này phải chấp hành 3 nội dung: Giấy phép kinh doanh, cam kết bảo vệ môi trường; không lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường và thực hiện các nguyên tắc PCCC. Nếu phát hiện chủ cơ sở nào vi phạm, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với các ban ngành liên quan xử lý theo quy định của pháp luật.

Còn theo ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, để lập lại trật tự trên lĩnh vực này, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đối với các điểm thu mua, tái chế phế liệu. Mặt khác, các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các chủ cơ sở kinh doanh, nâng cao ý thức bảo đảm cảnh quan môi trường, phòng, chống cháy, nổ.

Đối với các cơ sở có giấy phép kinh doanh nhưng chưa tuân thủ đúng các quy định, tùy theo mức độ sẽ xử phạt hành chính, đồng thời ấn định cụ thể thời gian khắc phục và hướng dẫn các đơn vị này thực hiện kinh doanh đúng các quy định. Với các cơ sở không có giấy phép kinh doanh hoặc kinh doanh không đúng ngành nghề, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cần tiến hành xử phạt vi phạm, định hướng chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp, thậm chí cưỡng chế chấm dứt hoạt động nếu không thực hiện các quy định của pháp luật.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.