.

Hấp dẫn thời trang Việt

.

Không quá mộ điệu với những mẫu thời trang thiết kế theo kiểu Hàn Quốc, cũng không ham các model giá rẻ kiểu Trung Quốc, thời gian qua, thời trang Việt đang chiếm được cảm tình của đông đảo giới tiêu dùng ở đủ mọi lứa tuổi.

Mô tả ảnh.
Đa dạng hóa sản phẩm để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn.

Từ cuối năm 2010 đến nay, tại Đà Nẵng có đến hàng chục cửa hàng thời trang của những tên tuổi lớn trong ngành may mặc Việt Nam như: Nhà Bè, Việt Tiến, Việt Thy, An Phước, Phương Đông, May 10… được mở ra, chưa kể hàng loạt các cửa hàng thời trang của doanh nghiệp Đà Nẵng như Dệt may 29-3, Hòa Thọ, Vinatex, Dệt Hòa Khánh đang rộng dần phạm vi.

Những nhãn hàng thời trang NinoMaxx, Blue-Exchange, Sea Collection, Foci, Jojo… có lẽ được giới trẻ biết khá nhiều. Đa dạng về kiểu dáng, dễ mặc và giá cả tương đối mềm là những gì các khách hàng tuổi teen nhìn nhận. Từ cửa hàng trên đường phố đến siêu thị, người ta dễ dàng thấy các sản phẩm mang thương hiệu Việt khẳng định hấp lực không nhỏ đối với người tiêu dùng nội địa. Với ưu thế về giá chỉ từ 40.000-100.000 đồng/chiếc áo thun xinh xắn và từ 120.000-350.000 đồng/quần tây (jean), lứa tuổi 16-40 có thể sở hữu những sản phẩm may mặc trong nước không thua kém hàng ngoại.

Sự cạnh tranh giữa các nhãn hàng thời trang được sản xuất tại Việt Nam cũng khiến chất lượng, mẫu mã không ngừng tăng lên. Hàng may sẵn như áo thun, sơ-mi, veston từ dòng trung bình đến cao cấp đều được các công ty liên tục cho ra những thiết kế mới, phù hợp theo tiêu chí trẻ trung, lịch lãm. Qua tìm hiểu, được biết hiện nay xu hướng mua vải đến các hiệu may của giới công sở, văn phòng tại Đà Nẵng giảm dần và thay vào đó là chọn sơ-mi, váy vest, đồ tây, áo khoác của Việt Tiến, Việt Thắng, An Phước, May 10, Khatoco, Hòa Thọ…

Cũng như nhiều DN chuyên làm hàng may mặc xuất khẩu, những năm gần đây, Công ty May 10 chú trọng hơn đối với thị trường nội địa. Hiện May 10 đã có hơn 200 cửa hàng đại lý xuyên suốt ba vùng Bắc - Trung - Nam và mới khai trương văn phòng tại Đà Nẵng. Nói về sự phát triển của thời trang trong nước và xu hướng tiêu dùng hàng Việt, bà Trần Thị Tuyết Hương, Giám đốc chi nhánh May 10 tại Đà Nẵng cho biết: “Cùng với các thương hiệu lớn khác trong nước, mục tiêu May 10 hướng tới là phủ kín thị trường cả nước và nhất là khoảng trống ở miền Trung. Tiềm năng của thị trường nội địa rất lớn bởi người dân đã dần ý thức cao hơn về hàng Việt. Điều đó thể hiện qua sức mua cũng như doanh thu của đơn vị chúng tôi qua từng năm như 2010 tăng hơn 40% về doanh thu bán lẻ, sản xuất ra tới đâu tiêu thụ tới đó”. Cũng theo bà Hương, hàng may mặc Việt muốn cạnh tranh được với hàng nước ngoài cần phải đầu tư về khâu thiết kế mẫu mã, đổi mới dây chuyền công nghệ hiện đại và nhất là phải nhạy cảm với thị hiếu của người dân trong nước.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong năm qua, số DN đầu tư và thành công tại thị trường nội địa gia tăng. Tổng Công ty Dệt may Phong Phú có kim ngạch tiêu thụ nội địa trên 1.500 tỷ đồng. Hệ thống bán lẻ Vinatex Mart đạt kim ngạch gần 1.000 tỷ đồng, Dệt Việt Thắng 650 tỷ đồng, May Việt Tiến 460 tỷ đồng... Đây là những đơn vị tiêu thụ nội địa có quy mô lớn nhất trong ngành. Nhiều thương hiệu cao cấp như Sanciaro, Mattana, May 10, N&M... được giới tiêu dùng trong nước ưa chuộng. Đà Nẵng ngày càng có nhiều nhãn hiệu thời trang của các công ty may mặc lớn nối tiếp ra đời, nhu cầu được mặc đẹp của người Đà Nẵng cũng tăng lên. Vì thế, sản phẩm may mặc luôn được các công ty đổi mới.

Qua mỗi một mùa xuân-hạ-thu-đông, cảm nhận về thời trang Việt đã thay đổi rất rõ qua hệ thống bán hàng mà mạng lưới bán lẻ tại Đà Nẵng là một ví dụ. Chỉ trong vòng từ tháng 1-2011 đến sau Tết Nguyên đán, Blue - Exchange đã rầm rộ khai trương thêm 2 điểm bán mới tọa lạc tại hai đường phố chính Lê Duẩn và Hùng Vương, N&M có mặt trong Siêu thị Big C lẫn bên ngoài. May 10 ngoài điểm chính tại đường Nguyễn Văn Linh, đầu tháng 3 sẽ mở thêm 3 điểm tiếp theo tại các đường Lê Duẩn, Ngô Quyền, Nguyễn Lương Bằng. Những nhãn hiệu thời trang khác như John Henry (một công ty trong nước mua lại nhãn hàng này của Mỹ) hay Senti, Collection… cho thấy sự nở rộ thịnh vượng của hàng may mặc Việt Nam.

Bài và ảnh: Duyên Anh

;
.
.
.
.
.