.

Đóng sửa tàu cá ở đâu?

.

Đáp ứng yêu cầu sản xuất trên biển, mỗi tàu cá thường phải lên đà sửa chữa, bảo dưỡng ít nhất 2 lần/năm. Với số tàu hiện có, các cơ sở đóng sửa tàu thuyền ở Đà Nẵng phải đảm nhiệm việc sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ cho hơn 3.400 lượt tàu.  Thế nhưng, 3 cơ sở đóng sửa tàu thuyền quy mô vừa và nhỏ đang hoạt động hiện nay chỉ có thể đáp ứng gần nửa con số đó.

 

Mô tả ảnh.
Đóng mới tàu công suất lớn tại HTX trục vớt, đóng sửa tàu thuyền Bắc Mỹ An do chủ tàu ở Quảng Ngãi thuê mặt bằng.

 

Thực ra, hiện nay trên địa bàn thành phố có 6 cơ sở đóng sửa tàu cá (bằng 1/2 so với năm 2000), trong đó 5 cơ sở sát phía tây Âu thuyền Thọ Quang, 1 cơ sở sát bờ đông sông Hàn thuộc địa phận phường Nại Hiên Đông, nhưng chỉ có 3 cơ sở đang hoạt động, đó là HTX trục vớt, đóng sửa tàu thuyền Bắc Mỹ An, HTX sửa chữa tàu thuyền Cựu chiến binh phường Thọ Quang và Công ty CP Kỹ thuật biển S. Tech. Hai cơ sở đang trong quá trình xây dựng chưa hoạt động là Công ty Đầu tư và Dịch vụ Seaprodex và HTX đóng sửa tàu thuyền An Hải Tây, 1 cơ sở sát bờ đông sông Hàn đang giải tỏa. Mỗi tháng, 3 cơ sở đang hoạt động đưa lên đà sửa chữa, bảo dưỡng khoảng 130 lượt chiếc.    

HTX trục vớt, đóng sửa tàu thuyền Bắc Mỹ An thành lập từ năm 1978, có cơ ngơi khá quy mô ở phường An Hải Tây (Sơn Trà). Thời kỳ cao điểm, HTX đóng mới hơn 10 tàu công suất lớn và sửa chữa, bảo dưỡng từ 1.000 - 1.200 lượt tàu/năm. Năm 2007, cơ ngơi tại phường An Hải Tây giải tỏa, HTX được thành phố cho thuê 8.300 m2 đất phía tây Âu thuyền Thọ Quang lập cơ sở mới. Tại đây, HTX đã thiết lập 4 đà kéo tàu, trong đó 1 đà 3 ray cho tàu tải trọng đến 1.000 tấn, 3 đà loại 2 ray cho tàu 200 tấn. Từ ngày đi vào hoạt động đến nay, HTX chỉ sửa chữa, bảo dưỡng tàu cá, trung bình mỗi tháng khoảng 60 lượt chiếc. Chủ nhiệm HTX Nguyễn Văn Khâm cho biết: Tuy là cơ sở mới, nhưng quy mô không bằng nơi cũ do mặt bằng hẹp và vốn đầu tư ít. Nhiều năm nay, HTX không vay được vốn từ ngân hàng nên trang thiết bị, máy móc không nâng cấp, đổi mới. Hiện tại vẫn phải dùng máy móc có từ hồi thành lập. Hoạt động này phụ thuộc vào kết quả đánh bắt của ngư dân. Ngư dân gặp khó, đóng sửa tàu thuyền cũng chẳng khấm khá gì. Mấy năm gần đây, HTX không đóng mới tàu mà chỉ cho thuê mặt bằng để chủ tàu ở Quảng Ngãi đóng 1 chiếc/năm.

Sát cạnh HTX trục vớt, đóng sửa tàu thuyền Bắc Mỹ An là cơ ngơi của HTX đóng sửa tàu thuyền Cựu chiến binh Thọ Quang, xây dựng trên phạm vi 3.016m2. Diện tích nhỏ nên cơ sở này chỉ có 1 đà kéo tàu và 7 triền đà cố định tàu. Ông Đỗ Văn Trinh, Chủ nhiệm HTX cho biết: Quy mô nhỏ, máy móc, thiết bị lạc hậu, mỗi tháng HTX chỉ sửa chữa nhỏ cho 50 tàu cá loại công suất từ 60 CV trở xuống. Cách đó không xa là cơ sở đóng sửa tàu thuyền của Công ty CP kỹ thuật biển S. Tech xây dựng trên khu đất thuê của thành phố rộng 8.300m2. Tại đây cũng chỉ có 3 đà kéo tàu. Trước đây đơn vị này có thế mạnh về đóng sửa tàu cá cho ngư dân, còn hiện nay đang mở rộng thêm hoạt động đóng sửa phương tiện vận tải thủy bằng sắt. Giám đốc công ty Hồ Văn Tý cho biết: Trong bối cảnh hoạt động đóng sửa tàu thuyền trên phạm vi cả nước đang gặp khó khăn, công ty phải nỗ lực mở thêm nhiều lĩnh vực để giải quyết việc làm, tăng doanh thu và lợi nhuận. Từ đầu năm đến nay, công ty đã đóng mới 1 công trình phục vụ nạo vét bằng sắt, sửa chữa 20 phương tiện, chủ yếu là tàu công vụ cũng bằng sắt, sửa chữa vừa và nhỏ khoảng 120 lượt tàu cá.

Phải nói rằng, so trước đây hoạt động đóng sửa tàu thuyền ở Đà Nẵng  giảm đáng kể cả về số lượng cơ sở và quy mô. Những cơ sở đang hoạt động luôn đối mặt với vô vàn khó khăn, trong đó nổi cộm nhất là thiếu vốn đầu tư nâng cấp, đổi mới máy móc, trang thiết bị; ô nhiễm nguồn nước ở âu thuyền trầm trọng, gây khó khăn cho việc đưa tàu lên xuống đà; thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn cao...

Đóng sửa tàu thuyền như một chân trong chiếc kiềng 3 chân của ngành đánh bắt hải sản (khai thác, đóng sửa tàu thuyền và tiêu thụ, chế biến). Các cơ sở hiện có vừa ít, vừa nhỏ về quy mô đã và sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu đổi mới, nâng cấp tàu thuyền của ngư dân. Thiết nghĩ, chính quyền thành phố và cơ quan chức năng cần quan tâm đến lĩnh vực này để ngành thủy sản Đà Nẵng phát triển hài hòa, cân đối, phát huy tối đa tiềm năng hiện có.

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu          

;
.
.
.
.
.