.

Mô hình khách sạn trong trường đại học

.

Nguồn nhân lực du lịch ở Đà Nẵng đang thiếu hụt trầm trọng do sinh viên ra trường không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Nhằm nâng cao chất lượng trong đào tạo nghề, nhiều cơ sở đã xây dựng mô hình khách sạn mi-ni trong trường học để sinh viên có nhiều cơ hội tiếp cận với công việc thực tế.

Giờ thực hành buồng phòng tại khách sạn mi-ni của Trường Đại học Duy Tân.
Giờ thực hành buồng phòng tại khách sạn mi-ni của Trường Đại học Duy Tân.

Đến khách sạn mi-ni của Trường Đại học Duy Tân ở 59 Hà Bổng (quận Sơn Trà), nhiều tân sinh viên Khoa Du lịch tỏ ra khá ngạc nhiên và thích thú khi lần đầu tiên thực hành công việc lễ tân, buồng phòng ở cơ sở này. Nhiều sinh viên cho biết, việc học lý thuyết chay ở trường rất khô khan, khó hình dung được công việc thực tế; trong khi thực hành ở khách sạn mi-ni sẽ giúp các bạn tiếp thu bài học tốt hơn và sớm được tiếp cận với môi trường làm việc ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Dù cơ sở này chỉ có tổng cộng 7 phòng nhưng được đầu tư trang thiết bị đạt tiêu chuẩn như một khách sạn 5 sao. Thầy Nguyễn Công Minh, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Duy Tân cho biết: “Hiện nay, nhiều sinh viên ra trường bị các doanh nghiệp tuyển dụng từ chối vì thiếu kỹ năng nghề nghiệp. Vì vậy, việc xây dựng khách sạn mi-ni trong trường học sẽ gắn việc học và làm, giúp sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để doanh nghiệp không mất công đào tạo lại”.

Nếu như trước đây Trường Cao đẳng nghề Việt - Úc đưa vào giảng dạy mô hình thực nghiệm với những phòng thực hành bếp, lưu trú riêng biệt thì trong giai đoạn 2013-2018, nhà trường có đề án xây dựng khách sạn mi-ni trong trường học. Khác với Trường Đại học Duy Tân chỉ phục vụ công tác giảng dạy, khách sạn mi-ni của Trường Cao đẳng nghề Việt - Úc còn cho kinh doanh để cân đối thu chi. Tại khách sạn này, tất cả các nghề đào tạo được đầu tư trang thiết bị hiện đại theo chuẩn của chính ngành nghề ấy trong thực tế.

Th.S Đặng Phúc Sinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt - Úc cho biết, việc xây dựng khách sạn mi-ni trong trường học làm tăng chỉ tiêu tuyển sinh dạy nghề của nhà trường hằng năm. Nếu ở mô hình đào tạo thực nghiệm chỉ có 1.200 học viên thì với mô hình khách sạn mi-ni nhà trường hy vọng sẽ thu hút 3.400-5.000 học viên theo học tại trường. “Với cách học này, học viên rất thú vị và trải nghiệm qua hệ thống cơ sở vật chất hiện đại để không bỡ ngỡ khi tiếp xúc với công việc”, Nguyễn Thị Doan, học viên Trường Cao đẳng nghề Việt - Úc, bày tỏ.

Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch, mỗi năm số lượng sinh viên tốt nghiệp chỉ đáp ứng 1/5 nhu cầu về nguồn nhân lực; trong đó vị trí buồng, bàn, bar chiếm đến 70% nhu cầu tuyển dụng trong kinh doanh nhà hàng, khách sạn nhưng sinh viên, học viên theo học rất ít. Nắm bắt được nhu cầu thực tế này, nhiều trường nghề đã cố gắng xây dựng những phòng thực hành trong nhà trường như phòng thực hành bếp, phòng thực hành lưu trú, phòng thực hành pha chế… tạo thành một mô hình khách sạn mi-ni khép kín trong trường học.

Thế nhưng, trong tổng số 53 cơ sở dạy nghề trên địa bàn thành phố, chỉ có vài ba cơ sở áp dụng mô hình này, còn lại đa số sinh viên đều học lý thuyết “chay”. “Việc đào tạo không gắn với thực tiễn khiến sinh viên không chủ động xử lý tình huống khi tiếp cận với công việc thực tế. Vì vậy, dễ hiểu vì sao mỗi năm ở Đà Nẵng có hàng ngàn sinh viên du lịch tốt nghiệp ra trường nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn than “đói” nhân lực”, Th.S Đặng Phúc Sinh cho hay.

Mặt khác, việc xây dựng khách sạn mi-ni đối với các trường ngoài công lập hiện nay còn gặp nhiều khó khăn do năng lực tài chính của nhà trường còn hạn chế, mặt bằng không có. Ngoài những trường có nguồn tài chính mạnh, hầu hết các trường chủ yếu đưa học viên xuống thực hành tại các doanh nghiệp khiến thời lượng thực hành không nhiều do bị động về thời gian. “Xây dựng khách sạn để phục vụ cho công tác giảng dạy vừa là cơ hội vừa là thách thức cho nhà trường. Phải mất thời gian dài mô hình này mới được hoàn thiện”, Th.S Đặng Phúc Sinh nhận định.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN  
 

;
.
.
.
.
.