.
Vươn khơi bằng tàu vỏ thép

Bài 1: Đầu tư để làm giàu từ biển

.

Đầu tư một chiếc tàu vỏ thép ít nhất từ 7 đến 11 tỷ đồng nhưng nó sẽ đem lại hiệu quả cao không chỉ trong việc khai thác, đánh bắt hải sản mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đà Nẵng đủ năng lực đóng tàu vỏ thép. trong ảnh: Công nhân Công ty Bảo Duy cải hoán, nâng cấp tàu vỏ thép cứu hộ, cứu nạn. 						                 Ảnh: NGỌC PHÚ
Đà Nẵng đủ năng lực đóng tàu vỏ thép. trong ảnh: Công nhân Công ty Bảo Duy cải hoán, nâng cấp tàu vỏ thép cứu hộ, cứu nạn. Ảnh: NGỌC PHÚ

“Khai thác trên con tàu vỏ gỗ, mỗi năm tôi kiếm cũng được bạc tỷ. Tuy nhiên, muốn làm giàu từ biển thì phải nghĩ đến việc hiện đại hóa phương tiện, chứ không thể làm theo kiểu truyền thống mãi được”, ngư dân Trần Văn Mười (phường Mân Thái, quận Sơn Trà), chủ tàu cá ĐNa 90567, tâm sự.

Người tiên phong

Những ngày qua, 10 kỹ sư của Công ty CP Ứng phó sự cố tràn dầu và Dịch vụ hàng hải Bảo Duy, Đà Nẵng (Công ty Bảo Duy) phải cặm cụi ngày đêm để thiết kế bản vẽ con tàu vỏ thép hành nghề câu mực cho ngư dân Trần Văn Mười (phường Mân Thái, quận Sơn Trà). Kỹ sư Trần Công Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Bảo Duy, cho biết bản vẽ thiết kế thân tàu dài 31 mét, chiều rộng lớn nhất 8,3 mét, chi phí đóng mới gần 11 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Mười đã gần 20 năm làm nghề biển, đang sở hữu con tàu câu mực lớn nhất thành phố Đà Nẵng. “Mỗi chuyến ra khơi có 45 lao động, trong thời gian 3 tháng, tàu thường chở về khoảng 40 tấn mực khô (tương đương 200 tấn mực tươi). Sau khi trừ chi phí, trả công cho mỗi lao động khoảng 45 triệu đồng, tôi cũng lận lưng vài trăm triệu đồng”, anh Mười cho biết.

Năm 2011, khi đóng tàu có công suất 950CV (tàu có công suất lớn nhất thời đó), nhiều ngư dân cứ bảo ông Mười có vấn đề, bởi đầu tư như vậy  biết bao giờ lấy lại được vốn. Nhưng với Trần Văn Mười, trước khi đóng tàu câu mực, ông đã có kế hoạch cho riêng mình. Do đó, một thời gian không lâu, ông Mười đã trả đủ gốc, lãi cho ngân hàng, cuộc sống của các bạn (tức lao động - PV) cũng khấm khá hơn. Nhưng máu nghề nghiệp, ông quyết tâm đóng tàu vỏ thép để vươn khơi. “Khai thác trên con tàu vỏ gỗ, mỗi năm tôi kiếm cũng được bạc tỷ. Tuy nhiên, muốn làm giàu từ biển thì phải nghĩ đến việc hiện đại hóa phương tiện, chứ không thể làm theo kiểu truyền thống mãi được”, ông Trần Văn Mười nói.

Dù nghị định của Chính phủ về hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ thép chưa chính thức ban hành, song ông Trần Văn Mười mạnh dạn đầu tư gần 3 tỷ đồng để mua 2 máy tàu có tổng công suất trên 1.500CV, cùng với 2 máy phát điện, 200 bóng đèn cao áp (2 triệu đồng/bóng) cho con tàu vỏ thép tương lai của mình. “Phải mạnh dạn đầu tư mới làm giàu từ biển được anh ạ. Khoa học kỹ thuật thì mình từ từ học rồi cũng biết. Trước đây ngư dân mình có ai biết máy định vị, máy Icom là gì, nhưng giờ đây dùng rất rành”, ông Mười cười bảo.

Kỹ sư Trần Công Vinh đang xem bản vẽ thiết kế tàu vỏ thép của ngư dân Trần Văn Mười.
Kỹ sư Trần Công Vinh đang xem bản vẽ thiết kế tàu vỏ thép của ngư dân Trần Văn Mười.

Mong làm chủ con tàu của mình

Giữa tháng 6, ngư dân Huỳnh Văn Cường (SN 1968, ngụ phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) nghe tin Chính phủ hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép nên ông bàn với vợ vay vốn đầu tư phương tiện mới hiện đại hơn. “Biển giã khó khăn nên gia đình đã bán hết tàu và nghỉ 2 năm nay. Ngần ấy thời gian nghỉ ngơi, ở đất liền chẳng khác nào con cá mắc cạn. Biển đã ăn vào máu thịt của mình. Tôi quyết định trở lại biển khơi. Lần trở lại này tôi muốn thật ý nghĩa không chỉ với gia đình mà còn muốn góp phần chứng tỏ sự vững mạnh của ngư dân Việt Nam bằng những con tàu vỏ thép vươn khơi” , ông Cường cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Cường, đóng tàu vỏ thép thì phải thiết kế theo yêu cầu của mình, chứ không theo kiểu “chìa khóa trao tay”. Bởi nếu thiết kế không phù hợp thì khi đưa vào hoạt động không thể đem lại hiệu quả. “Ngư dân chúng tôi mong muốn đóng tàu với cả tấm lòng, tình yêu biển cả chứ không phải lợi dụng nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn sở hữu trọn vẹn con tàu của mình, trong đó đặc biệt là khâu thiết kế”, ông Cường trăn trở. Lão ngư Lê Văn Xin (quận Sơn Trà) lại có nỗi trăn trở riêng: “Nghe tàu vỏ thép thì ai cũng háo hức, mong sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, nhưng chúng tôi cũng không biết họ sẽ đóng như thế nào. Họ phải để chúng tôi tự hợp đồng vẽ bản thiết kế theo mẫu của mình, phù hợp với cái nghề của mình đang làm”.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) thành phố cho biết, đó là nguyện vọng chính đáng của ngư dân. Họ vay tiền thì phải sở hữu tàu theo ý muốn của mình, phù hợp với thực tế đánh bắt trên biển. Còn trong quá trình thiết kế, bộ phận thiết kế phải làm sao cho phù hợp với các tiêu chuẩn đặt ra, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của ngư dân.

Tiện ích vượt trội của tàu vỏ thép

Kỹ sư Trần Công Vinh cho biết, so với tàu vỏ gỗ, tàu vỏ thép có tính năng vượt trội hơn nhiều. Đặc biệt, sức chứa của tàu vỏ thép tăng gần gấp đôi, tốc độ nhanh hơn, nhiên liệu giảm 10% so với tàu vỏ gỗ. Điều đáng nói là tàu vỏ thép có công nghệ đông lạnh hiện đại, bảo quản hải sản tốt sẽ nâng cao được chất lượng sản phẩm trong quá trình xuất khẩu. “Tàu vỏ thép điều chỉnh được tải trọng. Khi đánh bắt nhiều hải sản thì có thể bơm nước trong hầm chứa nước ra ngoài. Còn khi gặp gió nhiều thì có thể bơm nước vào trong để giữ độ thăng bằng. Bên cạnh đó, các khoang cá đều có vách ngăn; buồng lái, boong tàu đều có kính chịu lực nên không sợ bị va chạm với sóng biển cũng như các sự cố do tàu khác gây ra. Điều này hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố”, kỹ sư Vinh khẳng định.

Với những lợi thế trên, đến nay có nhiều  ngư dân Đà Nẵng tiên phong đóng tàu vỏ thép. Ngư dân Trần Văn Mười nhẩm tính: “Vay 9 tỷ đồng để đóng con tàu 11 tỷ đồng, tính ra mỗi tháng trả tiền gốc và lãi gần 100 triệu đồng. Số tiền đầu tư tương đối lớn, nhưng tàu vỏ thép đem lại hiệu quả cao. Biết cách khai thác, mỗi chuyến cũng lời vài trăm triệu thì việc trả số tiền đó cũng không quá khó khăn”. Hiện tại, ông Trần Văn Mười đã nghiên cứu kỹ các công nghệ tiên tiến của tàu vỏ thép từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ. Ông đang háo hức chờ đợi con tàu vỏ thép của mình sớm hình thành và xuất bến.

Quyền Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng Trần Văn Lĩnh cho rằng, tàu vỏ thép có yêu cầu kỹ năng hàng hải, khai thác, vận hành máy móc cao hơn. Vì vậy, Nhà nước nên lập các trung tâm dự báo ngư trường, đánh giá trữ lượng thủy sản, từ đó mới có quy hoạch tổng thể, vùng nào, nghề nào phát triển tàu vỏ thép, vỏ gỗ, khai thác bao nhiêu thì phù hợp…

(Còn nữa)

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.