.

Đà Nẵng đề nghị tăng chỉ tiêu đóng mới tàu cá

.

Chiều 18-9, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn đầu làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng về tình hình thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng, cho biết sau khi có nghị định, Sở đã có công văn gửi các quận, huyện khảo sát nhu cầu đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu cá trên địa bàn. UBND các phường ven biển đã hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu khai thác thủy sản, tàu dịch vụ hậu cần theo Nghị định 67 để tổng hợp, gửi UBND quận. Đến nay, toàn thành phố có 146 cá nhân, tổ chức đăng ký, bao gồm: 138 ngư dân, 1 cá nhân và 7 doanh nghiệp, đăng ký đóng mới 184 tàu, gồm 161 tàu khai thác thủy sản, 23 tàu dịch vụ hậu cần. Đến ngày 10-9, UBND thành phố đã thành lập ban chỉ đạo và tổ giúp việc thực hiện các chính sách phát triển thủy sản.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết cho rằng, Đà Nẵng đăng ký đóng mới 184 tàu, nhưng chỉ tiêu chỉ có 47 tàu thì sẽ khó khăn rất nhiều cho địa phương trong quá trình xét duyệt nên đề nghị Bộ NN&PTNT tăng chỉ tiêu. Hơn nữa, do có nhiều thông tư và văn bản hướng dẫn nên sẽ rất lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện, do đó cần có một thông tư liên tịch để thực hiện trong cả nước. Riêng gia đình bà Huỳnh Thị Như Hoa (chủ tàu cá ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm vào ngày 26-5-2014) hiện đang đóng mới tàu vỏ gỗ theo kiểu Thái Lan trước khi Nghị định 67 có hiệu lực, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết cũng như lãnh đạo Sở NN&PTNT đề nghị Bộ NN&PTNT đặc cách để bà Hoa được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị định 67. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, đây là trường hợp đặc biệt, con tàu là nhân chứng sống, nhân chứng lịch sử, cần phải ưu tiên, có cơ chế đặc cách.

Cũng tại buổi làm việc, nhiều ý kiến cũng băn khoăn trong vấn đề xét điều kiện cho vay, ngân hàng nào tham gia cho vay. Đại diện ngành ngân hàng, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, để công bằng thì người vay phải đáp ứng đủ hai điều kiện: Phải được thành phố xét duyệt và được ngân hàng thẩm định. “Nếu có trong danh sách thành phố phê duyệt nhưng khi ngân hàng thương mại thẩm định lại không đủ điều kiện thì ngân hàng cũng không thể cho vay”, ông Minh cho biết. Hiện tại, có 5 ngân hàng thương mại nhà nước đã được Ngân hàng Nhà nước chỉ định cho vay theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đối với sự phát triển ngành thủy sản, đặc biệt có những chính sách mới, ưu tiên cho ngành thủy sản. Giải đáp về việc vì sao Bộ NN&PTNT đưa chỉ tiêu cho Đà Nẵng đóng mới 47 tàu cá, ông Vũ Văn Tám cho rằng, nước ta đang phát triển ngành thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững nên phải tổ chức lại, cơ cấu tàu thuyền phù hợp với nguồn lợi thủy sản. Thời gian qua, Bộ đã khảo sát nguồn lợi thủy sản, tính được số lượng và tính sản lượng khai thác tối đa theo tiêu chuẩn quốc tế. Đến năm 2020, số lượng khai thác xa bờ (tàu có công suất 90CV trở lên) khoảng 30.000 tàu. Tuy nhiên, hiện nay đã có 28.000 tàu nên chỉ tăng lên 2.079 tàu trong cả nước. Do đó, việc phân bổ là theo khả năng thực tế của các địa phương, đặc biệt là theo tốc độ tăng trưởng của tàu thuyền từng địa phương thời gian qua.

“Đăng ký nhiều và cho vay nhiều thì đi khai thác nguồn lợi thủy sản xa bờ sẽ nhiều, khi khai thác hết nguồn lợi thì tàu nằm bờ, thiệt hại sẽ rất lớn, trước hết là ngư dân không có khả năng trả nợ ngân hàng”, ông Vũ Văn Tám nói. Theo ông Tám, đến năm 2016, sẽ tổng kết Nghị định 67 rồi mới tính tiếp. “Nếu Đà Nẵng đã đóng hết chỉ tiêu mà địa phương khác còn thừa thì sẽ phân bổ cho Đà Nẵng. Riêng trường hợp bà Huỳnh Thị Như Hoa, cần căn cứ vào Nghị định 67 và các thông tư, văn bản hướng dẫn của các Bộ. Nếu xét không đủ điều kiện thì cần có một văn bản đề nghị riêng”, ông Tám cho biết.

NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.