.
Hệ lụy từ các dự án ven biển

Kỳ 2: Bãi tắm công cộng bị lấn chiếm

.

Để phát triển ngành du lịch Đà Nẵng, những năm gần đây, thành phố đã kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư những khu nghỉ dưỡng cao cấp, biến các tuyến đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa thành những con đường “5 sao”. Tuy nhiên, ngược lại, những bãi tắm công cộng dành cho người dân đã bị thu hẹp, lối đi ra biển ngày một bị bưng bít dần…

Mặc dù không ai cấp phép bãi tắm riêng cho các khu nghỉ dưỡng, nhưng hầu như rất ít người dân được đến tắm ở những khu vực này. 		        Ảnh: Ngọc Phú
Mặc dù không ai cấp phép bãi tắm riêng cho các khu nghỉ dưỡng, nhưng hầu như rất ít người dân được đến tắm ở những khu vực này. Ảnh: Ngọc Phú

Những ngày Đà Nẵng quay quắt trong cái nắng hầm hập, chúng tôi có cuộc khảo sát dọc bờ biển Đà Nẵng mới thấy được không gian bãi biển đang bị hẹp dần. Các bãi tắm như Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê, Sao Biển… đều đông nghịt người vào mỗi buổi chiều tối. Nhiều người phàn nàn các đường đi xuống biển, nhất là tại quận Ngũ Hành Sơn đã bị các dự án “bít” lối.

Ông Nguyễn Tuấn (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) tiếc nuối: “Trước đây, chúng tôi chỉ đi bộ vài trăm mét là đến biển, nay phải đi gần 2km mới đến bãi tắm”. Theo lời ông Tuấn, trước đây bãi tắm công cộng nằm đối diện đường Hồ Xuân Hương khá rộng, thoáng và sạch đẹp, người dân địa phương sáng tối đều thỏa thích vui đùa với biển cả. Tuy nhiên, khi dự án khu nghỉ dưỡng Premier Village được thành phố cấp phép đầu tư và đi vào hoạt động thì bãi tắm này chỉ còn nằm trong ký ức của người dân.

Còn bà C., chủ khách sạn B.V (đường Võ Nguyên Giáp, phường Khuê Mỹ) cho biết, sau khi giải tỏa và tái định cư, gia đình bà được bố trí đất ở đối diện với Furama Resort Đà Nẵng. Trước đây ở gần bãi tắm Hồ Xuân Hương gia đình bà kinh doanh các dịch vụ biển, nhưng khi chuyển về đây bà mở khách sạn thì ế ẩm.

Hỏi lý do, bà C. bảo: “Trải dài gần 2 km mà không có một bãi tắm công cộng, không có một con đường rẽ xuống biển. Du khách đến đây ở vài lần là đi luôn, không còn đến nữa, vì đi tắm biển xa quá”. Theo bà C., hầu hết người dân ở khu vực (giáp Furama Resort Đà Nẵng) không kinh doanh, buôn bán gì được. “Những dự án mà không triển khai thì nên mở lối đi ra biển để người dân còn xuống tắm. Có vậy, người dân mới có cái để kinh doanh, buôn bán”, bà C. nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Tấn Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, địa phương có tới 4km bờ biển nhưng không có bãi tắm công cộng dành cho người dân, bởi hiện có 8 dự án khu nghỉ dưỡng đang án ngữ. Trong đó, 7 dự án đang hoạt động, một dự án là Hòn Ngọc Á Châu đang trong tình trạng “treo”. “Chính quyền địa phương cũng đã có văn bản đề nghị quận kiến nghị với thành phố, nếu dự án không thực hiện thì thu hồi để làm bãi tắm công cộng cho người dân. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn cứ nằm ì, bưng bít hết lối đi xuống biển của người dân”, ông Nghĩa cho biết.

Cũng liên quan đến khu vực này, ông L.V.H, ở phường Mỹ An cho hay: Từ ngày chủ các khu nghỉ mát cho ngăn đường Hồ Xuân Hương chạy thẳng ra biển, không chỉ người dân Ngũ Hành Sơn mất đi một bãi tắm lý tưởng mà người dân các phường Khuê Trung, Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ), Hòa Cường Bắc, Hòa Cường Nam, Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu)… cũng không còn nơi đi tắm biển.

Tất cả họ giờ đây chỉ còn cách duy nhất là chen chúc nhau trên bãi tắm Sao Biển chật hẹp. Khổ nhất là các bác ngư dân nghèo ở Mỹ An, Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) đi thuyền thúng mất đi bãi để thuyền để đi biển vào mỗi sáng sớm. Bây giờ họ phải vào tận Hòa Hải hoặc ra Sơn Trà mới có nơi để thuyền đi biển.

Ngọc Phú - Thu Hà

;
.
.
.
.
.