.

Tăng thị phần hàng Việt Nam lên trên 80%

.

Ngày 13-8, UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2015 – 2020.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối truyền thống lên trên 80%, tại các siêu thị trên 90%; đưa vào hoạt động ổn định các điểm bán hàng Việt Nam cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”.

Kể từ năm 2015, thành phố sẽ thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối cung cầu cho các doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó ưu tiên các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam; phấn đấu đến năm 2020 tổ chức được dịch vụ hỗ trợ kết nối cung cầu cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam trên địa bàn thành phố. Nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về thương mại trên địa bàn thành phố, đặc biệt là công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và các hành vi kinh doanh trái phép.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh, thành phố sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của thành phố, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đẩy mạnh các hoạt động đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như đẩy mạnh đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới bán hàng nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa; có cơ chế chính sách đặc thù ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

Bên cạnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thương mại điện tử, các ngành chức năng sẽ tiếp tục khắc phục những bất cập, hạn chế gây khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

UBND thành phố giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu, cập nhật bản đồ số về mạng lưới phân phối hàng Việt Nam trên địa bàn thành phố; xây dựng các kho phân phối hàng Việt Nam tại khu vực nông thôn ở khu vực miền Trung.

Đồng thời, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng, Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng tạo mọi điều kiện hỗ trợ tín dụng giúp các doanh nghiệp khơi thông nguồn vốn như bảo lãnh vay vốn ngân hàng, cho vay hỗ trợ từ nguồn vốn ưu đãi của thành phố để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, đầu tư hạ tầng thương mại (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…)

Theo Cổng TTĐT TP Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.