.

Thể hiện rõ trách nhiệm với người tiêu dùng

.

Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng trong buổi tiếp xúc của lãnh đạo UBND thành phố và 200 đơn vị kinh doanh dịch vụ (KDDV) nhà hàng ăn uống trên địa bàn thành phố trong chiều 21-4.

Các đơn vị kinh doanh dịch vụ nhà hàng, ăn uống cần nâng cao chất lượng để phục vụ người dân và du khách tốt hơn. (ảnh mang tính minh họa)
Các đơn vị kinh doanh dịch vụ nhà hàng, ăn uống cần nâng cao chất lượng để phục vụ người dân và du khách tốt hơn. (ảnh mang tính minh họa)

Theo báo cáo kết quả kiểm tra và rà soát phân loại các nhà hàng, cơ sở ăn uống đạt chuẩn phục vụ của Sở Công thương, hiện trên địa bàn thành phố có 199 nhà hàng và 4.228 cơ sở ăn uống đăng ký kinh doanh. Trong đó, tỷ lệ nhà hàng được xếp loại đạt chuẩn đạt 85% (169/199 nhà hàng); các cơ sở ăn uống tỷ lệ đạt chuẩn 11% (479/4.228 cơ sở ăn uống).

Đa số các cơ sở ăn uống chưa đạt chuẩn không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) hoặc có giấy chứng nhận đã quá thời hạn là 3 năm. Nhiều cơ sở kinh doanh quy mô nhỏ không chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, cải tạo mặt bằng niêm yết giá…

Ngoài ra, vẫn còn hiện tượng ban đêm có nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống tự phát, không đảm bảo VSATTP lấn chiếm lòng, lề đường hoạt động không đăng ký kinh doanh ổn định, tổ chức sau 17 giờ nên rất khó cho địa phương trong việc quản lý chất lượng VSATTP.

Bà Đoàn Thị Phúc, chủ nhà hàng Bánh Tôm bà Phúc (đường Trưng Nữ Vương) cho rằng, vấn đề VSATTP phải được đưa lên đầu tiên. Người làm KDDV ăn uống phải xuất phát từ tấm lòng của người kinh doanh, phải làm từ cái tâm của mình. Bà Phúc nêu ví dụ có những nhà hàng rất đông khách nhưng thực tế đó là khách do các công ty lữ hành liên kết đưa khách đến nhưng khách đến một lần rồi không muốn quay trở lại. Vì vậy, người kinh doanh phải làm sao để khách đến nhà hàng mình rồi, lần sau đến Đà Nẵng lại muốn quay lại lần sau.

Vì vậy, tại buổi gặp mặt, Sở Công thương đưa ra bản cam kết có 6 tiêu chí để các doanh nghiệp ký kết và thực hiện từ ngày 1-6. Lãnh đạo thành phố cho rằng, các đơn vị liên quan rà soát, xem xét lại các nội dung trong bản cam kết những gì làm chưa tốt thì chấn chỉnh lại. Các Phòng Y tế quận, huyện tổ chức kiểm tra lại các nhà hàng, cơ sở ăn uống chưa đạt chuẩn, hướng dẫn những nội dung cần phải làm. Sở Công thương phối hợp Sở Y tế xây dựng quy trình xử phạt, nếu sau 1-6, đã ký cam kết rồi mà vẫn vi phạm thì phải có chế tài xử phạt rõ ràng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho rằng, bên cạnh những nhà hàng làm tốt vẫn còn những “hạt sạn” làm phiền lòng du khách. Trong đó, có nhiều cơ sở kinh doanh chưa được đầu tư một cách đầy đủ, bàn ghế, khu chế biến vẫn còn tạm bợ; nhiều cơ sở chưa có giấy chứng nhận VSATTP, sử dụng thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không có hóa đơn chứng từ, không trang bị dụng cụ bảo hộ lao động hay chưa thực hiện tốt việc che đậy thực phẩm khi chế biến …

Vì vậy, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng đề nghị các doanh nghiệp phải có trách nhiệm với người tiêu dùng, phục vụ cho khách hàng như phục vụ cho chính bản thân mình. Bản thân các doanh nghiệp phải tự bảo vệ thương hiệu, uy tín của cá nhân mình, cơ sở mình.

Các doanh nghiệp cần quan tâm văn minh thương mại, không để xảy ra tình trạng niêm yết giá mập mờ gây hiểu lầm cho du khách. “Xây dựng thương hiệu cho thành phố chính là xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, từ đó hình thành những địa chỉ uy tín để du khách trong nước và quốc tế đến Đà Nẵng tìm đến”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.

Từ giữa năm 2015 đến tháng 2-2016, Chi cục Quản lý thị trường, Sở Công thương kiểm tra, xử phạt 38 nhà hàng, cơ sở ăn uống vi phạm bị xử phạt hành chính (trong đó có 6 nhà hàng và 32 cơ sở ăn uống) các hành vi như: Không khám sức khỏe cho nhân viên, không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, không niêm yết giá… các đối tượng tham gia kinh doanh và nhân viên phục vụ dịch vụ ăn uống vẫn còn chủ quan trong việc đảm bảo sức khỏe và kiến thức VSATTP và vấn đề ATTP cho người tiêu dùng.

Bài và ảnh: Thu Hà

;
.
.
.
.
.