.
Đà Nẵng-Quảng Nam: Liên kết, hợp tác cùng phát triển

Bài 3: Hợp sức khai thác tiềm năng du lịch

.

“Mối quan hệ hợp tác giữa Quảng Nam và Đà Nẵng trên lĩnh vực du lịch những năm qua khá hiệu quả. Mỗi địa phương bắt đầu suy nghĩ và đóng góp nhiều hơn cho điểm đến du lịch chung vùng duyên hải miền Trung. Trong đó, nhóm liên kết Thừa Thiên-Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam được Tổng cục Du lịch và các tổ chức quốc tế đánh giá cao và được xem như một mô hình tốt về liên kết phát triển du lịch của Việt Nam”, ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở VH-TT&DL) tỉnh Quảng Nam nhận xét về sự hợp tác phát triển du lịch giữa Quảng Nam và Đà Nẵng.

Sự hợp tác du lịch giữa Quảng Nam và Đà Nẵng góp phần nâng cao chất lượng điểm đến du lịch vùng duyên hải miền Trung.  Trong ảnh: Du khách tham quan phố cổ Hội An.
Sự hợp tác du lịch giữa Quảng Nam và Đà Nẵng góp phần nâng cao chất lượng điểm đến du lịch vùng duyên hải miền Trung. Trong ảnh: Du khách tham quan phố cổ Hội An.

Không thể tách rời trong chuỗi giá trị sản phẩm

Thay vì chọn lưu trú ở Đà Nẵng, anh Niklas, du khách Đức, sau khi xuống ga Đà Nẵng đã đón taxi vào Hội An để ở lại theo lịch trình. Anh Niklas cho biết: “Tôi thích ở lại Hội An để khám phá và thưởng thức chiều sâu văn hóa phố cổ và du lịch sinh thái làng rau Trà Quế, rồi sau đó thuê xe máy đi ra Đà Nẵng thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm và Danh thắng Ngũ Hành Sơn”. Đối với khách du lịch nước ngoài, Hội An và Đà Nẵng dường như không có ranh giới.

Chia sẻ về điều này, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vietnam Travelmart, kiêm Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng cho biết: “Khách hàng của các công ty lữ hành không phân biệt Đà Nẵng và Quảng Nam, đặc biệt là khách nước ngoài. Do đó, sản phẩm du lịch của 2 địa phương phải là một vì nguồn khách không khác mấy. Cùng khai thác du lịch “một điểm đến” nên cả hai phải có tiếng nói chung về xây dựng sản phẩm, định vị nguồn khách, quảng bá xúc tiến... Từ đó, các công ty lữ hành sẽ khai thác các hoạt động theo những gì mà hai địa phương tập trung”.

Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng khẳng định: “Từ xưa, văn hóa của Đà Nẵng là văn hóa xứ Quảng, lịch sử Đà Nẵng cũng gắn kết với lịch sử xứ Quảng, điều kiện tự nhiên lại tương đồng. Ngược lại, Quảng Nam cũng không thể tách rời Đà Nẵng khi khách đều đi qua cảng Tiên Sa, sân bay quốc tế Đà Nẵng để vào Quảng Nam. Do đó, sự phối hợp giữa hai địa phương là tất yếu và bắt buộc, dù không muốn thì cũng phải gắn kết”. Ông Đinh Hài cũng cho rằng, hai địa phương không thể tách rời trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch khu vực duyên hải miền Trung. Khách du lịch đến Đà Nẵng phần lớn cũng sẽ là khách sử dụng các dịch vụ du lịch tại Quảng Nam và ngược lại. Vì mối liên hệ đó nên liên kết du lịch giữa Đà Nẵng và Quảng Nam là cần thiết nếu muốn hướng đến phát triển du lịch một cách bền vững.

Trên thực tế thời gian qua, hai địa phương đã thực hiện thành công nhiều kế hoạch, chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Cụ thể là cùng tỉnh Thừa Thiên-Huế thống nhất tên gọi “Ba địa phương - một điểm đến”, khai thác Con đường Di sản miền Trung, Con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, các tour du lịch văn hóa, sinh thái, biển và nghỉ dưỡng…; cùng tham gia các hội chợ du lịch uy tín trong nước và quốc tế; hỗ trợ nhau trong việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch ở hai địa phương để khảo sát, xây dựng các tour tuyến. “Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ nên sản phẩm du lịch hai địa phương được phát triển lên thêm một bước. Bản chất trước đây sản phẩm du lịch Quảng Nam-Đà Nẵng gần như là chung vì đều có sự gắn kết giữa hai địa phương như Đà Nẵng-Hội An, Đà Nẵng-Mỹ Sơn, Đà Nẵng-Cù lao Chàm… thì nay mở rộng khảo sát ra các tour tuyến lên phía Tây Quảng Nam như Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang”, ông Trần Chí Cường khẳng định.

Bắt tay khai thác tiềm năng du lịch

Dù có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, lịch sử và địa lý nhưng Quảng Nam và Đà Nẵng vẫn có những đặc trưng riêng để khai thác thế mạnh của mình. Chị Đỗ Khải Ly, Giám đốc Truyền thông và Quản lý dự án phát triển Bảo tàng Làng lụa Hội An cho rằng: “Đà Nẵng và Hội An là hai đô thị có đặc điểm văn hóa rất khác nhau nhưng đồng thời bổ sung cho nhau thật tuyệt vời. Trước đây, trong một cuộc họp bàn về đầu tư dịch vụ du lịch tại Hội An, tôi nhận thấy nhiều doanh nghiệp có suy nghĩ sai lầm là đặt ra vấn đề cạnh tranh với Đà Nẵng. Nếu cứ giữ tư duy đó, dịch vụ sẽ chồng chéo, dẫn đến tình trạng hạ giá bên ngoài, hạ chất lượng bên trong để cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, làm ảnh hưởng thương hiệu du lịch của hai địa phương”. Vì vậy, theo chị Ly, khi đầu tư du lịch, cần chú ý thế dựa vào nhau, bổ sung và tạo sự khác biệt. Chẳng hạn, Đà Nẵng rất khó phát triển du lịch làng quê thì Hội An sẽ bổ sung điểm thiếu đó. Trong khi đó, Đà Nẵng còn nhiều tiềm năng phát triển dịch vụ khác mà Hội An không có.    

Để quan hệ hợp tác liên kết rõ nét hơn, ông Cao Trí Dũng đề nghị, hai địa phương cần có khẩu hiệu chung, ngân sách chung để tiến hành 3 hoạt động chính là xây dựng sản phẩm, định vị nguồn khách, quảng bá xúc tiến. “Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn có nguồn lực lớn có thể cùng xúc tiến chung cho sản phẩm biển miền Trung để hoạt động thực sự đi vào thực chất; thậm chí, thành lập tổ công tác hai địa phương để giải quyết những vướng mắc. Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp quản lý Nhà nước nhằm tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch để bảo vệ các công ty lữ hành địa phương trước sự du nhập của công ty lữ hành nước ngoài hoạt động không phép”, ông Dũng đề xuất.

Đối với vấn đề này, ông Đinh Hài cũng cho rằng, nếu có sự hợp tác tốt, hai địa phương có thể tính toán định hướng phân chia vai trò của mỗi bên trong chuỗi giá trị du lịch để lấp đầy mọi nhu cầu của du khách ở các phân khúc thị trường khác nhau; từ đó điều chỉnh chính sách phát triển, định hướng xây dựng sản phẩm, thu hút đầu tư của mỗi địa phương. Nếu không có sự hợp tác hiệu quả sẽ dễ dẫn đến sự trùng lặp, cạnh tranh trực tiếp với nhau, gây thiệt hại cho doanh nghiệp 2 địa phương và ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của điểm đến chung. Do đó, xây dựng mối liên kết hiệu quả với Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế cũng là một chiến lược quan trọng đối với sự phát triển của du lịch Quảng Nam.

Về phía Đà Nẵng, ông Trần Chí Cường nhấn mạnh, trên nền tảng đã có, hai địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ trong thanh tra, kiểm tra, trao đổi thông tin để nâng cao vai trò quản lý Nhà nước nhằm đưa hoạt động du lịch của hai địa phương đi vào nền nếp. Bên cạnh đó, cùng phối hợp trong quy hoạch để xây dựng những sản phẩm vừa mang tính chất riêng của mỗi địa phương nhưng vẫn gắn kết với nhau, bảo đảm phát triển tốt. Ngoài ra, triển khai đầu tư một số việc mà lãnh đạo hai địa phương thống nhất nhằm tạo gắn kết chặt hơn trong hoạt động du lịch của hai bên như: khơi thông sông Cổ Cò để phát triển du lịch đường sông; nâng cấp cửa khẩu Đắc Ốc để đưa nguồn khách từ Thái Lan, Lào vào Quảng Nam và Đà Nẵng.

Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam:

Liên kết phát triển du lịch Đà Nẵng-Quảng Nam đã mang lại một số kết quả khả quan. Hai địa phương đã cùng nhau tham gia các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế uy tín như: ITE HCMC, VITM Hà Nội, KOTFA Hàn Quốc, JATA Nhật Bản, ITB Đức, TRAVEX…; phối hợp đón các đoàn lữ hành, báo chí tham quan, khảo sát du lịch khu vực duyên hải miền Trung; phối hợp thông tin các sự kiện lớn của nhau; chia sẻ kinh nghiệm quản lý Nhà nước về du lịch…

Là trưởng nhóm liên kết năm 2016 của 3 địa phương, Quảng Nam sẽ chuẩn bị tư liệu và tập trung những nội dung liên kết sâu hơn trong những năm đến. Sở VH-TT&DL Quảng Nam tập trung xây dựng bộ thông tin du lịch chung của 3 địa phương, tập hợp các văn bản quan trọng (quy hoạch, đề án, chiến lược…), số liệu thống kê, kho ảnh và video clip du lịch 3 địa phương. Đây vừa là tư liệu để cập nhật trên trang thông tin điện tử du lịch chung của 3 địa phương, vừa là cơ sở dữ liệu phục vụ nghiên cứu hoạch định chính sách phát triển du lịch vùng, từ đó xác định vị thế, vai trò của mỗi địa phương trong vùng. Để làm được việc này, chúng tôi cần sự chia sẻ và hợp tác tích cực từ phía Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế.

Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng:

Trên nền tảng đã có, hai địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra, trao đổi thông tin để nâng cao vai trò quản lý Nhà nước nhằm đưa hoạt động du lịch của hai địa phương đi vào nền nếp. Bên cạnh đó, cùng nhau phối hợp trong quy hoạch để làm sao xây dựng những sản phẩm vừa mang tính chất riêng của mỗi địa phương nhưng vẫn gắn kết với nhau, bảo đảm phát triển tốt. Hai bên triển khai thực hiện một số việc lãnh đạo hai địa phương thống nhất như khơi thông sông Cổ Cò để phát triển du lịch đường sông, nâng cấp cửa khẩu Đắc Ốc để đưa luồng khách từ Thái Lan, Lào vào Quảng Nam và Đà Nẵng.

Bài và ảnh: Đoàn Lương

;
.
.
.
.
.