.

Xử lý các dự án chậm triển khai

.

Mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, xem xét lại các dự án chậm triển khai trên địa bàn. Cụ thể, sẽ thu hồi các dự án đầu tư đã quá thời hạn quy định nhưng không triển khai thực hiện theo cam kết hoặc theo giấy phép; cắt giảm, tạm dừng các hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả đầu tư thấp…

Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng trên địa bàn quận Sơn Trà bị bỏ hoang và chậm triển khai. 			          	                    Ảnh: PHƯƠNG UYÊN
Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng trên địa bàn quận Sơn Trà bị bỏ hoang và chậm triển khai. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN

Đây được xem là động thái quyết liệt của thành phố nhằm tiết kiệm, chống lãng phí quỹ đất. Riêng với những dự án đang triển khai, thành phố yêu cầu nâng cao chất lượng khảo sát thiết kế, giải pháp thi công với mục tiêu phải tiết kiệm từ 10-15% tổng mức đầu tư mỗi dự án.

Tuy nhiên, hiện tại, trên địa bàn có hàng loạt dự án triển khai chậm, thậm chí “đắp chiếu” trong thời gian dài. Trong đó, có không ít dự án lớn thuộc các vị trí được xem là “đất vàng” nhưng cũng chậm tiến độ hoặc đang “nằm im” như: dự án Danang Center có diện tích gần 8.500m2, dự án Viễn Đông Meridian Tower tại số 84 Hùng Vương, dự án Khu du lịch Bãi Bụt trước cổng chùa Linh Ứng, Golden Square, Trung tâm thương mại Sân vận động Chi Lăng. Ngoài ra, ven đô cũng có nhiều dự án như Khu đô thị Thiên Park, Phương Trang; ven các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn có các dự án Halla Residence của Công ty TNHH Phát triển Kreves Halla Engineerings Construction Corp, Khu đô thị Capital Square trên đường Ngô Quyền của Vinacapital cũng “nằm im”. Villas Apartment Hotel của Công ty CP Đầu tư Hà Nội, The Empire của Thành Đô, The Nam Khang Resort Residences Đà Nẵng của Nam Khang, Khu du lịch Bãi Bụt do Công ty Hải Duy (thành phố Hồ Chí Minh) làm chủ đầu tư... chỉ thực hiện được phần móng, một vài căn hộ mẫu trơ khung...

Không chỉ các dự án “đình đám”, mà các dự án tầm trung và nhỏ trong các khu công nghiệp (KCN) cũng không được triển khai hoặc ì ạch khiến hàng trăm hecta đất bị bỏ trống.

Theo Ban quản lý các KCN và chế xuất Đà Nẵng, trong các KCN vẫn còn một số dự án vi phạm quy định về sử dụng đất, cho thuê nhà xưởng và xây dựng trái phép. Theo thống kê, hiện có hơn 50 dự án ở các KCN đã cho các doanh nghiệp khác thuê lại nhà xưởng, 9 doanh nghiệp đang có nhu cầu chuyển nhượng dự án và tài sản trên đất, một số doanh nghiệp không còn hoạt động, chưa xây dựng nhà xưởng.

Trước tình trạng này, thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành rà soát lại các dự án, giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện dự án, sự tuân thủ phân kỳ đầu tư từng hạng mục công trình, từng giai đoạn cụ thể. Đặc biệt là thu hồi các dự án đầu tư đã quá thời hạn quy định nhưng không triển khai thực hiện theo cam kết hoặc theo giấy phép. Thành phố cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chuyển nhượng dự án nếu tìm được đối tác nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tại khu vực trung tâm. Ngoài ra, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện dự án; thường xuyên thanh tra, giám sát, bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình, chống lãng phí, thất thoát; có biện pháp chế tài đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, đơn vị thi công không thực hiện đúng các quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.

Được biết, một vài dự án có quy mô lớn chậm triển khai đã có thay đổi nhà đầu tư để “hồi sinh” như: Công ty CP Đầu tư nhà quốc gia N.H.O tiếp quản dự án khu chung cư Deawon (Hàn Quốc); dự án Đà Nẵng Center của Công ty Vũ Châu Long đang làm thủ tục chuyển nhượng lại cho Tập đoàn Co.op Mart; Tổ hợp Ánh Dương do Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam - HUD Holdings đầu tư chuyển đổi chủ đầu tư mới là PPC An Thịnh Đà Nẵng. Tên của dự án này cũng thay đổi, chuyển từ Tổ hợp Ánh Dương Đà Nẵng thành Dự án Tổ hợp Ánh Dương - Soleil Đà Nẵng… Gần đây, thành phố thu hồi 25.008m2 đất xây dựng của dự án Khu chung cư Tuyên Sơn do nhà đầu tư không nộp đủ tiền thuê đất đúng thời hạn.

Liên quan vấn đề nợ tiền thuê đất, ông Nguyễn Đình Ân, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế thành phố cho biết: “Hiện nay, còn nhiều đơn vị nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất của thành phố như Công ty CP Trung Nam nợ 222,4 tỷ đồng tiền sử dụng đất, Công ty CP Đầu tư tài chính Bảo hiểm Dầu khí nợ 73,3 tỷ đồng tiền sử dụng đất, Công ty CP Phát triển khu công nghệ thông tin Đà Nẵng nợ 51,7 tỷ đồng tiền thuê đất… Việc thành phố có chủ trương thu hồi các dự án chậm triển khai vừa tiết kiệm, chống lãng phí quỹ đất, vừa giúp các nhà đầu tư có tiềm lực tham gia thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố.

PHƯƠNG UYÊN

;
.
.
.
.
.