.
Thu hút FDI vào Đà Nẵng

Ưu tiên công nghệ cao, công nghệ sạch

.

ĐNĐT - Trong thời gian đến, thành phố Đà Nẵng tập trung thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch và công nghiệp phụ trợ, các ngành dịch vụ chất lượng cao, góp phần đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

nguồn vốn FDI đã đóng góp phát triển kinh tế-xã hội của Đà Nẵng; tạo ra một số ngành quan trọng để sản xuất các sản phẩm mới như: điện tử, mô-tơ điện, xe máy, phụ tùng ô-tô... Trong ảnh: Sản xuất tại Nhà máy sản xuất ô-tô TICE Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN
Nguồn vốn FDI đóng góp phát triển kinh tế-xã hội của Đà Nẵng; tạo ra một số ngành quan trọng để sản xuất sản phẩm mới như: điện tử, xe máy, phụ tùng ô-tô... Trong ảnh: Sản xuất tại Nhà máy sản xuất ô-tô TICE Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN

Vấn đề này được đề cập tại đối thoại trực tuyến “Thu hút đầu tư vào Đà Nẵng - Thực trạng và giải pháp”, do Cổng thông tin điện tử thành phố tổ chức sáng 29-11, với sự tham gia của lãnh đạo các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Ngoại vụ và Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Ban quản lý Khu công nghiệp và chế xuất.

Thông tin tại buổi đối thoại cho biết, với vị trí trung tâm, động lực tăng trưởng của toàn vùng, Đà Nẵng đã phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đến nay, trên địa bàn thành phố có 437 dự án FDI đến từ 38 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư  3,7 tỷ USD.

Tổng vốn đầu tư trong nước đạt 78.700 tỷ đồng với 258 dự án đầu tư. Song, các dự án đầu tư đều hướng vào bất động sản, du lịch. Trong khi đó, thu hút của những lĩnh vực đầu tư mà thành phố kỳ vọng như công nghiệp công nghệ cao, giáo dục, đào tạo, y tế, logistics còn hạn chế.

Bà Huỳnh Liên Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư cho rằng, thời gian qua, nguồn vốn FDI đã đóng góp phát triển kinh tế-xã hội của Đà Nẵng; tạo ra một số ngành quan trọng để sản xuất các sản phẩm mới như: điện tử, mô-tơ điện, xe máy, phụ tùng ô-tô...; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực; tăng tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực dịch vụ - du lịch - thương mại, công nghiệp, giảm tỷ trọng đóng góp của nông nghiệp; đặc biệt là đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thiết lập quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Đà Nẵng với các địa phương của nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong thời gian đến, thành phố tập trung thu hút vốn FDI vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch và công nghiệp phụ trợ, các ngành dịch vụ chất lượng cao, góp phần đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường” và có nền công nghiệp phát triển.

Trả lời câu hỏi của một nhà đầu tư, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Đình Phúc cho biết: “Về mặt bằng sản xuất, thời gian đến, dự kiến bổ sung quy hoạch mới 3 khu công nghiệp gồm: Hòa Cầm - giai đoạn 2 (110ha), Hòa Ninh (200ha), Hòa Nhơn (483,57ha) và 7 cụm công nghiệp gồm: Cẩm Lệ (30ha), Hòa Nhơn (30ha), Hòa Phong (50ha), Hòa Khánh Nam (11,8ha), Hòa Hiệp Bắc (13ha), Làng nghề nước mắm Nam Ô (5ha), 1 cụm công nghiệp (5ha) để bố trí tập trung các ngành nghề thủ công mỹ nghệ tại Đà Nẵng phục vụ du lịch. Trước mắt, ưu tiên thành lập 2 cụm công nghiệp là Cẩm Lệ (30ha) và Hòa Nhơn (30ha)”.

Theo ông Huỳnh Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thành phố sẽ tăng cường công tác thông tin, đối thoại với doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính, mặt bằng phục vụ sản xuất-kinh doanh, đổi mới thiết bị - công nghệ; tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực.

Thực hiện thí điểm việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2016-2017 trên địa bàn; ban hành các quyết định phê duyệt đề án “Phát triển doanh nghiệp Đà Nẵng đến năm 2020” và chương trình “Phát triển khởi nghiệp Đà Nẵng 2016” nhằm phát triển doanh nghiệp mạnh về chất lượng và nhiều về số lượng.

Đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, các nhà đầu tư sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ về nghiên cứu phát triển công nghệ; đổi mới, cải tiến công nghệ; nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển nguồn nhân lực và phát triển thị trường.

Đồng thời, bên cạnh ưu đãi của Chính phủ, thành phố còn ưu đãi về tiền sử dụng hạ tầng và tiền xử lý nước thải; được vay vốn tín dụng đầu tư tại Quỹ đầu tư phát triển thành phố; vay từ Quỹ bảo vệ môi trường thành phố cho hạng mục xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường.

Thành phố cũng đã ban hành danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, theo đó tập trung vào các lĩnh vực dệt-may - da giày; điện tử; cơ khí chế tạo; sản xuất lắp ráp ô-tô; công nghiệp công nghệ cao và các sản phẩm khác.

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI, thành phố đã quyết định thành lập thêm 2 văn phòng đại diện tại khu vực phía bắc và phía nam Nhật Bản để tạo thành chuỗi liên kết xuyên suốt trên toàn nước Nhật; đồng thời áp dụng cắt giảm 25% thời gian xử lý hồ sơ trong việc cấp phép (hiện còn 11 ngày làm việc).

THÀNH LÂN

;
.
.
.
.
.