.

Nứt bê-tông nhựa trên mặt đường nút giao thông ngã ba Huế: Không ảnh hưởng chất lượng công trình

.

Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh tình trạng xuất hiện nhiều vết nứt, lún, tạo thành ổ gà trên công trình nút giao thông ngã ba Huế, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Vết nứt lớp phủ bê-tông tại mặt đường lên cầu đã được xử lý.
Vết nứt lớp phủ bê-tông tại mặt đường lên cầu đã được xử lý.

Thực tế tại công trình nút giao thông ngã ba Huế có xuất hiện hai vết nứt nhỏ trên bề mặt đường nhựa, không có vết lún tạo thành ổ gà… Liên quan đến vấn đề này, ông Mai Triệu Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP BK-ECC, Tư vấn trưởng dự án cho biết: “Đây không phải nứt cầu hay nứt kết cấu bê-tông, cốt thép như báo chí phản ánh mà nứt đường bê-tông nhựa trên mặt cầu.

Một số vết nứt trên cầu vượt ngã ba Huế mà một số phương tiện thông tin cho rằng nứt cầu là chưa đúng, chưa chính xác, gây hoang mang dư luận. Thực tế ở đây là nứt lớp phủ mặt bê-tông nhựa tại khe biến dạng và tại đường đầu cầu. Vết nứt nằm trên đường dẫn đầu cầu ở đoạn có xử lý đất yếu. Các vết nứt trên lớp phủ mặt bê-tông nhựa này được dự báo trong đồ án và sẽ xử lý trong giai đoạn khai thác, khi độ chênh lệch đủ lớn.

Cách xử lý là cắt tạo khe, rót vật liệu đàn hồi. Điều này đã được ghi rõ trong sổ tay duy tu bảo dưỡng công trình của dự án. Loại vết nứt này không ảnh hưởng đến sự làm việc của kết cấu, không ảnh hưởng đến chất lượng công trình, chỉ ảnh hưởng đến sự êm thuận khi xe đi qua khu vực này. Tuy nhiên, biện pháp khắc phục tương đối đơn giản và lún lệch sẽ giảm dần. Chúng tôi cũng đã đưa ra giải pháp khắc phục cho lún lệch là cắt bê-tông nhựa tạo khe co giãn tại vị trí này bằng cách chèn vật liệu đàn hồi và bù cho phần lún lệch để khôi phục độ bằng phẳng khu vực giáp ranh. Đây là giải pháp xử lý bình thường, khá phổ biến ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới”.

Ông Bùi Hồng Trung, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, trước thông tin trên, sở đã làm việc với các đơn vị liên quan và các cơ quan báo chí đã thông tin. Tại buổi làm việc, các chuyên gia cho rằng, các vết nứt được nêu trong các bài báo là vết nứt trên mặt đường bê-tông nhựa tại phạm vi tiếp giáp giữa bản dẫn và cống hộp sau mố hoặc giữa 2 đốt cống hộp thuộc phạm vi đường dẫn. Nguyên nhân do độ lún khác nhau của các khối kết cấu (do tải trọng và địa chất nền khác nhau). Theo các số liệu tính toán, đo đạc và quan trắc thì độ lún này đều đã được dự báo, hoàn toàn trong giới hạn cho phép; không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực, an toàn công trình trong quá trình khai thác.

Đối với một số vị trí mặt đường

bê-tông nhựa bị hư hỏng, bong bật được phản ánh đúng với thực tế và đã được Sở GTVT yêu cầu xử lý trước khi bài báo phản ánh. Theo báo cáo của nhà đầu tư cũng như qua kiểm tra của Sở GTVT, tổng diện tích bong bật mặt đường qua thời gian khai thác gần 2 năm, chiếm 0,02% so với toàn bộ diện tích mặt đường của cả công trình (10m2/52.928m2). Phương án sửa chữa mặt đường bê-tông nhựa tại các vị trí này (cào bóc toàn bộ bê-tông nhựa cũ và thảm mới bê-tông nhựa) bảo đảm yêu cầu chất lượng, phù hợp với các quy trình kỹ thuật của Bộ GTVT ban hành.

Tại buổi làm việc, Sở GTVT cũng đã đề nghị nhà đầu tư chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp đã được quy định trong sổ tay vận hành công trình đã được phê duyệt để xử lý các vị trí tiếp giáp giữa các khối kết cấu độc lập để bảo đảm mỹ quan công trình cũng như êm thuận xe chạy. Đồng thời, thông qua đó, các bên liên quan có điều kiện rà soát lại toàn bộ công trình, đánh giá lại tình trạng công trình, các hư hỏng hiện nay trên công trình để có những giải pháp xử lý cũng như thông tin kịp thời đến người dân về chất lượng công trình.

Được biết, đối với mặt đường

bê-tông nhựa dự án nút giao thông ngã ba Huế với đường dốc lớn, cong nên lực xô ngang của bánh xe lớn. Do đó, các đơn vị đã nghiên cứu thiết kế mặt đường bê-tông nhựa có độ cứng lớn để chống hằn lún vệt bánh xe, qua đó đã xử lý tốt hiện tượng hằn lún vệt bánh xe. Do đó, qua 2 năm khai thác và đưa vào vận hành, duy nhất trên vòng xuyến có vài điểm bong tróc rất nhỏ và đã được xử lý ngay bằng bê-tông nhựa nóng. Vì vậy, hoàn toàn không có chuyện gây tai nạn cho người tham gia giao thông và sửa chỗ này hỏng chỗ khác.

Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN

;
.
.
.
.
.