.

Thêm đất để doanh nghiệp mở rộng sản xuất

.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đà Nẵng phản ánh về tình trạng thiếu mặt bằng để sản xuất. Đây không chỉ là nỗi lo của DN mà còn là mối quan tâm của chính quyền thành phố.   

Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ mong sớm được bố trí vào các cụm công nghiệp mới để “an cư”.
Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ mong sớm được bố trí vào các cụm công nghiệp mới để “an cư”.

Cần tăng quỹ đất công nghiệp

Lãnh đạo nhiều DN cho rằng, Quyết định 39/2014 của UBND thành phố cấm 19 ngành nghề không được mở cơ sở sản xuất trong khu dân cư khiến các DN gặp khó. Bởi lẽ, hầu hết DN Đà Nẵng có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chỉ cần diện tích dưới 500m2 để làm cơ sở sản xuất nhưng khi làm thủ tục trình lên các sở, ngành thì không được giải quyết.

Trong khi đó, thành phố chưa có các cụm công nghiệp, còn các khu công nghiệp (KCN) lại không chấp nhận các DN quy mô nhỏ. Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa bày tỏ: “Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh nhu cầu hiện nay của DN về mặt bằng sản xuất. Hiệp hội đã đề xuất thành phố xin một khu đất đầu tư cụm công nghiệp nhưng mấy năm rồi vẫn không được.

Thành phố yêu cầu DN di dời cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, nhưng không biết di dời đi đâu nên buộc phải dừng sản xuất hoặc thu hẹp quy mô, như vậy làm sao để DN phát triển được”.

Với mục tiêu tăng trưởng số lượng 30.000 DN đến năm 2020, Đà Nẵng phải đáp ứng mặt bằng cho DN sản xuất nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng ngành công nghiệp. Trước tình hình đó, thành phố tính đến việc điều chỉnh quy hoạch công nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đánh giá của đại diện các ngành chức năng, trong quy hoạch công nghiệp giai đoạn 2010-2020 của thành phố, sau 7 năm triển khai thực hiện đã đạt những kết quả tích cực. Tuy nhiên, với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, quy hoạch công nghiệp của Đà Nẵng bộc lộ những bất cập.

Đặc biệt, định hướng thu hút đầu tư theo từng ngành, nhóm ngành không còn phù hợp, vô tình kìm hãm sự phát triển kinh tế của thành phố. Hiện nay, ngoài 5 KCN cũ, Đà Nẵng vẫn chưa có cụm công nghiệp nào (trước đây có cụm Thanh Vinh nhưng đã trở thành KCN Hòa Khánh mở rộng).

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng nhìn nhận: “Từ thực tế bức thiết về nhu cầu mặt bằng sản xuất, các DN đã kiến nghị Sở Công thương tham mưu thành phố xem xét và điều chỉnh Quyết định 39/2014 cho phù hợp với bối cảnh hiện nay. Thông qua đó, việc nghiên cứu, thực hiện điều chỉnh quy hoạch công nghiệp với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng toàn ngành, bảo đảm tăng trưởng ổn định và bền vững…”.

Khai thác hợp lý đất sản xuất công nghiệp

Theo Sở Công thương, giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư phát triển công nghiệp của Đà Nẵng gần 25.000 tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 17% tổng vốn đầu tư phát triển thành phố. Mặc dù vốn đầu tư phát triển ngành công nghiệp khá thấp nhưng cơ cấu thu ngân sách lại luôn dẫn đầu, chiếm gần 50% giá trị sản xuất toàn thành phố. Năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố tăng hơn 11% (trong khi các ngành dịch vụ chỉ tăng hơn 9%).

Ngành công nghiệp tạo ra nguồn thu ngân sách ổn định và sản phẩm hàng hóa cung ứng cho thị trường, thúc đẩy các ngành khác phát triển theo. Vì vậy, lãnh đạo nhiều DN cho rằng, thành phố cần nhìn nhận lại vai trò của ngành công nghiệp để có định hướng phát triển phù hợp, nhất là tạo điều kiện tốt nhất có thể cho các DN trong lĩnh vực công nghiệp.

Hiện rất nhiều DN đang “chôn chân” sản xuất ở trung tâm thành phố như: Công ty CP Nhựa Đà Nẵng, Công ty CP Dệt may 29-3 và nhiều công ty quy mô vừa và nhỏ khác, bởi các DN này gặp khó (mặt bằng, vốn đầu tư, máy móc thiết bị) khi muốn di dời ra khỏi khu vực nội thành. Đơn cử như, Công ty CP Nhựa Đà Nẵng đóng ở trung tâm thành phố hơn 40 năm nay, nhưng theo ban lãnh đạo công ty, đứng trước định hướng phát triển quy hoạch công nghiệp, không dễ dàng có thể “chuyển nhà” trong ngày một ngày hai.

Ông Đinh Cưu, Phó Giám đốc Công ty CP Nhựa Đà Nẵng cho hay: “Trong vấn đề đất đai, trước đây, công ty đã nhiều lần đề nghị thành phố bố trí đất nhưng vẫn chưa được giải quyết. Hơn nữa, để di dời một nhà máy đi nơi khác không dễ, còn việc thuê đất chỉ giải quyết từng năm nên rất khó cho chúng tôi. Thực tế, muốn vào KCN cũng khó nên chỉ trông chờ vào các cụm công nghiệp mở rộng. Điều này khiến chúng tôi lo lắng và chịu nhiều áp lực”.

Các DN nhỏ và siêu nhỏ đều có nhu cầu được vào các cụm công nghiệp mới bởi từ đó hoạt động sẽ bài bản và ổn định hơn trong khu dân cư. “Các DN hoặc cơ sở nhỏ luôn bức xúc trước thực trạng thỉnh thoảng lại có đoàn y tế, môi trường, an ninh, chữa cháy… đến kiểm tra và xử phạt. Nếu vào được cụm công nghiệp vừa với diện tích chỉ vài trăm mét vuông cũng đã giải quyết được nhu cầu của họ. Muốn DN lớn thì phải “nuôi” từ từ mới có thể lớn được…”, bà Nguyễn Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội DN quận Thanh Khê chia sẻ.

Theo quy hoạch điều chỉnh, trong hơn 10 năm tới, Đà Nẵng sẽ có 9 khu, cụm công nghiệp, trong đó đã có 6 khu công nghiệp: Đà Nẵng, Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, Hòa Cầm, Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng, Liên Chiểu.

Tất cả sẽ được rà soát lại hiệu quả hoạt động, có phương án thu hồi những dự án không triển khai, đất bỏ trống; đồng thời bổ sung và đưa vào quy hoạch 3 khu, cụm công nghiệp mới, đó là Hòa Nhơn, Hòa Cầm - giai đoạn 2 và Hòa Ninh mở rộng.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng sẽ thực hiện quy hoạch 4 khu chuyên ngành đặc thù: Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Khu phụ trợ công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin, Khu công nghệ thông tin tập trung số 2.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.