Gian nan chống thất thu thuế - Bài 1: Bán hàng không xuất hóa đơn

.

Trong 2 năm qua, Đà Nẵng triển khai thí điểm công tác chống thất thu thuế ở các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, xăng dầu… bước đầu đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lĩnh vực dễ gây thất thu thuế, cần kiểm soát chặt như lĩnh vực buôn bán lẻ mặt hàng tiêu dùng thiết bị công nghệ: điện thoại, máy tính bảng…

Nhiều cửa hàng nhỏ lẻ kinh doanh các mặt hàng công nghệ như điện thoại, máy tính bảng… cố tình bán hàng không xuất hóa đơn, hoặc làm khó khách hàng để trốn thuế, trong khi các công ty lớn bày bán sản phẩm đều niêm yết giá bán công khai, bao gồm VAT. (Ảnh mang tính minh họa)
Nhiều cửa hàng nhỏ lẻ kinh doanh các mặt hàng công nghệ như điện thoại, máy tính bảng… cố tình bán hàng không xuất hóa đơn, hoặc làm khó khách hàng để trốn thuế, trong khi các công ty lớn bày bán sản phẩm đều niêm yết giá bán công khai, bao gồm VAT. (Ảnh mang tính minh họa)

Không khó để nhận ra tình trạng khá phổ biến hiện nay trong việc mua bán, giao dịch của người dân, đó là không chủ động lấy hóa đơn khi mua hàng. Trong khi đó, người kinh doanh thường không muốn xuất hóa đơn, hoặc nếu xuất lại cố tình tính thêm phần trăm thuế giá trị gia tăng (VAT) khiến người tiêu dùng e ngại. Cứ như vậy, người dân trong nhiều trường hợp đã vô tình hỗ trợ doanh nghiệp, người kinh doanh “lách” luật nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước.

Cố tình lách thuế

Trong vai một khách hàng cần bán điện thoại, chúng tôi đến cửa hàng A.C trên đường Nguyễn Văn Linh, chuyên kinh doanh các sản phẩm điện thoại, máy tính bảng… chính hãng của thương hiệu iPhone (thuộc Tập đoàn Apple của Mỹ).

Một nam nhân viên chào đón chúng tôi và đưa ra bảng giá các sản phẩm đang được bán tại cửa hàng, trong đó ghi rõ “Giá chưa bao gồm 10% VAT”. Sau một hồi kiểm tra, chiếc iPhone của tôi được định giá mua lại 5 triệu đồng, trong khi chiếc iPhone 7 thường, màu hồng (loại 32GB) mà chúng tôi “muốn mua” có giá 15.350.000 đồng, giá chưa tính thuế. 

Khi chúng tôi nói rằng muốn lấy hóa đơn, nhân viên cửa hàng bảo: “Nếu lấy hóa đơn sẽ cộng thêm 10% VAT”. Như vậy, với chiếc Iphone 7 thường, màu hồng loại 32GB có giá 15.350.000 đồng nếu không lấy hóa đơn; muốn lấy hóa đơn, người mua phải chi thêm 1.535.000 đồng VAT, tổng trị giá sản phẩm sau thuế là 16.885.000 đồng. Các dòng sản phẩm máy tính bảng cùng thương hiệu cũng được cửa hàng này chào bán với cách thức tương tự, giá từ 6,5 triệu đồng đến hơn 13 triệu đồng/sản phẩm.

Chúng tôi tiếp tục tìm đến cửa hàng H.T trên đường Nguyễn Hoàng, đây là địa chỉ khá quen thuộc đối với giới trẻ khi có nhu cầu mua các sản phẩm công nghệ hàng xách tay như điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay…

Khi biết chúng tôi có nhu cầu mua một chiếc iPhone 7, anh T., chủ cửa hàng giới thiệu: “Hiện tại, cửa hàng của em chỉ có dòng iPhone 7 thường, màu hồng, loại 32GB, có giá 13,5 triệu đồng, hàng 99% (tức là đã qua sử dụng); nếu anh chị mua, em bớt 200.000 đồng, chốt giá 13,3 triệu đồng. Hàng của em có giá mềm hơn nơi khác vài trăm ngàn.

Chất lượng bảo đảm, anh chị cứ yên tâm sử dụng”. Qua một lúc kiểm tra chiếc điện thoại mới, chúng tôi hỏi hóa đơn thì anh T. cho biết: “Nếu anh chị cần thì em xuất, nhưng thông thường ít ai mua hàng xách tay mà lấy hóa đơn”. Trong vòng 20 phút có mặt tại cửa hàng H.T, chúng tôi quan sát thấy có 2 - 3 khách hàng vào hỏi và mua điện thoại (chủ yếu là các sản phẩm từ thương hiệu iPhone) đều nhanh chóng thỏa thuận được mức giá, họ ra về và không lấy hóa đơn, người bán hàng cũng không đề cập gì chuyện này.

Khác với các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ thường cố tình không xuất hóa đơn hoặc buộc khách hàng phải tính thêm 10% VAT nếu muốn lấy hóa đơn, tại cửa hàng FPT trên đường Nguyễn Văn Linh, các sản phẩm điện thoại được bày bán đều niêm yết công khai giá bán, trong đó bao gồm VAT.

Đơn cử, chiếc iPhone 7 thường, màu hồng, 32GB được chào bán với giá 18.790.000 đồng đã tính thuế. Khi chúng tôi ngỏ ý không lấy hóa đơn để được giảm giá, một nhân viên tên V. trả lời: “Tất cả các sản phẩm bán ra đúng giá niêm yết, dù khách hàng có lấy hay không lấy hóa đơn”.

Người tiêu dùng tiếp tay cho đơn vị kinh doanh trốn thuế?

Tại cửa hàng H.T nói trên, sau một hồi lân la hỏi giá các sản phẩm, chúng tôi tiếp cận anh T.H.T, người vừa mua chiếc iPhone với giá 7,8 triệu đồng. Anh T. bày tỏ, anh không có thói quen và nhu cầu lấy hóa đơn khi mua các sản phẩm công nghệ vì có lấy cũng chẳng để làm gì. Hơn thế, các cửa hàng kinh doanh kiểu này thường có giá mềm hơn so với hàng công ty nên hút khách.

Còn anh B.H. H (trú quận Cẩm Lệ) cho biết, anh từng mua 2 chiếc iPhone chính hãng, tổng trị giá hơn 40 triệu đồng tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Văn Linh nhưng không lấy hóa đơn. Anh lý giải: “Mình là cá nhân đi mua hàng để sử dụng chứ có phải doanh nghiệp kinh doanh gì đâu mà lấy hóa đơn. Nếu lấy, họ tính thêm 10% VAT”.

Tại Thông tư 64/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 15-5-2013 về hướng dẫn thi hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định: Khi mua hàng hóa từ 200.000 đồng trở lên, người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có), đơn vị cung ứng vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hóa đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế”.

Không hiếm trường hợp, lợi dụng sự mập mờ trong sử dụng hóa đơn bán lẻ, hộ kinh doanh, doanh nghiệp có thể gian dối trong kê khai thu thập thực tế nhằm giảm số thuế phải nộp cho Nhà nước. Vì vậy, theo các cơ quan quản lý thuế, thói quen mua hàng hóa không sử dụng hóa đơn của người dân trong nhiều năm qua cũng là một trong những nguyên nhân chính tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ “lách” luật, trốn thuế dễ dàng hơn.

Ông Ngô Việt Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Hải Châu cho biết, bán hàng cố tình không xuất hóa đơn hay xuất hóa đơn phải tính thêm 10% VAT là “chiêu” làm khó khách hàng để trốn thuế mà người kinh doanh vẫn thường sử dụng.

Theo quy định của pháp luật, bất cứ mặt hàng nào có thực hiện giao dịch, khi công khai giá thì trong đó đều đã có VAT. Việc người tiêu dùng không lấy hóa đơn trong nhiều trường hợp sẽ giúp mua được sản phẩm rẻ hơn nhưng cũng vô tình làm lợi cho người bán hàng, “tiếp tay” cho hành vi trốn thuế, gây thất thu cho Nhà nước.

Cũng có một thực tế, trong nhiều trường hợp, chưa chắc chủ doanh nghiệp, chủ cửa hàng đã được hưởng 10% VAT từ việc không xuất hóa đơn mà đó còn là chiêu của nhân viên bán hàng để móc tiền trực tiếp của khách hàng. Ông Tiến khuyến cáo người tiêu dùng khi mua hàng cần chủ động lấy hóa đơn và lưu ý hỏi kỹ giá trị sản phẩm bao gồm thuế rồi trả giá dần, tránh trường hợp muốn có hóa đơn lại bị người kinh doanh làm khó.

Liên quan đến vấn đề hóa đơn trong giao dịch mua bán, ngày 14-5-2010, Chính phủ ban hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP, trong đó cho phép doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh được in hóa đơn và tự chịu trách nhiệm thay vì buộc phải mua “hóa đơn đỏ” của cơ quan tài chính. Nghị định 51 cũng quy định các mua bán, giao dịch có giá trị trên 200.000 đồng thì doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh phải có trách nhiệm xuất hóa đơn cho người mua và trong hóa đơn đã có 10% VAT, nghĩa là bên bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không được cộng thêm 10% VAT khi viết hóa đơn. Như vậy, trường hợp các cửa hàng nhỏ lẻ kinh doanh sản phẩm công nghệ bán hàng nhưng không xuất hóa đơn hoặc bán hàng có xuất hóa đơn với điều kiện khách hàng phải tính thêm 10% VAT là chưa đúng luật, là hành vi lách luật để trốn thuế, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.