Bất cập xử lý nợ khó đòi

.

Một trong những khó khăn lớn của cộng đồng doanh nghiệp (DN) hiện nay là vướng các khoản nợ khó đòi (nợ xấu). Thực tế, nhiều DN đã mất khả năng thanh toán, phá sản, thậm chí bỏ trốn…, nhưng khi chủ nợ khởi kiện ra tòa thì gặp nhiều vướng mắc và không thu hồi được nợ.

Ngân hàng là một trong những nơi luôn tiềm ẩn nợ xấu.  (Ảnh mang tính minh họa)
Ngân hàng là một trong những nơi luôn tiềm ẩn nợ xấu. (Ảnh mang tính minh họa)

Ông Phan Khải Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Khải Hòa cho biết: “Hiện có rất nhiều khách hàng của DN lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán nhưng không thực hiện thủ tục ngừng hoạt động, hoặc đăng ký giải thể, phá sản nên việc xử lý các khoản nợ không có khả năng thu hồi của DN không thực hiện được. Thậm chí, khi khởi kiện, tòa tuyên buộc khách hàng phải trả nợ nhưng sau đó thi hành án không được. Điều này khiến DN gặp nhiều khó khăn về tài chính, sổ sách và mất thời gian theo đuổi các vụ kiện?

Điều đáng nói là theo quy định của Bộ Tài chính, tại điểm a, khoản 4, Điều 6 Thông tư số 228/2009/TT-BTC hướng dẫn “...Nợ phải thu không có khả năng thu hồi bao gồm các khoản nợ sau: Đối với tổ chức kinh tế: Khách nợ đã ngừng hoạt động và không có khả năng chi trả có xác nhận của cơ quan quyết định thành lập DN hoặc tổ chức đăng ký kinh doanh về việc DN, tổ chức đã ngừng hoạt động không có khả năng thanh toán”. Do đó, nếu đối chiếu quy định, các DN không đủ điều kiện xử lý tài chính các khoản nợ này mặc dù khách hàng đã mất khả năng chi trả. DN đã tiến hành đầy đủ các thủ tục để yêu cầu trả nợ và yêu cầu thi hành án theo đúng quy định pháp luật nhưng không thu hồi được. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sở cũng rất khó xác nhận được các khách hàng của DN đã ngừng hoạt động và không có khả năng chi trả.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng, tính đến nay, tổng nợ xấu của các DN trên địa bàn là 1.100 tỷ đồng, chiếm 1,08% trên tổng dư nợ. Đây cũng chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” khi thực tế cho thấy, bên cạnh các khoản nợ ngân hàng, nhiều DN đang bị bao vây bởi các khoản nợ thuế, nợ bảo hiểm; đặc biệt là nợ dây dưa lẫn nhau. Trong khi đó, công tác xử lý nợ xấu còn nhiều bất cập, hạn chế. Có những vụ án kéo dài gây ảnh hưởng đến hoạt động của các DN; nhiều tài sản khi xử lý được thì đã mất giá trị. Việc chưa xử lý triệt để nợ xấu một phần do khung pháp lý còn bất cập, nhiều ràng buộc, chồng chéo; thời gian tố tụng còn dài. Việc mua bán các tài sản bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm, thuế, phí thi hành án cũng còn những vướng mắc…

1.100 tỷ đồng là tổng nợ xấu của các doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng tính đến nay, chiếm 1,08% trên tổng dư nợ.

(Nguồn: Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng)

TS. Võ Duy Nghi, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đa phương thức nhìn nhận: “Hiện DN cũng gặp nhiều trường hợp nợ quá hạn, nợ khó đòi với những món nợ một vài tỷ. Có DN nợ dây dưa 5, 6 năm vẫn chưa thu hồi được. Do vậy, sau nhiều lần đòi không được và nhận thấy DN có “vấn đề” thì công ty sẽ kiện ra tòa và đề nghị cưỡng chế, phong tỏa tài khoản”. Tuy nhiên, vấn đề được khá nhiều DN quan tâm là cách thức trốn nợ của các DN hiện nay khá tinh vi. Không kể những DN khó khăn, phá sản, giải thể, không còn khả năng chi trả thì không ít các DN lớn, có thương hiệu, thậm chí thương hiệu lớn nhưng vẫn trốn nợ.

Cũng theo TS. Võ Duy Nghi, những DN này thường thay đổi nhân sự trước khi ký thanh toán khối lượng thi công. Tức là thay đổi trưởng ban quản lý, tổ trưởng công trình một cách đột ngột (điều chuyển đi nơi khác) khi công trình sắp hoàn thành, khiến việc ký xác nhận hoàn thành khối lượng công việc không thực hiện được, dẫn đến việc thanh toán rất khó khăn, thậm chí chây ỳ, dây dưa không thanh toán được vì không xác nhận được khối lượng. Trong khi đó, công ty khẳng định sẽ thanh toán khi có đủ chữ ký xác nhận khối lượng thi công.

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và chuyển giao công nghệ K&H Nguyễn Trọng Khải cho biết: “Hiện vẫn còn không ít DN chây ỳ, nợ lâu năm không trả, hoặc nợ bỏ trốn… Đối với các trường hợp này, sau khi đòi không được, chúng tôi sẽ thông báo cho các DN bạn biết, đồng thời căn cứ các điều khoản đã ký kết có thể khởi kiện ra tòa. Song, cũng rất khó thu hồi. Bài học rút ra là phải làm ăn với các DN uy tín, mối bạn hàng lâu năm, những DN có bảo lãnh tín dụng của ngân hàng…”.

Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN

;
.
.
.
.
.