Tháo gỡ khó khăn cho xe buýt trợ giá

.

Sau 1 năm hoạt động, 5 tuyến xe buýt trợ giá trên địa bàn Đà Nẵng đã phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi dần ý thức của người dân từ sử dụng phương tiện giao thông cá nhân sang giao thông công cộng. Tuy nhiên, nhiều khó khăn cần được tháo gỡ...

Việc đưa các tuyến xe buýt trợ giá vào hoạt động nhằm góp phần giảm áp lực giao thông cho thành phố.   Ảnh: THÀNH LÂN
Việc đưa các tuyến xe buýt trợ giá vào hoạt động nhằm góp phần giảm áp lực giao thông cho thành phố. Ảnh: THÀNH LÂN

Đầu tháng 12-2017, hơn 200 tài xế, nhân viên 5 tuyến xe buýt trợ giá của Chi nhánh II - Công ty CP Công nghiệp Quảng An I tại Đà Nẵng đồng loạt ngừng làm việc do công ty chậm trả lương tháng 10 cho người lao động. Sự việc không chỉ khiến hệ thống xe buýt nội thành của Đà Nẵng “ngưng hoạt động”, mà còn báo hiệu sự thất bại trong nỗ lực hơn năm qua nhằm xây dựng hệ thống giao thông công cộng của thành phố.

Một lái xe của công ty cho biết: “Do ít người sử dụng xe buýt, thiếu kinh phí bù đắp nên người lao động của công ty tháng nào cũng bị chậm lương. Trong khi đó, khi ký hợp đồng làm việc, họ phải đóng tiền “cược” cho công ty với mức 15 triệu đồng/tài xế, 3 triệu đồng/nhân viên.

Số tiền này như sợi dây ràng buộc khiến nhiều tài xế cùng nhân viên không thể nghỉ việc. Thiếu lương, nhiều người gặp khó khăn trong sinh hoạt”. Sau đó, Sở Giao thông vận tải (GTVT) và các ban, ngành đã nhanh chóng vào cuộc, ổn định lại hoạt động của các tuyến xe buýt trợ giá.

Các tài xế, nhân viên đã được trả lương, các tuyến xe buýt hoạt động trở lại, nhưng nếu không giải quyết những bất cập thì doanh nghiệp kinh doanh xe buýt nội thành sẽ còn nhiều khó khăn.

Theo thống kê, sau hơn 12 tháng, có hơn 200.000 lượt xe buýt trợ giá hoạt động, với tổng lượt khách trên 1,6 triệu lượt, tốc độ tăng bình quân 13,1%, tổng doanh thu qua bán vé đạt trên 4 tỷ đồng… Tuy hiệu quả kinh tế chưa cao nhưng dự án đã mang lại hiệu quả xã hội, góp phần thay đổi ý thức của người dân.

Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Trung cho biết: “Việc đưa 5 tuyến xe buýt trợ giá vào vận hành được người dân rất quan tâm. Trong 7 tháng đầu vận hành, Sở đã tiếp nhận, trả lời hơn 15.000 câu hỏi qua hệ thống thông tin điện tử, hơn 3.000 cuộc gọi qua đường dây nóng.

Đồng thời, số lượt hành khách tăng dần qua thời gian, từ bình quân 5,4 hành khách/lượt xe lên 13,5 hành khách/lượt xe. Dự án đã có được sự quan tâm của nhà đầu tư, thông qua việc kêu gọi rộng rãi khu vực tư nhân tham gia đấu thầu thực hiện dự án, chi phí trợ giá cho 5 tuyến đã được giảm gần 50% so với chi phí trợ giá được phê duyệt”.

Tuy nhiên, xe buýt còn vắng khách. Nguyên nhân được đưa ra là do người dân chưa có thói quen đi lại bằng xe buýt, hệ thống chưa bao phủ trong toàn mạng lưới giao thông thành phố nên doanh thu xe buýt chưa đạt theo kế hoạch...

Người dân đi xe buýt trợ giá.
Người dân đi xe buýt trợ giá.

Mới đây, thành phố đã đưa vào vận hành thêm tuyến xe buýt nhanh TMF thuộc dự án “Cải thiện hành lang giao thông đô thị thành phố Đà Nẵng” do quỹ Toyota Mobility Foundation (quỹ TMF) tài trợ. Dự án cũng thực hiện thí điểm miễn phí vé trong 1 năm tại trung tâm thành phố và bán đảo Sơn Trà, miễn phí gửi xe tại bãi đỗ xe P&R Bùi Dương Lịch nhằm khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ xe buýt.

Tuy nhiên, sau nhiều tháng thí điểm, tình hình cũng không có nhiều khả quan, do nghịch lý về lộ trình, trùng lắp với tuyến xe buýt trợ giá; hơn nữa, tâm lý của đa số người dân chưa thật sự hứng thú với việc sử dụng dịch vụ vận tải xe buýt công cộng…

Cũng theo Sở GTVT, hiện vẫn còn tình trạng ô-tô đậu đỗ lấn chiếm nơi dừng của xe buýt, gây khó khăn cho xe buýt đón và trả khách. 5 tuyến xe buýt mới chỉ đi qua các tuyến đường chính, chưa bao phủ khắp thành phố, chưa thuận tiện để người dân sử dụng; đồng thời, thành phố còn thiếu nhiều bãi đỗ xe công cộng cho người dân gửi xe cá nhân thuận tiện để đi xe buýt...

Trong kế hoạch dài hạn, Đà Nẵng không dừng lại ở xe buýt trợ giá mà còn muốn đưa vào hoạt động tuyến buýt nhanh (BRT) nhằm góp phần hạn chế ùn tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ, giảm tải áp lực về giao thông do việc sử dụng các phương tiện cá nhân...

Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Trung cho biết thêm: “Trong phương án đầu tư mở mới các tuyến xe buýt trên địa bàn, HĐND thành phố đã có ý kiến thống nhất cho phép mở thêm 6 tuyến buýt mới gồm Cảng Sông Hàn - Hòa Tiến, Bến xe Trung tâm thành phố - Khu du lịch Non Nước, Bến xe Trung tâm thành phố - Thọ Quang, Kim Liên - Cao đẳng Việt Hàn, Cảng Sông Hàn - Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang và Công viên 29-3 - Khu công nghệ cao”.

"Trong phương án đầu tư mở mới các tuyến xe buýt trên địa bàn, HĐND thành phố đã có ý kiến thống nhất cho phép mở thêm 6 tuyến buýt mới gồm Cảng Sông Hàn - Hòa Tiến, Bến xe Trung tâm thành phố - Khu du lịch Non Nước, Bến xe Trung tâm thành phố - Thọ Quang, Kim Liên - Cao đẳng Việt Hàn, Cảng Sông Hàn - Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang và Công viên 29-3 - Khu công nghệ cao”

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Văn Trung

Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN

;
.
.
.
.
.