Dồi dào hàng Tết

.

Chỉ còn vài tuần nữa đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, thị trường kinh doanh hàng hóa ở Đà Nẵng đang sôi động với lượng hàng đổ về liên tục, phong phú chủng loại. Nguồn cung hàng Tết dồi dào, tăng khoảng 10-20% so với ngày thường.

 Hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đã lên kệ ở các siêu thị, cơ sở mua bán lớn. (Ảnh chụp tại Siêu thị Intimex)Ảnh: KHÁNH HÒA
Hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đã lên kệ ở các siêu thị, cơ sở mua bán lớn. (Ảnh chụp tại Siêu thị Intimex)Ảnh: KHÁNH HÒA

Đến siêu thị Intimex (đường Phan Đình Phùng, quận Hải Châu), có thể cảm nhận rõ không khí Tết Nguyên đán đến rất gần khi hàng loạt mặt hàng mới đã được lên kệ. Bà Phan Nguyễn Thanh Thảo, Phó Giám đốc Công ty CP Intimex Đà Nẵng cho biết, nguồn hàng phục vụ Tết đã được tích lũy đầy đủ, sản lượng tăng 200-300% so với ngày thường.

Hàng được lấy từ các đơn vị uy tín với việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ khâu lựa chọn nhà cung ứng đến soi chiếu cẩn thận từng sản phẩm trước khi lên kệ. Đối với mặt hàng rau củ, Intimex chủ yếu nhập từ các địa phương như Lâm Đồng, Quảng Nam…

Đối với bánh kẹo, trái cây sấy khô, rượu…, ngoài hàng trong nước thì hàng nhập khẩu từ các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Canada… được dự đoán sẽ tiêu thụ mạnh. Bên cạnh đó, đơn vị cũng phân ra khu vực riêng biệt bán các loại đặc sản mang tính vùng, miền như bưởi Diễn, cam Canh, xoài cát, nho Ninh Thuận…

Giá được niêm yết công khai, không tăng nhiều so với ngày thường. Trước Tết khoảng 10 ngày là thời gian cao điểm các mặt hàng như dưa món, trái cây, rau củ tươi các loại được nhập về nhiều.

Để phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, siêu thị CoopMart Đà Nẵng đã chuẩn bị 600 tấn hàng hóa (tương đương 60 tỷ đồng), tăng 15% so với năm trước, cụ thể các nhóm hàng: bánh mứt kẹo, nước giải khát, bia rượu, lương thực, rau củ quả, quần áo thời trang, đồ dùng gia đình và hóa mỹ phẩm… Tất cả đều được bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bà Lê Thị Hiền, Phó Giám đốc siêu thị CoopMart Đà Nẵng, dự đoán sức mua dịp Tết năm nay tại siêu thị này sẽ tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. CoopMart Đà Nẵng có kế hoạch tăng giờ mở cửa, tăng số lượng nhân sự cũng như trang thiết bị để phục vụ khách hàng nhanh và chu đáo hơn.

Nhiều đơn vị kinh doanh sẵn sàng nguồn hàng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. (Ảnh chụp tại Siêu thị Intimex)
Nhiều đơn vị kinh doanh sẵn sàng nguồn hàng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. (Ảnh chụp tại Siêu thị Intimex)

Ngoài hệ thống siêu thị, tại chợ Đầu mối Hòa Cường (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu), những chuyến hàng Tết đã bắt đầu được nhập. Theo dự báo của Ban quản lý chợ Đầu mối Hòa Cường, 10 ngày trước Tết Nguyên đán là thời gian cao điểm hàng nhập về chợ, trung bình 700-800 tấn hàng các loại/ngày, đêm; thậm chí lên tới 1.000 tấn/ngày, đêm (tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường). Trong đó, trái cây chủ yếu được nhập từ Tiền Giang, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Thuận…

Rau, củ, quả lấy từ Lâm Đồng, Gia Lai, Quảng Nam, Bắc Ninh, Vinh… Để bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như kiểm soát chặt chẽ xuất xứ nguồn hàng, ngoài việc Ban quản lý chợ Đầu mối Hòa Cường tăng cường kiểm tra, giám sát, lấy mẫu trước khi cho hàng nhập chợ, trong năm 2017, thành phố đã có những chuyến đi đến các địa phương có kết nối cung ứng hàng cho Đà Nẵng để ký kết thỏa thuận hợp tác, trong đó an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu.

Bên cạnh đó, các siêu thị, chợ cam kết tham gia chương trình bình ổn giá của Sở Công thương. Tại CoopMart Đà Nẵng, đơn vị tham gia bình ổn giá thị trường của Sở Công thương đối với các mặt hàng thiết yếu, thịt gia súc…; chủ động tham gia giữ giá tốt hơn so với thị trường tối thiểu 5-10% so với các mặt hàng cùng loại.

Dự kiến trong những ngày cận Tết, CoopMart Đà Nẵng sẽ cùng một số nhà cung cấp giảm giá thêm hàng nghìn sản phẩm đặc trưng Tết với mức khuyến mãi 10-50% kết hợp các dịch vụ tiện ích, giúp khách hàng mua sắm đầy đủ và tiết kiệm.

Ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng Ban quản lý chợ Đầu mối Hòa Cường cũng cho biết, đơn vị đã gặp mặt các cá nhân, tổ chức kinh doanh tại chợ nhằm nắm bắt thông tin về nguồn hàng phục vụ Tết, đồng thời thực hiện cam kết tránh tình trạng găm hàng, nâng giá quá cao, qua đó góp phần bình ổn giá thị trường dịp Tết.

Sở Công thương cho biết, từ cuối năm 2017, đơn vị đã chủ động phối hợp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối trên địa bàn Đà Nẵng chuẩn bị nguồn hàng dự trữ phục vụ trước, trong và sau Tết Mậu Tuất 2018 với tổng giá trị dự trữ hàng thiết yếu phục vụ Tết dự kiến 829,5 tỷ đồng. Tổng số hàng hóa thiết yếu dự trữ của 10 đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối tham gia dự trữ gồm: 200 tấn gạo, nếp các loại; gần 750 tấn thịt các loại; gần 145 tấn rau, củ, quả các loại; gần 450 tấn thực phẩm chế biến, đóng hộp, thực phẩm khô..., giá trị khoảng 179,47 tỷ đồng.

Thương nhân kinh doanh tại 8 chợ lớn như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Mới, chợ Đầu mối nông sản Hòa Cường, chợ Siêu thị, chợ Hòa Khánh và chợ Đầu mối thủy sản Thọ Quang cũng chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu ước khoảng 150 tỷ đồng. Thương nhân kinh doanh tại hệ thống cửa hàng ở các tuyến phố chuyên doanh tham gia dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu với giá trị ước khoảng 500 tỷ đồng.

Mặc dù chịu ảnh hưởng mưa lũ và đợt rớt giá vừa qua nhưng thời điểm cuối năm là lúc tiêu thụ mạnh các sản phẩm từ thịt heo. Tại thôn Phú Thượng (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang), bà Ngô Thị Kim Chi cho biết, đàn heo nhà bà có 50 con cả lớn lẫn nhỏ, sẵn sàng bán ra thị trường khoảng 30 con với giá từ 30.000 - 32.000 đồng/kg heo hơi.

Cách nhà bà Chi không xa là nhà chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, có đàn heo 60 con nhưng mới bán hết hơn một nửa để lấy tiền mua heo giống. Hiện còn khoảng hơn 20 con đang chờ bán ra thị trường.

Chị Nguyệt, một tiểu thương tại chợ Cồn cho hay, thời điểm hiện tại, sức mua thịt heo từ người tiêu dùng vẫn chưa cao, đa số mọi người chỉ mua số lượng dùng hằng ngày. Từ mồng 10 tháng Chạp trở đi, sức mua thịt heo mới tăng mạnh.

THANH TÙNG

Bài và ảnh: MẪU ĐƠN

;
.
.
.
.
.
.