Mở rộng cửa cho nhà đầu tư

.

Nghị định số 04/2018/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 04) quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Khu công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành mang lại hàng loạt ưu đãi cho các nhà đầu tư. Trưởng ban quản lý (BQL) Khu CNC Phùng Tấn Viết (ảnh) cho biết, mục tiêu đặt ra trong năm 2018 là đưa 4-5 dự án đầu tư vào Khu CNC với tổng giá trị 70 - 80 triệu USD nhưng kỳ vọng sẽ thu hút 7 - 8 dự án với tổng giá trị 150 - 200 triệu USD.

Các doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao mong muốn được hỗ trợ trong việc tuyển dụng lao động. TRONG ẢNH: Công nhân làm việc tại nhà máy Công ty TNHH Tokyo Keiki Precision Technology trong Khu công nghệ cao.  															                   Ảnh: KHANG NINH
Các doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao mong muốn được hỗ trợ trong việc tuyển dụng lao động. TRONG ẢNH: Công nhân làm việc tại nhà máy Công ty TNHH Tokyo Keiki Precision Technology trong Khu công nghệ cao. Ảnh: KHANG NINH

Ông Phùng Tấn Viết cho biết:

- Theo Nghị định 04, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đến đầu tư, làm việc tại Khu CNC Đà Nẵng sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư như tiền thuê đất; hoàn trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng; thuế thu nhập doanh nghiệp (DN); thuế nhập khẩu; tín dụng đầu tư; xuất nhập cảnh và nhiều ưu đãi khác.

Về vấn đề đất đai, sẽ miễn toàn bộ tiền thuê đất cho cả thời hạn dự án đầu tư đối với đất xây dựng công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật, đất cây xanh, đất xây dựng cơ sở đào tạo nhân lực CNC, đất nhà ở cho chuyên gia hay người lao động… Người sử dụng đất không phải hoàn trả tiền bồi thường hay giải phóng mặt bằng nếu dự án có quy mô vốn từ 3.000 tỷ đồng trở lên, dùng đất để xây dựng công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật, khu cây xanh…

Về vấn đề thuế, DN thực hiện dự án đầu tư mới sẽ được áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN 10% trong 15 năm. Nếu dự án có vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thời hạn này được kéo dài thành 30 năm. Các DN cũng được miễn thuế 4 năm và chỉ phải nộp 50% số thuế trong 9 năm tiếp theo. Các dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng được miễn thuế nhập khẩu hàng hóa để tạo tài sản cố định (máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải chuyên dụng, công nghiệp sản xuất trực tiếp, vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được) của dự án trong Khu CNC.

Về huy động vốn đầu tư phát triển, ngân sách Trung ương ưu tiên bố trí đủ số vốn bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố để thực hiện các dự án, công trình trong Khu CNC và các chương trình quốc gia phát triển Khu CNC. Chính phủ cũng ưu tiên huy động vốn ODA cho thành phố đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các dự án xây dựng công trình tiện ích công cộng…

Ngoài ra, nhà đầu tư, chuyên gia và người lao động là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài làm việc trực tiếp tại Khu CNC và thành viên gia đình được xem xét cấp thị thực có giá trị xuất, nhập cảnh nhiều lần với thời hạn phù hợp.

* Nghị định 04 quan trọng như thế nào đối với vấn đề thu hút đầu tư vào Khu CNC Đà Nẵng, thưa ông?

- Có thể khẳng định Nghị định 04 là công cụ quan trọng cho toàn bộ quá trình hoạt động của Khu CNC Đà Nẵng từ nay về sau.

Trước đây, thành phố gặp một nghịch lý: dù nhiều năm liền dẫn đầu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhưng thu hút đầu tư vẫn không được như kỳ vọng, thậm chí thấp hơn một số địa phương khác trong khu vực. PCI đánh giá sự năng động điều hành của chính quyền thành phố, môi trường đầu tư thông thoáng.

Song, trước khi quyết định chọn địa phương nào, nhà đầu tư so sánh lợi - hại tính bằng tiền. Tiền ở đây chính là những chính sách giảm thuế, phí… Trước đây, Khu CNC Đà Nẵng chưa có chính sách đặc thù này, nhưng với Nghị định 04, mọi ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đều được tính rõ thành những con số cụ thể.

Cũng xin nói thêm, Khu CNC Hòa Lạc (Hà Nội) sau 18 năm hoạt động, đến tháng 7-2017 mới được Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù. Khu CNC TP. Hồ Chí Minh hình thành gần 16 năm nhưng vẫn đang đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù. Khu CNC Đà Nẵng được thành lập vào tháng 10-2010, đến nay chưa đầy 8 năm và rất vinh dự được Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 04. Tôi cho rằng, đây là cái tâm của người đứng đầu Chính phủ.

So với cả nước, miền Trung còn rất khó khăn, Chính phủ đã ban hành cơ chế đặc thù cao nhất để tạo cú hích cho miền Trung phát triển. Không chỉ vậy, Thủ tướng còn giới thiệu các nhà đầu tư lớn vào Khu CNC Đà Nẵng và đề nghị Khu CNC TP. Hồ Chí Minh cùng Khu CNC Hòa Lạc giúp giới thiệu các nhà đầu tư khác.

Có thể nói, Nghị định 04 sẽ giải phóng tiềm năng phát triển của Khu CNC Đà Nẵng. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay của thành phố, Nghị định 04 sẽ giúp giải tỏa nhiều vấn đề và là cơ hội để chúng ta thực hiện thành công “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2018” của Thành ủy, phát triển khu phía tây thành phố thành “đô thị công nghiệp CNC”.

* Với Nghị định 04, BQL Khu CNC đã có kế hoạch thu hút đầu tư trong thời gian tới như thế nào?

- Đối với năm 2018, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tăng tốc thu hút đầu tư vào Khu CNC và đã được UBND thành phố phê duyệt. Chúng tôi đặt ra mục tiêu thu hút 4-5 dự án với tổng giá trị 70-80 triệu USD. Mục tiêu là vậy nhưng chúng tôi kỳ vọng - và có cơ sở để kỳ vọng- sẽ đưa 7-8 dự án với giá trị 150-200 triệu USD về Khu CNC Đà Nẵng.

Về công tác quảng bá, trước đây, BQL chỉ tập trung quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống, năm nay sẽ quảng bá ở các sân bay lớn như Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh). Ngoài ra, còn tăng cường mức độ phủ sóng thông tin ở các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Mỹ…

Năm 2017, BQL Khu CNC có đoàn công tác đi xúc tiến đầu tư ở Pháp và Đức. Nhiều nhà đầu tư như tập đoàn Bekaert, Telespazio France, FM Logistics, Quantcube Technology… cam kết sẽ đến Khu CNC Đà Nẵng để khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư. Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn khác đến xúc tiến đầu tư ở các thị trường rộng hơn, mạnh hơn.

Khu CNC Đà Nẵng hiện là thành viên của Hiệp hội các Khu công viên khoa học châu Á (ASPA). Cái lợi thấy rõ nhất của việc tham gia ASPA là hằng năm chúng ta đều có thể đi tham gia các sự kiện, hội thảo mà hiệp hội tổ chức; qua đó tiếp cận, thu hút các nhà đầu tư của châu Á và Nga. Ngoài ra, BQL cũng thông qua mạng lưới liên kết với cơ quan ngoại giao của các nước tại Việt Nam và của Việt Nam tại nước ngoài để đặt mối quan hệ, tăng kênh thông tin.

Đặc biệt, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, tức là phải tích cực “chăm sóc” các nhà đầu tư đã có mặt tại Khu CNC Đà Nẵng. Tôi có thể khẳng định rằng, tiếng nói của họ còn mạnh hơn tiếng nói của BQL. Họ mới chính là những người đóng vai trò cầu nối, quảng bá giúp Khu CNC của chúng ta đến với mạng lưới quan hệ của họ.

Sản xuất tại Nhà máy Công ty TNHH Tokyo Keiki Precision Technology trong Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Sản xuất tại Nhà máy Công ty TNHH Tokyo Keiki Precision Technology trong Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

* Bên cạnh cơ chế đặc thù mà Chính phủ vừa ban hành cho Khu CNC Đà Nẵng, chúng ta còn có những chính sách nào “made in Đà Nẵng” để hỗ trợ các nhà đầu tư không, thưa ông?

- Hiện nay, nhà đầu tư làm hầu hết các thủ tục, giấy phép thông qua BQL, không cần phải “chạy tới, chạy lui”. Trụ sở BQL cũng nằm trong khuôn viên Khu CNC (tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang).

Trước đây, BQL Khu CNC tổ chức đối thoại với DN theo từng quý, nay chuyển thành từng tháng. DN thoải mái bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, BQL ghi nhận và cố gắng giải quyết. Những gì trong phạm vi xử lý của BQL thì BQL làm, còn lại thì BQL sẽ báo cáo cấp trên. Ví dụ như chuyện cung cấp điện, nước, ngay sau khi DN báo cáo sự cố giông sét gây hư hỏng thiết bị trong hệ thống điện nội bộ, BQL đã báo cho Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng kiểm tra toàn bộ hệ thống nguồn, lưới và khắc phục dứt điểm sự cố. Để bảo đảm cấp nước, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng cũng lắp thêm 2 máy bơm với công suất 120m3/giờ để phục vụ Khu CNC khi nhu cầu sử dụng tăng cao.

Khu CNC Đà Nẵng nằm ở vị trí khá xa trung tâm thành phố nên chính quyền cũng tìm cách hỗ trợ vé xe buýt cho người lao động đi làm. Trong năm nay, còn có thêm tuyến buýt R14 chạy từ Công viên 29-3 lên Khu CNC để phục vụ người lao động.

Đến nay, 8 dự án đã được được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong Khu công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng. Trong đó, có 3 dự án FDI với 100% vốn Nhật Bản (thuộc lĩnh vực sản xuất) cùng 5 dự án trong nước (thuộc lĩnh vực nghiên cứu - phát triển, sản xuất kèm trung tâm nghiên cứu, phát triển hạ tầng và xây dựng nhà xưởng). Với tổng vốn 187 triệu USD, 8 dự án này đang sử dụng 24,5ha đất, tương đương 7% trong tổng số 350ha đất hiện đã đầy đủ hạ tầng kỹ thuật tại Khu CNC.

"Ban quản lý Khu công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng cho biết hiện trung bình mỗi ngày có 1 nhà đầu tư đến đây tìm hiểu. Hy vọng với Nghị định 04, con số này sẽ tăng thành 3-4 nhà đầu tư. Là một trong những nhà đầu tư đầu tiên tại Khu CNC Đà Nẵng, chúng tôi sẵn sàng làm cầu nối để giúp các công ty khác tìm hiểu về môi trường đầu tư, hoạt động tại đây”

Ông Kamioka Nobuo, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tokyo Keiki Precision Technology

KHANG NINH thực hiện

;
.
.
.
.
.
.