Doanh nghiệp thiếu lao động sau Tết

.

Để không xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động và nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất sau Tết, các doanh nghiệp (DN) ngay từ trước Tết đã lên kế hoạch chi tiết tuyển gấp lao động và không ngại ngần đưa ra nhiều chế độ hấp dẫn về lương, thưởng, phụ cấp để giữ chân người lao động... Tuy nhiên, do công nhân nghỉ việc, nhảy việc hoặc do nhu cầu mở rộng sản xuất, nhiều DN tuyển dụng mới lao động với số lượng lớn.

Các doanh nghiệp phỏng vấn người lao động tại phiên giao dịch việc làm.
Các doanh nghiệp phỏng vấn người lao động tại phiên giao dịch việc làm.

Tình trạng công nhân nghỉ việc hoặc nhảy việc sau Tết là điều các chủ sử dụng lao động dự đoán trước, vì thế, để công nhân trở lại làm việc đầy đủ, các công ty đã có nhiều chính sách giữ chân người lao động. Tuy nhiên, vẫn có một số công nhân bỏ việc, nhảy việc với nhiều lý do.

Chị Nguyễn Thị Ánh (quê huyện Quế Sơn, Quảng Nam) làm việc tại Khu công nghiệp (KCN) Hòa Cầm cho biết: “Sau khi làm hết năm để nhận tiền thưởng Tết, tôi xin nghỉ việc để lập gia đình và quyết định ở quê buôn bán cùng chồng”. Còn anh Nguyễn Tiến Thạch (trú tỉnh Gia Lai, công nhân tại KCN Hòa Khánh) cho hay: “Trước Tết, thấy nhiều công ty đăng tin tuyển dụng tìm người sau Tết, tôi cũng tìm hiểu thử, nếu công ty nào có lương cao hơn, chế độ tốt hơn thì chuyển. Việc gì phải ở mãi một chỗ và nhận lương thấp”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhu cầu tuyển dụng việc làm tại các KCN rất phong phú. Nhiều công ty tuyển dụng hàng trăm lao động. Cụ thể, Công ty CP Sản xuất-Thương mại Hữu Nghị Đà Nẵng tuyển 500 công nhân may giày da xuất khẩu; Công ty TNHH MTV Kad Industrial S.A Việt Nam (KCN Hòa Khánh) tuyển 500 lao động phổ thông trong lĩnh vực may mặc; Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam tuyển 300 lao động phổ thông làm việc tại KCN Hòa Cầm... Để cạnh tranh và thu hút người lao động, nhiều công ty đã đưa ra chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Ngoài thu nhập khoảng từ 4 đến 7 triệu/tháng/người, công nhân còn được hưởng phụ cấp về nhà ở, đi lại, thưởng tăng ca, chuyên cần, hỗ trợ cơm ca, có cơ hội đi du lịch...

Trong các lĩnh vực sản xuất tại Đà Nẵng, dệt may thường xảy ra biến động nhiều hơn; bởi tại đây tập trung rất nhiều công ty may mặc, tâm lý người lao động thích “nhảy việc” để lựa chọn các DN có điều kiện làm việc và lương tốt hơn. Điều này tạo ra sự dịch chuyển lao động giữa các DN, gây nên sự xáo trộn nguồn nhân lực. Mặt khác, nhiều DN khi có đơn hàng đầu năm cần huy động một lượng lớn công nhân để thực hiện nên đăng tuyển ồ ạt. Các doanh nghiệp với áp lực hoàn thành hợp đồng đúng thời hạn nên đưa ra nhiều chính sách để tranh giành lao động. Trong khi đó, ở các lĩnh vực thủy sản, điện tử... tình trạng biến động ít hơn vì không có sự cạnh tranh lao động giữa các DN.

Theo đại diện Công ty CP Sản xuất-Thương mại Hữu Nghị Đà Nẵng, DN này đang cần tuyển gấp lượng lớn công nhân may giày da xuất khẩu một phần vì công nhân nghỉ việc sau Tết, một phần để mở rộng sản xuất (công ty mới mở rộng thêm 4 nhà máy). Công ty có chính sách giữ chân và thu hút người lao động, bên cạnh lương, người lao động còn được hưởng các khoản phụ cấp khác (tiền xăng, chuyên cần, nuôi con nhỏ...), được chăm lo, hưởng đầy đủ chế độ theo quy định, đặc biệt đối với lao động chưa có tay nghề vẫn được chọn và đào tạo nghề mới.

Còn ông Nguyễn Tấn Hòa, Phòng Nhân sự Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng cho hay: “Đợt tuyển dụng lần này, chúng tôi cần tuyển 100 lao động phổ thông nữ làm theo ca đảm trách các nghiệp vụ lắp ráp và hỗ trợ sản xuất mô-tơ với mức lương từ 4,8 triệu đến 7,7 triệu/tháng/người. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ tiền nhà và đi lại, có phí hỗ trợ gửi trẻ, hỗ trợ suất ăn giữa ca cho công nhân cùng với các khoản thưởng, phụ cấp hấp dẫn khác”. Anh Hòa cũng cho biết thêm, để phục vụ sản xuất, bảo đảm đúng tiến độ, quy trình nên từ trước Tết, công ty đã lên kế hoạch tuyển dụng, đến nay số lượng hồ sơ cũng gần đủ.

Ông Lê Chí Thành, Chánh Văn phòng Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, cũng có biến động lao động nhưng không nhiều. 80% các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại từ mồng 6 tháng Giêng, đến 11 tháng Giêng, 100% doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường.

Những năm trước đây, khi các địa phương chưa có các KCN, lao động ở các tỉnh xa tập trung đến, nên sau Tết thường có tình trạng lao động ở lại quê hoặc đợi hết tháng Giêng mới đến tìm việc, dẫn đến tình trạng biến động lớn. Còn hiện nay, công nhân làm việc cho DN chủ yếu ở Quảng Nam, Đà Nẵng, các tỉnh khác chiếm tỷ lệ thấp nên không có nhiều biến động.

Bài và ảnh: THU THẢO

;
.
.
.
.
.
.