Khởi sắc kinh tế tập thể

.

Từ năm 2017 đến nay, khu vực kinh tế tập thể có những bước phát triển khởi sắc. Với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, nhiều mô hình sản xuất mới được triển khai, những kỹ thuật mới được áp dụng vào sản xuất, thu hoạch và sau thu hoạch, qua đó, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp số 1 Hòa Châu có 3 máy gặt đập liên hợp, chủ động thu hoạch toàn bộ diện tích sản xuất lúa của hợp tác xã.
Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp số 1 Hòa Châu có 3 máy gặt đập liên hợp, chủ động thu hoạch toàn bộ diện tích sản xuất lúa của hợp tác xã.

Tổ hợp tác sản xuất hoa công nghệ cao Dương Sơn (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) có 24 hộ trồng hoa công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 4,5ha. Nhờ áp dụng khoa học tiên tiến, năng suất và chất lượng hoa cơ bản đáp ứng được thị hiếu và yêu cầu của thị trường. Ông Lý Dạng, Tổ trưởng Tổ hợp tác này cho biết, năm 2017, huyện Hòa Vang hỗ trợ 700 triệu đồng cho đơn vị mở rộng hơn 1ha đất canh tác. Với sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo địa phương, năng suất, hiệu quả từ việc trồng hoa tăng lên, nhờ đó mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con trong tổ.

Năm 2017, huyện Hòa Vang cũng hỗ trợ 580 triệu đồng cho Hợp tác xã (HTX) hoa Vân Dương (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) để mở rộng mặt bằng sản xuất hoa. Trong khi đó, các xã viên HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1 (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) vui mừng khi HTX được vay vốn từ ngân hàng để mua thêm 1 máy gặt đập liên hợp có giá trị khoảng 500 triệu đồng; huyện cũng hỗ trợ thêm một lò sấy lúa giống với kinh phí 220 triệu đồng. “Năm nào huyện cũng bố trí kinh phí hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX thực hiện những mô hình trình diễn sản xuất lúa giống và sản xuất lúa, hoa, rau, nấm... Đặc biệt, đã đầu tư hỗ trợ hạ tầng cơ sở, dụng cụ cơ giới phục vụ chế biến sau thu hoạch cũng như các giải pháp ứng dụng công nghệ cao... nhằm giúp các đơn vị này tổ chức sản xuất hiệu quả hơn”, ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết.  

Theo UBND huyện Hòa Vang, sau 2 năm hoàn thành chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, hoạt động của các HTX trên địa bàn huyện Hòa Vang đã có những chuyển biến tích cực và khởi sắc. Tại HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1, sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, HTX gần như làm hết các dịch vụ sản xuất trên diện tích 247ha lúa nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh tốt hơn so với các năm trước đây. Hiện HTX đã đảm nhận dịch vụ thủy lợi đạt 40% diện tích gieo trồng thông qua với 2 trạm bơm, đảm nhận dịch vụ làm đất cho 100% diện tích (tăng 60% so với năm 2016), thực hiện thu hoạch 50% diện tích... Đồng thời, sản xuất lúa giống để cung cấp cho các xã viên, giảm giá dịch vụ thu hoạch 200.000 đồng/ha, nên tư thương không thể ép giá nông dân về dịch vụ thu hoạch. “Sắp tới, chúng tôi sẽ mạnh dạn hơn trong triển khai làm các dịch vụ cho nông dân”, ông Nguyễn Sĩ, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1 nói.

Còn ông Phan Ngọc Hưng, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp số 1 Hòa Châu (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) lại tự tin cho biết: “Hiện HTX có 3 máy cày, 3 máy gặt đập liên hợp, chủ động được tổ chức sản xuất và thu hoạch toàn bộ diện tích 70ha. Trong năm 2017, mặc dù đã bố trí kinh phí rất lớn để tu bổ kênh mương nội đồng và hỗ trợ bê-tông hóa 1,5km đường giao thông nội đồng, nhưng vẫn có lãi và để góp quỹ HTX, chia cổ phần cho xã viên”.

Ông Nguyễn Hồng Vân, Chủ tịch Liên minh HTX thành phố Đà Nẵng cho hay,  trên địa bàn thành phố hiện có 82 HTX, 1 liên hiệp HTX đã chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012,  chủ yếu trên các lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và vận tải. Năm 2017 có 15 HTX được thành lập mới, trong đó có 1 HTX hoạt động ở lĩnh vực CNTT. Liên minh HTX thành phố cùng các sở, ngành và địa phương đã hỗ trợ 17 đơn vị tham gia các hội chợ, 24 đơn vị xây dựng bao bì, nhãn hiệu sản phẩm, quảng bá và phát triển thương hiệu; hỗ trợ cho 2 cơ sở sản xuất mua sắm máy móc, thiết bị với tổng trị giá 65 triệu đồng; hỗ trợ cơ giới hóa, giống, lò sấy lúa giống, mở rộng mặt bằng sản xuất cho các HTX hơn 2,8 tỷ đồng... Ngân sách thành phố cấp tổng vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển HTX thành phố đến 6 tỷ đồng, hiện đã giải ngân 12 lượt vay với số tiền 3,15 tỷ đồng... “Sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền và địa phương đã giúp khu vực kinh tế tập thể phát triển khởi sắc hơn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX tiếp tục giữ vững; nhiều đơn vị mở rộng quy mô sản xuất, làm tốt khâu dịch vụ đầu vào cho các hội viên, giúp họ phát triển sản xuất cũng như tạo thêm việc làm cho thành viên và người lao động, góp phần tích cực trong bảo đảm an sinh xã hội” ông Nguyễn Hồng Vân cho biết.

Để thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể phát triển hơn nữa, ngày 5-3, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tiếp tục tuyên truyền có hiệu quả về kinh tế tập thể, giới thiệu và biểu dương những mô hình tiên tiến trong sản xuất-kinh doanh. Tiếp tục hỗ trợ các HTX xây dựng và phát triển thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng xúc tiến thương mại, bán hàng, văn minh thương mại... Từng bước nâng cao công tác quản lý điều hành của cán bộ lãnh đạo các thành phần kinh tế tập thể. Tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để các thành phần kinh tế tập thể ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học-công nghệ, mở rộng thị trường, khuyến khích tích lũy và sử dụng có hiệu quả vốn tập thể trong các HTX. Tổ chức hướng dẫn xây dựng mô hình HTX kiểu mới để nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, làm cơ sở nhân rộng cho các HTX khác trên địa bàn thành phố.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.
.