Đề xuất nâng cấp bán đảo Sơn Trà thành vườn quốc gia

.

Thu thuế sinh thái đối với người sử dụng tài nguyên thiên nhiên, thu phí đối với khách tham quan, nâng cấp bán đảo Sơn Trà thành vườn quốc gia, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch bền vững… là những đề xuất của các đại biểu tại hội thảo quốc tế lần thứ nhất về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững khu vực miền Trung-Tây Nguyên với chủ đề “Phát triển du lịch tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên” được tổ chức vào ngày 21-7.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam Lê Văn Lanh đặt vấn đề khai thác phát triển du lịch bền vững tại bán đảo Sơn Trà.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam Lê Văn Lanh đặt vấn đề khai thác phát triển du lịch bền vững tại bán đảo Sơn Trà.

Hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật thành phố phối hợp với Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), nhóm Nghiên cứu - giảng dạy Môi trường và Tài nguyên sinh vật, ĐH Đà Nẵng (DN-EBR) tổ chức.

Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cùng 150 nhà khoa học trong và ngoài nước, đại diện các sở, ngành của thành phố, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp…  

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận và thảo luận về các giải pháp phát triển du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam và các địa điểm như: động Phong Nha, hang Sơn Đoòng, Pù Mát, Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Yók Đôn… Đặc biệt, đề cập việc phát triển du lịch bền vững ở bán đảo Sơn Trà.

Trong bài trình bày tham luận về tiềm năng, thách thức và giải pháp phát triển du lịch sinh thái, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam Lê Văn Lanh đặt vấn đề: “Sau này, Sơn Trà, Bà Nà, Bạch Mã, Sông Thanh… sẽ trở thành những vườn quốc gia. Vấn đề đặt ra là việc phát triển du lịch bền vững tại các vườn quốc gia này bằng cách thức nào?”.

Vấn đề ông Lê Văn Lanh được các đại biểu quan tâm và đề xuất giải pháp ngay sau đó. “Để Sơn Trà lên hạng cao hơn là vườn quốc gia, cần phải mở rộng diện tích khu rừng đặc dụng theo hướng bảo đảm diện tích bán đảo Sơn Trà hiện có và kết hợp thêm một phần diện tích biển, nơi có giá trị đa dạng sinh học biển cao như san hô và cỏ biển; diện tích rừng đặc dụng Nam Hải Vân và hòn đảo Sơn Chà con.

Việc nâng Sơn Trà lên vườn quốc gia sẽ giúp phát huy lợi thế của Sơn Trà, duy trì ổn định khu vực bán đảo, biển, đảo về bảo tồn thiên nhiên, bảo đảm quốc phòng-an ninh; đồng thời, phát huy tối đa các hình thức du lịch bền vững, kết nối mạng du lịch trong khu vực, ông Nguyễn Quốc Dựng (Viện Điều tra quy hoạch rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quốc Dựng cũng đề xuất các hình thức phát triển du lịch ở bán đảo Sơn Trà như: khám phá, học hỏi, trải nghiệm bảo vệ và phát triển các giá trị sinh thái của rừng và biển (du lịch sinh thái); leo núi, lặn biển (du lịch mạo hiểm); du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển; tham quan bằng nhiều phương tiện thân thiện môi trường…

Trong khi đó, PGS.TS Miki Yoshizumi (ĐH Ritsumeikan, Nhật Bản) đề xuất thu thuế sinh thái - một biện pháp tiềm năng áp dụng cho bán đảo Sơn Trà, nhằm kiểm soát sử dụng tài nguyên thiên nhiên dựa trên nguyên tắc người sử dụng trả tiền và trả tiền cho phần tác động môi trường sinh thái.

“Chính quyền quần đảo Balearic (Tây Ban Nha) đã ban hành thuế sinh thái, thu từ những du khách đến tham quan chỉ với 1 EUR/người để chi phí giảm thiểu những thiệt hại môi trường do ngành du lịch gây ra. Việc thu thuế này mang lại khoản ngân sách lên đến 45 triệu EUR/năm dù chỉ mới dừng lại thu từ các khách sạn.

Chính quyền quần đảo Balearic đã điều chỉnh việc thu thuế sinh thái này vào năm 2016 với ước tính mang lại khoản kinh phí từ 60-70 triệu EUR/năm để chi cho các dự án về cải thiện môi trường và phát triển du lịch bền vững ở các hòn đảo. Thuế sinh thái là phương pháp rất tiềm năng khi áp dụng tại bán đảo Sơn Trà”, bà Miki Yoshizumi nói.

Còn TS Bùi Minh Nguyệt (Trường ĐH Lâm nghiệp Hà Nội) cho rằng, nếu thu phí tham quan bán đảo Sơn Trà với mức 50.000 đồng/người thì sẽ có ngân sách 60 tỷ đồng/năm để chi phí cho quá trình quản lý, bảo tồn đa dang sinh học, đầu tư các giải pháp giảm thiểu tác động gây ô nhiễm môi trường…

“Chúng tôi khuyến nghị xây dựng phương án thí điểm tổ chức, phát triển du lịch sinh thái gắn liền với bảo tồn thiên nhiên thông qua việc thu phí vào cửa từ 50.000-100.000 đồng/lượt khách và cung cấp các gói dịch vụ du lịch chuyên biệt”, bà Bùi Minh Nguyệt đề xuất.

Trao đổi với phóng viên về phát triển du lịch bền vững và thu thuế sinh thái ở bán đảo Sơn Trà, ông Lê Văn Lanh cho rằng: “Chúng ta đừng cứng nhắc hễ là khu bảo tồn thiên nhiên thì phải bảo tồn nguyên vẹn, mà cần đặt công tác bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển rừng kết hợp với phát triển du lịch bền vững. Chẳng hạn, việc xây dựng khu nghỉ dưỡng Intercontinental Danang Sun Peninsula tác động đến môi trường ít, hài hòa với cảnh quan và thiên nhiên, được thế giới đánh giá cao”.

Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố cho hay: “Thu phí khách tham quan bán đảo Sơn Trà là để trang trải cho hoạt động kiểm soát, quản lý; bảo tồn đa dạng sinh học, giữ gìn và bảo vệ rừng...

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là kiểm soát khách lên xuống, đi đâu, làm những gì ở trên bán đảo Sơn Trà thì mới bảo đảm được công tác bảo tồn, gìn giữ và phát triển rừng vì hiện nay chưa có phương án quản lý khách lên báo đảo Sơn Trà.

Do đó, ưu tiên trước mắt hiện nay là xây dựng phương án quản lý du khách lên xuống bán đảo Sơn Trà. Vừa qua, sở đã đề xuất phương án dùng công nghệ thông minh thông qua vòng đeo tay để quản lý khách, nhưng có một số vấn đề nên đang xem xét thêm các phương án khác để có giải pháp quản lý tối ưu”.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.
.