Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước ước đạt 651.700 tỷ đồng

.

Sáng 18-7, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính ngân sách Nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính ngân sách 6 tháng cuối năm 2018.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm, tổng thu cân đối NSNN ước đạt 651.700 tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thu nội địa ước đạt xấp xỉ 523.400 tỷ đồng, bằng 47,6% dự toán, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2017. Cơ quan thuế các cấp đã thực hiện trên 22.600 cuộc thanh tra và kiểm tra thuế, kiến nghị xử lý thu vào NSNN 4.700 tỷ đồng (số đã nộp vào NSNN gần 2.000 tỷ đồng); thu hồi được 14.880 tỷ đồng tiền nợ thuế.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng ước đạt 225,29 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ, song số thu NSNN chỉ tăng 2%. Công tác quản lý chi NSNN chặt chẽ, bảo đảm tiết kiệm và theo đúng dự toán, tiến độ thực hiện của đơn vị. Tổng chi NSNN 6 tháng đạt 649.200 tỷ đồng, bằng 42,6% dự toán, tăng 11,3% so cùng kỳ năm 2017. Lạm phát duy trì ở mức 4% trong phạm vi Quốc hội cho phép, CPI bình quân trong 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2017.

Về phía địa phương Đà Nẵng, Sở Tài chính thành phố cho biết, tổng thu ngân sách thành phố ước thực hiện trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 13.400 tỷ đồng, đạt 51,85% dự toán giao, trong đó thu nội địa ước đạt hơn 11.600 tỷ đồng, đạt 51,37% dự toán giao; thu thuế xuất, nhập khẩu ước đạt hơn 1.700 tỷ đồng, đạt 54,47% dự toán. Tổng chi ngân sách ước đạt hơn 7.200 tỷ đồng, đạt 38,6% dự toán.

Trong 6 tháng cuối năm, Đà Nẵng phấn đấu bảo đảm thu đúng, thu đủ và kịp thời nhằm đạt và vượt từ 3-5% dự toán tổng thu ngân sách năm 2018; điều hành chi ngân sách đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau: cần đẩy mạnh tăng thu; tăng cường công tác chống thất thu thuế, nhất là đẩy mạnh thực hiện hóa đơn điện tử, kết nối trực tuyến trong thanh toán. Đối với chi ngân sách phải chi đúng trên tinh thần tiết kiệm, chú trọng giảm chi đối với một số nội dung như khánh tiết, mua sắm ô-tô, đi công tác nước ngoài...; bảo đảm bội chi giữ vững như đã đề ra đi cùng với việc kiểm soát được nợ công; gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chi ngân sách; cần chủ động hơn nữa trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Về công tác điều hành giá, cơ quan tài chính địa phương cần phải tham mưu cho các địa phương trong việc điều hành giá (y tế, giáo dục...), kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng thiết yếu trong dịp lễ, Tết, đặc biệt là mùa bão lũ. Phấn đấu đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 3,5%.

KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.
.