.

Du lịch đường thủy - Kỳ 1: Thiếu bến đậu cho tàu

.
Trên địa bàn Đà Nẵng, hiện có 13 tàu du lịch nhưng hoạt động cầm chừng do không có bến neo đậu đón, trả khách.

Mô tả ảnh.
Một số tàu du lịch đang neo đậu tạm thời tại khu vực phía trước tòa nhà Indochina Riverside Towers.
 
Khó khăn

Trên địa bàn Đà Nẵng hiện có 13 tàu du lịch đang hoạt động. Trong đó, chủ yếu là tàu đánh cá được hoán đổi công năng, sửa chữa, làm mới thành tàu du lịch phục vụ du khách. Qua một thời gian hoạt động, vượt qua những khó khăn vì mới bước vào nghề, tiếp cận cách làm du lịch mới… thì hiện nay một vấn đề nan giải mà theo nhiều doanh nghiệp du lịch, họ đang rất cần một bến bãi neo đậu tàu thuyền để đón, trả khách.

Anh Lê Văn Cường, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Du lịch Lâm Phú Gia, cho biết: “Nắm bắt được định hướng phát triển du lịch của thành phố Đà Nẵng, từ đầu năm 2011, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư phát triển tàu du lịch. Trong đợt thi pháo hoa vừa qua, chúng tôi đã mở nhiều tour sông nước phục vụ du khách như tour Lung linh sông Hàn, Hàn Giang thơ mộng, Hoang sơ Tiên Sa, Ngư ông buông câu… du khách tỏ ra rất hài lòng. Song, hiện nay, doanh nghiệp chúng tôi do chưa có bến neo đậu tàu thuyền nên gặp khó khăn trong việc đón trả khách”. Chủ tàu du lịch Mỹ Xuân, anh Trần Văn Tạo, cho biết: “Tàu du lịch của chúng tôi hiện đang neo đậu tạm thời trước khu vực đối diện Nhà sách Bạch Đằng. Trong năm, đây là những tháng du lịch hoạt động mạnh nhất nhưng đa số các tàu thuyền khách rất ít. Một phần là do hạn chế về bến bãi, không có chỗ để xe khách, chỗ đón trả khách”.

Cần tháo gỡ

“Về bến đậu cho tàu du lịch, lâu nay UBND thành phố đã đồng ý cho phép chủ các tàu du lịch có thể tạm thời sử dụng khu vực bến đò Xu cũ (sau lưng Siêu thị Metro Đà Nẵng) và khu vực đối diện khách sạn Green Plaza để làm bến bãi cho tàu thuyền neo đậu. Tuy nhiên, tại 2 vị trí này chỉ có thể neo đậu 3-4 tàu du lịch trong khi Đà Nẵng có đến 13 tàu du lịch đang hoạt động. Vì thế, các doanh nghiệp du lịch thực sự cần một bến bãi tập trung để hoạt động du lịch và công tác phục vụ khách được tốt” - Anh Huỳnh Đức Trung, Phó trưởng phòng Quản lý lữ hành, Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, cho biết.

Hiện, chỉ có một số tàu như tàu Tiên Sa, tàu Hàn Giang, tàu Cát Tiên… là có chỗ neo đậu tạm thời, còn các tàu khác vẫn “bơ vơ”, nay đậu chỗ này, mai đậu chỗ khác. Doanh nghiệp tư nhân Hàn Giang, để có bến neo đậu, phải tự đầu tư kinh phí làm cầu tàu (bằng gỗ), làm nhà chờ tạm thời phục vụ du khách. Tàu du lịch TV Express (nay là tàu Hải Âu 1) của Công ty TNHH Lâm Phú Gia do chưa bố trí được chỗ neo đậu, nên đã sử dụng khu vực phía trước tòa nhà Indochina Riverside Towers phục vụ khách. Nhưng do không có chỗ lên xuống, doanh nghiệp này đã phải làm tạm cầu bắc qua lan can đường Bạch Đằng rất nguy hiểm cho khách khi lên tàu.

Để đẩy mạnh phát triển du lịch đường sông, vừa qua thành phố đã có thông báo kêu gọi đầu tư xây dựng một bến tàu du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế để thuận tiện cho du khách lên xuống du ngoạn trên sông Hàn. Tuy nhiên, để làm được điều này thì phải mất một thời gian khá dài nữa. Vì vậy, Sở VH-TT&DL Đà Nẵng nên cho các đơn vị tàu thuyền trên địa bàn sử dụng cầu Cảng cá Thuận Phước cũ neo đậu trong khi thành phố chờ kêu gọi nhà đầu tư xây dựng bến tàu du lịch. Cầu Cảng cá Thuận Phước cũ hiện tại đã có sẵn cầu tàu, không gian neo đậu thông thoáng (được khoảng 15 chiếc tàu), hơn nữa có chỗ đậu ô-tô, xe máy, lại gần trung tâm thành phố nên rất thuận lợi cho việc đi lại của du khách.

Bài và ảnh: Thanh Tình
;
.
.
.
.
.