.

Trung Quốc tố ngược Philippines “hợp pháp hóa việc chiếm các đảo” ở Biển Đông

(ĐNĐT) - Ngày 26-4, Trung Quốc đã “tố ngược” Philippin đang cố tình hợp pháp hóa việc chiếm đóng các hòn đảo tranh chấp trên Biển Đông và nhắc lại rằng, Bắc Kinh sẽ không bao giờ đồng ý với việc phân xử quốc tế.

Tuyệt vọng với nhịp điệu ngoại giao chậm chạp của khu vực, vào đầu năm nay, Philippines đã chọc tức Bắc Kinh bằng cách đưa vụ việc ra tòa án Liên Hiệp Quốc nhằm ngăn chặn các hoạt động của Bắc Kinh mà nước này cho là vi phạm chủ quyền của mình đối với các hòn đảo tranh chấp trên vùng Biển Đông vốn giàu tài nguyên.

Ngày 25-4, Manila cho biết, tòa án Liên Hiệp Quốc đã thiết lập phiên tòa mà trong đó, sẽ nghe đơn kiện của Manila, nhưng Trung Quốc cho biết, đây là một động thái cố ý đánh cắp lãnh thổ Trung Quốc.

“Phía Philippines đang cố sử dụng việc này để phủ nhận chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc và gắn một cái vỏ ngoài “hợp pháp” với việc chiếm đóng trái phép các hòn đảo và bãi ngầm của Trung Quốc”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố trên website của bộ này.

Theo đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Philippines phải ngay lập tức rút các nhân viên và các trang thiết bị khỏi các đảo mà Philippines đang “chiếm đóng”.

Manila đã yêu cầu mở phiên tòa Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển nhằm ngăn chặn các hoạt động của Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, công ước không áp dụng trong trường hợp này bởi điều mà Philippines thực tế đang đòi hỏi chính là một quyết định về chủ quyền.

Tuyên bố của Trung Quốc xuất hiện sau một ngày các lãnh đạo 10 nước ASEAN kêu gọi hội đàm khẩn cấp với nước này nhằm tìm kiếm một giải pháp cho các tranh chấp về lãnh thổ đang ngày càng căng thẳng.

Các thành viên của ASEAN gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei đều tuyên bố một phần chủ quyền đối với Biển Đông. Trong hàng thập niên qua, các tuyên bố chủ quyền đã làm cho khu vực này trở thành một thùng thuốc nổ tiềm tàng.

Philippines cáo buộc Trung Quốc chiếm đóng một bãi ngầm sát với đất liền nước này vào năm 2012, và tìm cách đoàn kết với các nước ASEAN khác để tranh cãi với các tuyên bố của Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc một mực bác bỏ đàm phán đa phương trong các tranh chấp và khẳng định rằng, việc thảo luận nên diễn ra thông qua đàm phán trực tiếp với các nước liên quan.

Quang Hiển (theo CNA, Reuters)

;
.
.
.
.
.