.

Liệu TPP lần này có lỡ hẹn?

.

Theo kế hoạch, từ ngày 22 đến 25-2, Bộ trưởng Thương mại của 12 nước sẽ cùng nhau thảo luận trong 4 ngày về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Singapore.

Thảo luận tập trung vào các chi tiết còn có những ý kiến khác nhau, nên TPP không toàn tất vào cuối năm 2013 như dự kiến. Sau đó, trưởng đoàn đàm phán của các nước sẽ có cuộc họp kết luận các vấn đề được nêu ra vào ngày thứ 5 cũng tại Singapore.

TPP là Hiệp định thương mại tự do nhiều bên, được ký kết nhằm thiết lập mặt bằng thương mại tự do chung cho các nước khu vực Thái Bình Dương. Hiệp định được ký kết ngày 3-6-2005, có hiệu lực từ ngày 28-5-2006 giữa 4 nước Singapore, Chile, New Zealand, Brunei (nên Hiệp định còn được gọi là P4). Tháng 9-2008, Mỹ tỏ ý định muốn đàm phán để tham gia TPP. Sau đó, tháng 11-2008, các nước khác gồm: Úc, Peru, Việt Nam cũng thể hiện ý định tương tự. Ngày 13-11-2010, Việt Nam tuyên bố tham gia TPP với tư cách thành viên đầy đủ. Hiện nay có 12 quốc gia đang đàm phán TPP, ngoài 8 quốc gia trên, còn thêm các nước Malaysia, Mexico, Canada và Nhật Bản.

Mục tiêu ban đầu của hiệp định là giảm 90% các loại thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên trước ngày 1-1-2006 và cắt giảm bằng không (0) tới năm 2015. Đây là thỏa thuận toàn diện bao quát tất cả các khía cạnh chính của một hiệp định thương mại tự do, bao gồm: trao đổi hàng hóa, các quy định về xuất xứ, can thiệp, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ, các chính sách của chính quyền...

12 quốc gia kể trên chiếm tỷ trọng 40% kinh tế thế giới. Qua các cuộc đàm phán, các bên vẫn còn những khác biệt. Hiện nay, Mỹ và các đối tác của khối kinh tế tương lai chưa thể vượt qua được sự bất đồng rất nghiêm trọng về điều kiện gia nhập khối. Chẳng hạn về điều kiện cho ô-tô nước ngoài và các sản phẩm nông nghiệp tiếp cận thị trường Nhật Bản; về gia hạn bằng sáng chế và các biện pháp để tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ; về thiết lập lại thuế xuất khẩu hàng dệt may và ưu đãi cho doanh nghiệp Nhà nước so với tư nhân trong việc có được hợp đồng từ chính phủ… Một trở ngại nữa đáng chú ý là một số nước cho rằng, điểm mấu chốt để thúc đẩy hiệp định tự do mậu dịch TPP là Tổng thống Mỹ phải được trao toàn quyền đàm phán và Quốc hội sẽ chỉ là nơi phê chuẩn cuối cùng. Đây cũng là điều đang vấp phải sự chống đối ở ngay phe Dân chủ trong hai viện Quốc hội Mỹ.

Một khía cạnh khác mà các bên liên quan, nhất là Mỹ, cũng đang tính đến là nhân tố Trung Quốc khi đàm phán, ký kết TPP. Andrey Vinogradov, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu chính trị và phân tích của Nga lý giải: “Dù sao người Mỹ cũng đề xuất dự án của họ là TPP. Đối với nhiều quốc gia, yếu tố chính trị này trong liên minh kinh tế không hề là vai trò cuối cùng. Nói gì thì nói, khu vực Đông và Nam Trung Quốc đang có khá nhiều tranh chấp lãnh thổ và các vấn đề quốc tế. Khách quan mà nói, các nước như Việt Nam, Malaysia, tôi chưa nói đến Philippines, đang quan tâm sao cho có được một số đối trọng trong khu vực. Như vậy, đối trọng cân bằng quân sự - chính trị có thể là Mỹ. Do đó, TPP không chỉ là một nhóm hội nhập khu vực. Đây là thành phần trong dự án lớn của Mỹ nhằm xây dựng trật tự mới ở khu vực Thái Bình Dương rộng lớn”.

Ông Andrey Vinogradov nhận định: “Khoảng 2-3 năm trước đây có người nói công khai rằng dự án này không có tương lai. Bây giờ tình hình thế giới, trong khu vực và ở Trung Quốc, nhất là nơi có tỷ lệ tăng trưởng giảm, cho thấy dự án mới vẫn có thể tồn tại. Nhưng để thực hiện kế hoạch này thì phải có ý chí chính trị mạnh mẽ, chứ không chỉ vì lợi ích kinh tế”.

Phát biểu của nước chủ nhà với báo chí ngày 22-2 trước khi khai mạc cuộc họp cấp Bộ trưởng về TPP, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tuyên bố tin tưởng các bên đàm phán đang tiến gần với nhau để có thể hoàn tất hiệp định trong năm nay. Bộ trưởng Thương mại Úc Andrew Robb tỏ ra lạc quan cho rằng các bên có thể ký TPP vào cuối năm nay. Còn chính quyền của Tổng thống Barack Obama đặc biệt lưu tâm TPP và cho rằng, Hiệp định là chiếc cầu nối Mỹ với khu vực Thái Bình Dương đầy năng động để làm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc.

Theo các nhà quan sát, dù có những trở ngại nhưng thời gian đã chín muồi cho “con tàu xuyên Thái Bình Dương - TPP” lần này sẽ không lỡ hẹn mà đạt được sự đồng thuận để năm 2014 kết thúc đàm phán và ký kết hiệp định.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.