.

Nước Anh chia rẽ trước giờ bỏ phiếu

.

Ngày 23-6, ngày bỏ phiếu trưng cầu dân ý về việc nước Anh ở lại hay rời Liên minh châu Âu (EU) đang cận kề. Song, lúc này, xứ sở sương mù đang chia rẽ giữa một bên ủng hộ phương án Brexit (nước Anh rời EU) và một bên phản đối.

Trước giờ bỏ phiếu, nước Anh chấn động khi nữ nghị sĩ Jo Cox, người ủng hộ Anh ở lại EU, bị ám sát.  	                Ảnh: AP
Trước giờ bỏ phiếu, nước Anh chấn động khi nữ nghị sĩ Jo Cox, người ủng hộ Anh ở lại EU, bị ám sát. Ảnh: AP

Theo trang thăm dò Betfair ngày 20-6, khả năng Anh ở lại EU là 78%, tăng so với con số từ 60-70% trong ngày 17-6. Kết quả cuộc thăm dò cuối cùng của tổ chức Opinium/Observer cho thấy, tỷ lệ ủng hộ rời EU và ở lại hiện ngang nhau là 44%, trong khi 10% vẫn chưa quyết định. Cả hai phe ủng hộ phương án Brexit và phản đối đang tận dụng thời gian ít ỏi còn lại để lôi kéo những cử tri còn do dự, đồng thời thuyết phục cử tri thay đổi sự lựa chọn. Vì vậy, giới phân tích cho rằng, thật khó dự đoán người Anh sẽ chọn phương án nào giữa “rời đi” và “ở lại”. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định: Dù kết quả như thế nào thì cuộc trưng cầu dân ý cũng đánh dấu sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Anh.

Hãng Reuters dẫn lời người dân Anh bày tỏ nhiều ý kiến khác nhau về việc “rời đi” hay “ở lại”. Phe phản đối Brexit vẫn giữ quan điểm: Nếu quay lưng với EU, nước Anh chắc chắn sẽ bước vào “một thập niên bất ổn”, thậm chí là “thảm họa kinh tế” - như cảnh báo của Thủ tướng Anh David Cameron.

Trong khi đó, phe ủng hộ Brexit cho rằng, nếu rời EU, nước Anh sẽ không phải thực hiện các nghĩa vụ đóng góp ngân sách cho liên minh khoảng 8,5 tỷ bảng Anh (10,77 tỷ euro) như năm ngoái. Hơn nữa, Anh có thể hạn chế lượng người di cư sau khi số lượng người tị nạn đổ vào Anh trong năm ngoái lên đến 333.000 người. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác nảy sinh từ một EU đang đối mặt với nhiều khủng hoảng…

Điều đáng nói là trước thềm bỏ phiếu, không chỉ nước Anh mà cả châu Âu chấn động khi nữ nghị sĩ Jo Cox thuộc Công đảng, người ủng hộ Anh ở lại EU và đấu tranh cho quyền lợi của người nhập cư, đã bị sát hại hồi tuần trước. Lễ tưởng niệm bà diễn ra tại trụ sở Nghị viện Anh ở thủ đô London vào ngày 20-6 với sự tham dự của các nghị sĩ Anh, một dịp hiếm hoi để các nhà lập pháp thể hiện sự đoàn kết kể từ khi bị chia rẽ xung quanh vấn đề tư cách thành viên của Anh trong EU.

Bà Cox bị bắn và đâm chết tại khu vực bầu cử Birstall gần thành phố Leeds, vùng Yorkshire. Đây là lần đầu tiên trong hơn ¼ thế kỷ một nghị sĩ Anh đang tại nhiệm bị sát hại. Vụ việc dẫn đến các chiến dịch vận động cho cuộc trưng cầu dân ý bị ngừng trong 3 ngày.

Chiều 20-6, Thomas Mair (52 tuổi), nghi phạm bị tình nghi giết bà Cox, ra hầu tòa tại Tòa án Hình sự trung tâm London. Trước đó, ngày 18-6, Mair ra Tòa án Westminster để nghe công bố các tội danh bị truy tố: hành hung, giết người, tàng trữ vũ khí trái phép và một tội danh khác về vũ khí.

Song, vụ bà Cox bị kẻ quá khích ủng hộ Brexit sát hại làm dấy lên những nghi ngờ xung quanh chiến dịch vận động của Brexit. Trước sự chia rẽ của người dân, Thủ tướng David Cameron đang tích cực “chạy nước rút”, kêu gọi không quay lưng với EU.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng thúc giục người dân Anh ở lại EU. Theo ông Tusk, Brexit sẽ làm suy yếu không chỉ châu Âu mà còn thế giới phương Tây. “Thay mặt cho người châu Âu và các nhà lãnh đạo châu Âu, tôi muốn kêu gọi công dân Anh hãy ở lại với chúng tôi”, ông Tusk, cựu Thủ tướng Ba Lan nói. Ông cũng nhấn mạnh: “Nếu không có các bạn (nước Anh) thì không chỉ châu Âu mà còn cả cộng đồng phương Tây sẽ trở nên yếu hơn. Chúng ta sẽ cùng nhau đương đầu với các thách thức, khó khăn đang gia tăng trong tương lai”.

Ngày 28 và 29-6 tới, ông  Tusk sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels (Bỉ). Các nhà lãnh đạo sẽ bàn thảo cách thức đối phó với việc người dân Anh bỏ phiếu “rời đi” hay “ở lại”.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.