.

Canada quyết tâm thúc đẩy CETA dù Bỉ phản đối

.

Hiệp định Thương mại và Kinh tế toàn cầu (CETA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Canada đang có khả năng thất bại bởi chính quyền một số vùng thuộc Bỉ không chấp thuận hiệp định. Song, Canada quyết tâm thúc đẩy hiệp định này.

Nếu CETA thất bại, những nỗ lực của Canada nhằm giảm sự phụ thuộc vào Mỹ sẽ bị phá hỏng. Bên cạnh đó, việc Canada đàm phán với các quốc gia khác như Ấn Độ và Trung Quốc sẽ phức tạp hơn.

Hiệp định CETA sẽ mang lại cho Canada thị trường 500 triệu dân - lớn hơn thị trường của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vào thời điểm mối quan hệ đối tác Mỹ - Canada đang chịu nhiều áp lực. Hiện tại, 75% mặt hàng xuất khẩu của Canada được xuất sang Mỹ.

Theo Reuters, nếu CETA được thông qua sẽ là một kỳ tích đối với Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Từ khi nhậm chức vào tháng 11-2015, ông Trudeau đã liên tục gây áp lực buộc các nước khác phải gỡ bỏ hàng rào bảo vệ doanh nghiệp quốc nội. Các quan chức Canada đang nỗ lực vượt qua rào cản để CETA được chấp thuận ở các nước châu Âu. Tuy nhiên, Canada cũng đồng thời ban hành một số điều kiện nhân nhượng có thể làm các đối tác thương mại tiềm năng trong tương lai chùn bước.

Cùng lúc với những bất đồng ngày càng tăng ở châu Âu, Canada đã chấp thuận giảm bớt các quy định bảo vệ nhà đầu tư nhằm tăng quyền hạn của chính phủ đối với các công ty nước ngoài. Theo Bộ Thương mại Canada, những quy định mới này sẽ chi phối các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai.

Hội nghị thượng đỉnh EU và Canada nhằm hoàn tất CETA vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch: ngày 27-10 tại Brussels (Bỉ).

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.