.

Thế giới 2016: Năm của nhiều bất ngờ

.

Năm qua, nhiều sự kiện bất ngờ xảy ra, đi ngược lại dự đoán và mong muốn của nhiều người, nhấn mạnh những thách thức với các quan hệ quốc tế truyền thống. Khủng bố không dừng bước bất chấp nhiều nỗ lực của các nước. Và thế giới mất đi một nhân vật vĩ đại là nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro.

Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.
Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.

1. Bầu cử Tổng thống Mỹ

Cuộc ganh đua nghẹt thở giữa hai ứng viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa và Hillary Clinton của Đảng Dân chủ đã đi đến màn kết đầy bất ngờ với chiến thắng ngoạn mục của ông Trump, bất chấp việc ông bị chỉ trích bởi những phát ngôn gây sốc, bất chấp mọi khảo sát và thiên kiến của báo chí Mỹ.

Vị tỉ phú chưa có kinh nghiệm chính trường đã giành được 306 phiếu đại cử tri, vượt xa con số tối thiểu là 270 phiếu, ở cả những bang có truyền thống bầu cho Đảng Dân chủ với khẩu hiệu "Làm cho nước Mỹ vĩ đại một lần nữa".

2. Brexit

Thông qua lá phiếu cuộc trưng cầu dân ý ngày 23.6, cử tri Anh đã quyết định chấm dứt 43 năm chung sống với Liên minh Châu Âu. Phe Brexit giành chiến thắng với khoảng cách chỉ hơn 1 triệu phiếu (51,9% phiếu). Canh bạc chính trị khiến Thủ tướng Anh David Cameron  phải rời khỏi chính trường.

Kết quả này thể hiện sự "nổi dậy" của người dân Anh chống lại thể chế lãnh đạo, phản ánh thực tế  toàn cầu hóa làm gia tăng sự bất bình đẳng và tạo ra  sự chia rẽ xã hội và lãnh thổ ngay trong lòng xã hội phương Tây.

Người kế nhiệm ông  Cameron là bà Theresa May  cam kết thực hiện Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để hoàn thành việc rời khỏi EU trước ngày 31.3.2017.

3. Vụ kiện "đường 9 đoạn"

Ngày 12.7.2016, Toà trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc ra phán quyết kết luận rằng, không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong "đường 9 đoạn". Toà cũng kết luận, không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng.

Mặc dù Trung Quốc không chấp nhận, song phán quyết của Toà được coi là bước ngoặt pháp lý quan trọng, tạo tiền đề để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên trong năm qua, Trung Quốc tiếp tục ráo riết củng cố và đưa vũ khí ra các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp phi pháp ở Biển Đông.

Cảm xúc của người dân Philippines khi nghe phán quyết của Toà trọng tài.
Cảm xúc của người dân Philippines khi nghe phán quyết của Toà trọng tài.

 4. Khủng bố ở Châu Âu

Năm 2016 là một năm ám ảnh với Châu Âu vì những vụ khủng bố đẫm máu xảy ra ở nhiều quốc gia như Bỉ, Thụy Sĩ, Đức, Pháp... mà nổi bật là hành động của những "con sói đơn độc" thành viên IS hoặc lấy cảm hứng từ IS, chỉ với những thủ thuật đơn giản như lao xe tải vào đám đông làm chết hàng chục người ở Nice (Pháp) hay ở Berlin trước Giáng sinh. Với bóng ma khủng bố và IS, Châu Âu trong năm qua đối mặt với những thách thức an ninh được coi là lớn nhất kể từ sau Thế chiến 2.

5. Biến động trên bán đảo Triều Tiên

Lần đầu tiên Triều Tiên thử hai vụ hạt nhân trong một năm với công nghệ được cho là có bước tiến mạnh. Cũng trong năm 2016, Bình Nhưỡng thử tên lửa 10 lần với 24 quả đạn, từ tầm ngắn đến tầm trung và thử tên lửa từ tàu ngầm. Các vụ thử khiến Hàn Quốc bắt tay với Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD),  thúc đẩy Hàn Quốc và Nhật Bản thoả thuận tình báo.

Bán đảo Triều Tiên năm 2016 còn bất ngờ với vụ bê bối chính trị chấn động Hàn Quốc liên quan đến Tổng thống Park Geun-hye và người bạn thân lâu năm Choi Soon-sil. Bà Park có thể trở thành tổng thống dân cử đầu tiên của Hàn Quốc bị cách chức.

6. Bước ngoặt trong cuộc chiến Syria

Một trong những bước ngoặt trong cuộc chiến Syria kéo dài gần 6 năm qua là chiến thắng của quân chính phủ Syria ở thành phố chiến lược lớn thứ hai là Aleppo. Cùng với sự hỗ trợ của Nga, Aleppo đã được quân chính phủ kiểm soát gần như hoàn toàn.

Giới bình luận cho rằng, Tổng thống Putin đã thực hiện được tất cả các mục tiêu của mình tại Syria, bảo vệ đồng minh Bashar al-Assad và gia tăng ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông.

7. Nước Nga đối mặt với nhiều thách thức

Sự trở lại của nước Nga trên chính trường thế giới được khẳng định bằng việc Nga chống chọi vững vàng trước những khó khăn trong quan hệ quốc tế: Sự trừng phạt của Mỹ và EU , quan hệ Nga - Mỹ xấu đi chưa từng thấy, quan hệ Nga - Thổ đầy trắc trở mà mới nhất là vụ Đại sứ Nga Andrei Karlov bị bắn chết tại thủ đô Ankara, kinh tế tăng trưởng thấp, vụ tai nạn máy bay Tu-154 mới đây...

Tuy nhiên Nga khẳng định trách nhiệm với thế giới khi can thiệp vào Syria và giúp quân chính phủ Syria giải phóng nhiều thành phố khỏi IS, cải thiện đáng kể quan hệ với Nhật Bản và có thể đi tới ký kết hiệp định hòa bình chấm dứt chiến tranh thế giới thứ hai.

8. Lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro qua đời

Nhà lãnh đạo huyền thoại và có ảnh hưởng nhất của phong trào cách mạng các nước Mỹ Latin Fidel Castro qua đời hôm 25.11 ở tuổi 90. Fidel Castro còn là người truyền cảm hứng cho nhiều phong trào giải phóng dân tộc các nước trên thế giới. Đối với nhân dân Việt Nam, Fidel Castro không chỉ là một nhà cách mạng kiệt xuất mà còn là một người bạn thân thiết.

Trước khi qua đời, lãnh tụ Fidel đã chứng kiến một trong những sự kiện lịch sử với Cuba là khi quan hệ Cuba - Mỹ được nối lại sau nhiều thập kỷ.

9. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nắm quyền

Ngày 30.6, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chính thức nhậm chức. Ông Duterte bất ngờ trở thành tâm điểm chú ý của thế giới với những phát ngôn gây sốc và cuộc chiến chống ma tuý gây tranh cãi, khi hơn 5.000 nghi phạm ma túy đã bị bắn chết không qua xét xử, gây căng thẳng trong quan hệ giữa Philippines với các nước phương Tây với lý do nhân quyền. Ông Duterte cũng muốn định hình lại quan hệ đồng minh với Mỹ và có nhiều động thái "xoay trục" về Trung Quốc.

10. Hồ sơ Panama

Vụ rò rỉ hơn 11 triệu tài liệu mật của cung cấp dịch vụ của công ty Panama Mossack Fonseca được xem là lớn nhất từ trước đến nay, phanh phui hoạt động trốn thuế và rửa tiền từ những năm 1970. Những người và các cơ quan bị nhận diện bao gồm nhiều nhà chính trị, các tổ chức giàu có và nhiều thế lực của nhiều quốc gia.

Theo Lao động

;
.
.
.
.
.