.

Quan hệ Nga - Mỹ lao dốc

.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, mức độ tin tưởng giữa nước ông và Mỹ giảm sút kể từ khi ông Donald Trump tiếp quản Nhà Trắng. Biểu hiện rõ nhất là Nga lạnh lùng đón tiếp Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ở Mátxcơva.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) gặp gỡ người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại Mátxcơva. 						       Ảnh: AP
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) gặp gỡ người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại Mátxcơva. Ảnh: AP

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Nga ngày 12-4, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng, mức độ tin cậy ở cấp chuyên viên, đặc biệt là cấp quân sự giữa nước ông và Mỹ, không những không cải thiện mà thậm chí còn giảm. Hy vọng của Nga về việc chính phủ của Tổng thống Donald Trump sẽ có chính sách ít đối đầu hơn đã bị “phủ bóng” trong tuần qua sau khi tổng cộng 59 tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ nhằm vào căn cứ không quân Shayrat của Syria để trừng phạt Damascus.

Hãng Reuters cho biết, Tổng thống Putin bác bỏ việc chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học trong vụ tấn công ở thị trấn Khan Sheikhoun, thuộc tỉnh Idlib của Syria hôm 4-4, làm 86 người chết. Ông Putin khẳng định Damascus đã từ bỏ các kho vũ khí hóa học của họ; đồng thời cho rằng, có 2 cách giải thích chính về vụ tấn công ở thị trấn Khan Sheikhoun: hoặc cuộc không kích của chính phủ Syria phá hủy kho vũ khí hóa học của lực lượng nổi dậy, dẫn đến phát tán khí độc; hoặc vụ việc này được dàn dựng nhằm làm suy giảm uy tín của chính phủ Syria.

Ngay trước phát biểu nói trên của Tổng thống Putin, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đón tiếp người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson bằng sự lạnh lùng. Ông Lavrov chỉ trích việc Mỹ tấn công bằng tên lửa ở Syria là bất hợp pháp và cáo buộc Washington cư xử “khó đoán định”. Nhà ngoại giao Nga cũng nói rằng, Mátxcơva có rất nhiều nghi vấn về những ý tưởng “mơ hồ” và “mâu thuẫn” của chính phủ Trump.

Trong lúc đó, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson cho biết, ông muốn thông qua hội đàm tại Mátxcơva để hiểu lý do tại sao Washington và Mátxcơva có những khác biệt rõ rệt và tìm cách thu hẹp những bất đồng này. “Chúng ta có thể xác định mối quan hệ Mỹ - Nga tốt hơn kể từ thời điểm này”, ông Tillerson nói.

Thực tế, sự đối đầu giữa Nga với Mỹ đã thay đổi kể từ năm ngoái, khi ông Trump nhậm chức. Tổng thống Trump cũng cam kết hướng đến mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga và hợp tác tốt hơn trong việc chống lại kẻ thù chung ở Syria, đó là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Song, trong những diễn biến tại Syria tuần qua, Nhà Trắng cáo buộc Nga che giấu việc chính phủ Assad dùng vũ khí hóa học và phản ứng bằng việc cho 59 tên lửa hành trình Tomahawk tấn công căn cứ không quân Shayrat của Syria.

Nga đương nhiên đứng về phía đồng minh - Tổng thống Assad và cho rằng khí độc là do lực lượng phiến quân tại Syria sử dụng. Tuy nhiên, lý giải của Mátxcơva không thuyết phục được Washington. Vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nói trên và sự trả đũa của Mỹ vô hình trung xua tan hy vọng về sự thay đổi trong quan hệ giữa hai cường quốc, vốn căng thẳng cực điểm dưới thời ông Barack Obama.

Trả lời phỏng vấn Fox Business Network, Tổng thống Trump cho biết, ông không có kế hoạch ra lệnh cho lực lượng Mỹ ở Syria nhưng ông phải đáp trả vụ tấn công bằng vũ khí hóa học. Còn ông Tillerson, trong sứ mệnh thuyết phục Nga ngừng ủng hộ Tổng thống Assad, ngày 11-4 đã đưa ra “tối hậu thư”: hoặc Mátxcơva đứng về phía Mỹ và những nước có cùng quan điểm trong vấn đề Syria; hoặc đứng về phía ông Assad, Iran và nhóm chiến binh Hezbollah. Tuy nhiên, Nga thể hiện rõ nước này không có ý định chấp nhận “tối hậu thư” và cũng không xem yêu cầu của ông Tillerson là “tối hậu thư”, mà chỉ là tuyên bố mang tính chính trị. Tổng thống Putin thậm chí nhanh chóng mời các ngoại trưởng Syria và Iran đến Mátxcơva vào ngày 14-4 tới, tức một ngày sau khi ông Tillerson rời thủ đô này.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.