NATO bất an

.

Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels (Bỉ) ngày 25-5 (giờ địa phương) không những không xua tan quan ngại của liên minh quân sự này về mối quan hệ với Mỹ, mà còn làm các nhà lãnh đạo cảm thấy “lấn cấn” và bất an…

Tổng thống Mỹ Donald Trump trao đổi với Thủ tướng Anh Theresa May tại một phiên họp NATO ở Brussels, Bỉ.					     Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump trao đổi với Thủ tướng Anh Theresa May tại một phiên họp NATO ở Brussels, Bỉ. Ảnh: Reuters

Trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Trump không tái khẳng định cam kết tuân thủ nguyên tắc phòng vệ tập thể của NATO. Ông Nick Burns, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO dưới thời Tổng thống G.W.Bush nhận xét: “Đây là Tổng thống Mỹ đầu tiên kể từ năm 1949 không đề cập Điều 5 trong Hiến chương NATO. Mọi tổng thống đều tái khẳng định cam kết phòng vệ tập thể…”. Ngoài ra, như những gì ông Trump từng nêu trong cương lĩnh tranh cử tổng thống hồi năm ngoái, tại cuộc họp NATO lần này, ông nhắc lại trách nhiệm của các quốc gia đồng minh về việc mỗi nước hoàn thành đóng góp 2% GDP vào ngân sách quốc phòng của khối.

Ông Trump tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa Mỹ với Anh và Israel trải qua những sóng gió nhất định liên quan việc rò rỉ thông tin tình báo. Cộng thêm những quan điểm được đề cập trong bài phát biểu tại hội nghị về đóng góp ngân sách, giới quan sát lo ngại rằng, tình hình thực tế đang khiến những đồng minh thân thiết nhất của Mỹ cảm thấy bất an.

Để chuẩn bị đón tiếp ông Trump tại Brussels, Ban tổ chức hội nghị thượng đỉnh NATO đã lên kế hoạch chương trình kỹ lưỡng. Họ khánh thành một công trình tưởng niệm về sự kiện tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 bên ngoài trụ sở NATO, cũng là sự kiện đánh dấu lần đầu tiên NATO kích hoạt Điều 5 trong Hiến chương NATO, yêu cầu mọi thành viên trong tổ chức phải có trách nhiệm bảo vệ lẫn nhau khi một trong số họ bị tấn công. Hơn 3.000 binh sĩ NATO đã tử nạn trong các chiến dịch phòng vệ tập thể hỗ trợ nước Mỹ.

Không phải ngẫu nhiên các quan chức NATO gợi lại sự kiện này. Tuy nhiên, ông Trump vẫn lặp lại quan điểm cáo buộc các đồng minh không chịu đóng góp đủ mức ngân sách vốn dĩ thuộc về trách nhiệm của họ. Lúc tranh cử tổng thống, ông Trump gọi NATO là “lỗi thời”, hoạt động không hiệu quả nhưng lại ngốn quá nhiều tiền. đồng thời cho rằng, khối này không đóng góp cân xứng cho cuộc chiến chống khủng bố nên Mỹ có thể phải rút quân đội khỏi châu Âu. Năm 2014, 26 nước thành viên NATO cam kết chi 2% GDP đóng góp cho NATO nhưng chỉ 5 nước giữ cam kết và Mỹ phải gánh đến 72% ngân sách cho tổ chức này.  

Khi ông Trump phát biểu tại Brussels, các lãnh đạo NATO, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Marcon, đứng im lặng. Sau đó, khi họ cùng chụp một bức ảnh “gia đình” theo truyền thống, nguyên thủ nhiều nước đã lặng lẽ đứng cách xa Tổng thống Mỹ.

Dẫu vậy, sau một loạt biểu hiện kém vui đó, trong buổi họp báo, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg vẫn bảo vệ những quan điểm của ông Trump, mặc dù thừa nhận ông Trump đã nói ra những vấn đề một cách “quá thẳng thắn”. Ông Stolteberg cho rằng, đã có một thông điệp rõ ràng về sự ủng hộ NATO từ Tổng thống Trump, Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Song, trong các bài phát biểu trước công luận gần đây, cả ông Tillerson lẫn ông Mattis đều “đồng thanh tương ứng” với ông Trump trong việc yêu cầu các nước thành viên NATO tăng mức đóng góp ngân sách cho liên minh quân sự này.

Thực tế, giới lãnh đạo NATO đã dự kiến rất kỹ cho lần hội kiến đầu tiên này với tân Tổng thống Mỹ. Họ đã thay đổi cả phương thức tiến hành để phù hợp hơn với phong cách của ông Trump như: thay đổi ngày họp, rút ngắn thời lượng các phiên thảo luận trong ngày, yêu cầu các diễn giả rút gọn bài phát biểu…. Nhưng dường như giới lãnh đạo NATO vẫn còn nhiều “lấn cấn” và khó hiểu sau hội nghị thượng đỉnh lần này.

Rời Brussels, ông Trump đến đảo Sicily thơ mộng của Ý vào ngày 26-5 (giờ địa phương) để dự hội nghị các nước công nghiệp phát triển (G7). Sau NATO, người ta tin ông Trump sẽ tiếp tục được đón tiếp với tâm thế thận trọng của các nhà lãnh đạo G7. Bởi lẽ, trong chiến dịch tranh cử mang tên “American First” (nước Mỹ trên hết), ông Trump tuyên bố sẽ xóa bỏ hàng loạt các hiệp định tự do thương mại đa phương giữa Mỹ với nhiều nước khác để thực hiện chủ trương bảo hộ thương mại, một chính sách mà nhiều lãnh đạo trong nhóm G7 phản đối gay gắt.

Ngày 26-5, tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ở thành phố Taormina, đảo Sicily của Ý, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 duy trì lệnh trừng phạt Nga xung quanh cuộc xung đột ở Ukraine nhưng Mỹ chưa bày tỏ quan điểm về vấn đề này.

Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga xung quanh việc sáp nhập bán đảo Crimea và xung đột giữa lực lượng chính phủ Kiev với phiến quân thân Nga ở đông Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump có duy trì lệnh trừng phạt này không. Trước đó, ông Tusk đã gặp gỡ Tổng thống Trump tại Brussels (Bỉ) ngày 25-5 và nói rằng cả hai bên không có “điểm chung về Nga”.

Hãng AFP cho biết, hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ngày 26 và 27-5 nhằm bàn thảo các vấn đề toàn cầu như: khủng bố, biến đổi khí hậu, thương mại, chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

THIÊN BÌNH

TRẦN ĐẮC LUÂN
 

;
.
.
.
.
.