Triển vọng hòa bình ở Syria

.

Thỏa thuận ngừng bắn ở tây nam Syria, do các nước Mỹ, Nga và Jordan hậu thuẫn, có hiệu lực từ trưa 9-7 là tín hiệu triển vọng hướng đến chấm dứt cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Đông này. Đại diện Liên Hợp Quốc (LHQ) cho rằng, thỏa thuận là bước phát triển đúng hướng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải), Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gặp gỡ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức. 		                      Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải), Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gặp gỡ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức. Ảnh: AP

Hãng AP cho biết, thỏa thuận ngừng bắn được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov công bố sau cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7-7, bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở thành phố Hamburg của Đức. Đây là sáng kiến đầu tiên của Washington trong việc hợp tác với Nga nhằm mang lại sự ổn định cho Syria. Báo Washington Post gọi thỏa thuận là phép thử cho mối quan hệ giữa ông Trump và ông Putin.

Lệnh ngừng bắn được áp dụng đối với các tỉnh Quneitra, Daraa và Sweida, nơi chính phủ Syria và phiến quân đang giao tranh với các chiến binh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Vùng tây nam Syria là một trong những mặt trận khốc liệt của cuộc nội chiến kéo dài 6 năm qua ở quốc gia Trung Đông này. Song, Mỹ, Nga và Jordan - những nước hậu thuẫn thỏa thuận - không đề cập đến cơ chế giám sát và thực thi ngừng bắn.

Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh cho biết, khi thỏa thuận bắt đầu có hiệu lực, khu vực tây nam Syria yên tĩnh, không có bất kỳ cuộc không kích hay đụng độ nào. Ông Ahmad al-Masalmeh, nhà hoạt động thuộc lực lượng đối lập ở Daraa, gần biên giới Jordan, xác nhận không khí tĩnh lặng trong khoảng thời gian đầu thực thi lệnh ngừng bắn. Song, ông vẫn bày tỏ sự lo lắng. “Chúng tôi bước vào giai đoạn ngừng bắn nhưng không có cơ chế để thực thi nó. Đó là quan ngại của mọi người”, ông Masalmeh nói.

Phát biểu với báo giới tại thủ đô Damascus, Phó Đặc phái viên của LHQ phụ trách vấn đề Syria, ông Ramzy Ezzeldin Ramzy cho rằng, thỏa thuận ngừng bắn là một bước phát triển đúng hướng. Mỹ cũng ca ngợi thỏa thuận. Theo AFP, Washington đang có bước lùi lớn kể từ khi ông Trump tiếp quản Nhà Trắng trong việc can dự vào cuộc xung đột Syria. Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, ông HR McMaster nói rằng, lệnh ngừng bắn là một ưu tiên của Mỹ. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng hoan nghênh lệnh ngừng bắn.

Thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực ngay trước thềm vòng đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ) dự kiến khởi động vào hôm nay (10-7), theo đó sẽ thảo luận nhiều nội dung về tiến trình hòa bình Syria. Kỳ vọng đối với vòng đàm phán thứ 7 do LHQ bảo trợ rất thấp nhưng ông Ramzy nói rằng, thỏa thuận ngừng bắn đang tạo nền tảng tích cực.

Nhiều lệnh ngừng bắn từng được đưa ra tại Syria nhưng đều đổ vỡ. Tháng 5-2017, sau các cuộc đàm phán kéo dài ở thủ đô Astana của Kazakhstan, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã ký thỏa thuận về việc thành lập 4 vùng giảm căng thẳng tại Syria; định ra các khu vực mà cả quân chính phủ và phe đối lập ngừng các hành động thù địch, bao gồm cả hoạt động không kích, trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, việc thực thi thỏa thuận bị trì hoãn bởi các bên không thống nhất ranh giới cụ thể của các vùng giảm căng thẳng theo đúng thời hạn ngày 4-7, cũng không quyết định được bên nào giám sát hoạt động ngừng bắn và giám sát theo phương thức nào.

Theo báo Washington Post, hiện vẫn chưa rõ thỏa thuận lần này có dẫn đến các giải pháp để chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria hay không. Mỹ và Jordan được kỳ vọng sẽ thúc đẩy ảnh hưởng của mình đối với lực lượng phiến quân Syria để ngừng bắn, trong khi Nga thuyết phục đồng minh - chính phủ Damascus - ngừng giao tranh. Song, một đồng minh chính khác của Tổng thống Syria Bashar al-Assad không tham gia thỏa thuận này, trong khi Tehran có ảnh hưởng sâu rộng ở khu vực thông qua mạng lưới chiến binh, bao gồm phong trào Hezbollah của Lebanon. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng, lệnh ngừng bắn không được cho phép thiết lập sự hiện diện quân sự của Iran và các lực lượng ủy nhiệm của Tehran tại Syria nói chung và ở miền nam Syria nói riêng.

Hơn nữa, để giám sát lệnh ngừng bắn, quân đội Nga có thể được triển khai ở khu vực nhưng chưa rõ Israel có chấp nhận để lực lượng Mátxcơva có mặt ở dọc biên giới không do lo ngại Nga không thể hoặc không sẵn sàng kiềm chế sự ảnh hưởng của Iran và các đồng minh.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.