Hết cơ hội cải thiện quan hệ Mỹ - Nga

.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho rằng, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ là “lời tuyên bố về cuộc chiến tranh kinh tế toàn diện” nhằm vào nước ông và làm tiêu tan hy vọng cải thiện quan hệ song phương.

Trước sức ép của Quốc hội, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành luật trừng phạt Nga. TRONG ẢNH: Tổng thống Donald Trump (phải) và Tổng thống Vladimir Putin gặp gỡ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức.  			                 Ảnh: AP
Trước sức ép của Quốc hội, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành luật trừng phạt Nga. TRONG ẢNH: Tổng thống Donald Trump (phải) và Tổng thống Vladimir Putin gặp gỡ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức. Ảnh: AP

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành thành luật các lệnh trừng phạt kinh tế mới đối với Nga càng làm dấy lên căng thẳng giữa hai cường quốc. Mặc dù gọi các biện pháp trừng phạt này là “sai lầm đáng kể” nhưng ông Trump phải nhường bước trước áp lực của Quốc hội Mỹ và ký ban hành luật.

Theo đó, lệnh trừng phạt mới nhắm vào các công ty có liên quan đến việc xây dựng hệ thống ống dẫn của Nga cùng ngành xuất khẩu năng lượng và mua bán vũ khí - hai lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế nước này. Luật mới cũng hạn chế khả năng kiểm soát của ông Trump trong việc nới lỏng các lệnh cấm hiện tại đối với Nga. Luật được ban hành lần này cũng áp dụng đối với Iran và CHDCND Triều Tiên.

Hãng AFP ngày 3-8 dẫn lời Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho rằng, lệnh trừng phạt mới của Mỹ là “lời tuyên bố về cuộc chiến tranh kinh tế toàn diện” nhằm vào Mátxcơva và làm tiêu tan hy vọng cải thiện quan hệ song phương. Trên trang Facebook của mình, ông Medvedev viết: “Chính phủ của ông Trump đã thể hiện toàn bộ những điểm yếu của mình bằng việc trao quyền điều hành cho Quốc hội theo cách bẽ mặt nhất”.  

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cho hay, việc ông Trump ký lệnh trừng phạt mới sẽ “không thay đổi được gì”. Cơ quan ngoại giao này mô tả lệnh mới là nguy hiểm và thiển cận, có nguy cơ gây tổn hại đến sự ổn định của toàn cầu. Phía Nga cũng đã phản ứng cứng rắn, cụ thể là Tổng thống Vladimir Putin​ yêu cầu Mỹ phải cắt giảm 755 nhân viên Đại sứ quán và lãnh sự tại Nga.

Hãng AP cho biết, Hạ viện và Thượng viện Mỹ đều đã thông qua dự luật trừng phạt Nga với số phiếu gần như tuyệt đối, đánh dấu mối quan hệ giữa hai nước vốn xuống đến mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh nay càng “lao dốc”. Động thái này đi ngược lại với mong muốn của Tổng thống Trump trong việc cải thiện quan hệ với Nga. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng, Quốc hội đã vội vàng thông qua dự luật và “rõ ràng có những điều khoản vi hiến” như hạn chế khả năng của tổng thống trong việc đàm phán với Nga. Tổng thống Trump đã nhận được dự luật lúc 13 giờ 53 ngày 28-7 (giờ Washington) nhưng đến ngày 2-8 ông mới ký ban hành thành luật trong phòng kín, không có sự xuất hiện của báo giới. “Dù tôi ủng hộ các biện pháp cứng rắn nhằm trừng phạt, răn đe các hành vi gây hấn và làm mất ổn định của Iran, Triều Tiên và Nga, nhưng đạo luật này là sai lầm đáng kể...”, ông Trump nói.

Theo AFP, Tổng thống Trump sẽ “tôn trọng” một vài điều khoản của luật mới, nhưng ông không đề cập việc sẽ triển khai đầy đủ luật này như thế nào. “Tôi ký luật này vì sự đoàn kết của dân tộc. Người dân Mỹ mong muốn thấy Nga có các biện pháp cải thiện mối quan hệ với Washington”, ông Trump cho hay.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhận định, quan hệ song phương Mỹ- Nga đang ở mức thấp lịch sử và có thể còn xuống thấp hơn nữa. Theo đó, sẽ khó có cơ hội để giải quyết những bất đồng, tháo gỡ căng thẳng giữa hai cường quốc này.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho rằng, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ chống lại Nga tạo ra quan ngại sâu sắc cho Liên minh châu Âu (EU). Ông khẳng định, liên minh sẵn sàng có các biện pháp đáp trả nếu các lệnh trừng phạt của Mỹ ảnh hưởng xấu đến lợi ích kinh tế của EU.

Trong khi đó, theo AFP, phát biểu tại lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2 ngày 3-8, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng, lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Tehran vi phạm thỏa thuận hạt nhân giữa nước Cộng hòa Hồi giáo này với các cường quốc thế giới được ký kết năm 2015. Ông Rouhani cam kết tiếp tục nỗ lực để chấm dứt việc nước ông bị cô lập. “Thỏa thuận hạt nhân là dấu hiệu về thiện chí của Iran trên trường quốc tế”, ông Rouhani nói.

PHÚC NGUYÊN - KHANG NINH

;
.
.
.
.
.