"Món quà đầu năm" cho hai miền Triều Tiên

.

Cuộc đàm phán đầu tiên giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên ngày 9-1 tại Bàn Môn Điếm là sự kiện hiếm hoi xoa dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sau tình hình nóng rực ở khu vực này vào năm ngoái.

Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Cho Myoung-gyon (trái) và người đồng cấp CHDCND Triều Tiên Ri Son Gwon gặp gỡ tại Bàn Môn Điếm. 									Ảnh: AP
Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Cho Myoung-gyon (trái) và người đồng cấp CHDCND Triều Tiên Ri Son Gwon gặp gỡ tại Bàn Môn Điếm. Ảnh: AP

Cuộc gặp đầu tiên sau hơn 2 năm gián đoạn được bắt đầu với không khí thân thiện vào sáng 9-1 khi Trưởng phái đoàn CHDCND Triều Tiên Ri Son Gwon, người phụ trách Cơ quan giải quyết các vấn đề liên Triều, bày tỏ hy vọng đàm phán sẽ mang “một món quà đầu năm - các kết quả quý giá của cuộc hội đàm cho đất nước”. Người đồng cấp của ông Ri, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon cũng hy vọng sẽ mang lại “món quà tốt đẹp” cho người dân cả hai miền.

Đàm phán diễn ra sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un đề nghị cải thiện quan hệ với quốc gia láng giềng phía nam. Trong năm 2017 - năm căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên, giới phân tích cho rằng, ông Kim có lẽ muốn gây chia rẽ giữa Hàn Quốc và Mỹ nhằm làm suy yếu áp lực của quốc tế cũng như các biện pháp trừng phạt chống lại nước ông.

Hai miền trước đây thường kết thúc những cuộc hội đàm quan trọng mà không có bất kỳ thỏa thuận nào. Vì thế, đã có những hoài nghi về triển vọng đàm phán lần này. Song, Thế vận hội mùa đông (Thế vận hội Pyeongchang) diễn ra từ ngày 9-2 đến 25-2 tới tại Hàn Quốc là cơ hội để hai miền tạm gác bất đồng, thúc đẩy hợp tác khi CHDCND Triều Tiên đồng ý cử một phái đoàn gồm các vận động viên, những người cổ vũ, các đội biểu diễn nghệ thuật, đội thi đấu taekwondo và các nhà báo tham dự. Hơn nữa, việc Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên nhất trí mở lại đường dây nóng quân sự ở vùng biển phía tây từ 8 giờ ngày 10-1 (giờ địa phương); đồng thời Seoul tuyên bố sẽ cân nhắc tạm thời dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên nếu đây là điều cần thiết nhằm tạo điều kiện cho đoàn thể thao của Bình Nhưỡng tham gia Thế vận hội Pyeongchang thật sự là “món quà tốt đẹp” và hiếm có để cải thiện quan hệ liên Triều.

Trước đó, Hàn Quốc đơn phương cấm một số quan chức CHDCND Triều Tiên đến lãnh thổ nước này nhằm đáp trả các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Song, một số quan chức Hàn Quốc cũng cho rằng, Thế vận hội Pyeongchang là cơ hội xoa dịu căng thẳng. Vì vậy, phái đoàn Hàn Quốc đến Bàn Môn Điếm với sự tràn trề hy vọng, bởi việc cải thiện quan hệ liên Triều sẽ mở đường cho giải pháp về vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Hãng AP cho biết, nhiều vấn đề được đặt ra tại đàm phán như: Hàn Quốc yêu cầu tạm nối lại việc đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953); đàm phán quân sự để giảm căng thẳng ở biên giới. Song, Bình Nhưỡng có thể đặt điều kiện để thực hiện 2 yêu cầu này, cũng như Seoul sẽ phải ngừng phát sóng các thông điệp truyền đơn, ngừng tập trận quân sự chung với Mỹ. Việc ngừng tập trận quân sự sẽ không được Seoul chấp nhận bởi điều này hủy hoại nghiêm trọng liên minh Mỹ - Hàn. Trong khi đó, Bình Nhưỡng xem các cuộc tập trận là hành động chuẩn bị cho một cuộc xâm lược.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng lạc quan về triển vọng đàm phán. Tuần trước, chính phủ của ông hoãn tập trận quân sự chung với Hàn Quốc cho đến khi kết thúc Thế vận hội Pyeongchang. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis lý giải, việc hoãn này thật sự cần thiết trước thềm Thế vận hội, chứ không phải là một “động thái chính trị”.

Trong khi đó, ông Brian Hook, cố vấn chính sách cấp cao của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phát biểu với báo giới ở Washington rằng, cường quốc này vẫn tập trung vào chiến dịch gây áp lực toàn cầu đối với CHDCND Triều Tiên nhằm đưa ông Kim Jong-un ngồi vào bàn đàm phán. Cũng như Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, phía Mỹ giữ quan điểm rằng việc cải thiện quan hệ hai miền không thể tách rời khỏi vấn đề giải quyết chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Vì vậy, chưa thể khẳng định đàm phán tại Bàn Môn Điếm lần này là sự khởi đầu của những điều tốt đẹp nhưng dù sao cũng là dấu hiệu tích cực sau những căng thẳng, “khẩu chiến” vốn từng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ “chiến tranh hạt nhân”.

Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên nhất trí mở lại đường dây nóng quân sự ở vùng biển phía tây từ 8 giờ ngày 10-1 (giờ địa phương); đồng thời Seoul tuyên bố sẽ cân nhắc tạm thời dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên nếu đây là điều cần thiết nhằm tạo điều kiện cho đoàn thể thao của Bình Nhưỡng tham gia Thế vận hội Pyeongchang.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.
.