Mỹ dọa ngừng viện trợ cho Palestine

.

Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa ngừng viện trợ cho Palestine bởi phía Palestine không sẵn sàng đàm phán hòa bình với Israel. Động thái này càng “phủ bóng” lên triển vọng hòa bình Trung Đông.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm “Bức tường than khóc”, địa điểm được xem là linh thiêng nhất của người Do Thái ở Đông Jerusalem hồi tháng 5-2017. 						Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm “Bức tường than khóc”, địa điểm được xem là linh thiêng nhất của người Do Thái ở Đông Jerusalem hồi tháng 5-2017. Ảnh: AFP

Trong tuyên bố đăng trên tài khoản Twitter, Tổng thống Donald Trump viết: Mỹ trả cho Palestine “hàng triệu USD mỗi năm nhưng không được đánh giá cao hay tôn trọng”. “Họ thậm chí không muốn đàm phán về một hiệp định hòa bình lâu dài với Israel.

Với việc người Palestine không còn sẵn sàng đàm phán hòa bình thì tại sao Mỹ phải trả khoản tiền lớn như vậy trong tương lai cho họ?”, ông Trump viết. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Nikki Haley xác nhận Tổng thống không muốn chi thêm tiền “cho đến khi người Palestine sẵn sàng trở lại bàn đàm phán”.

Hãng AP cho biết, giới chức Palestine bày tỏ sự tức giận về đe dọa của nhà lãnh đạo Mỹ. Ông Hanan Ashrawi, thành viên Ủy ban điều hành Tổ chức Giải phóng Palestine khẳng định: “Chúng tôi sẽ không chịu sự đe dọa”; đồng thời chỉ trích ông chủ Nhà Trắng phá hoại công cuộc tìm kiếm hòa bình, tự do và công bằng của người Palestine.

Ngày 6-12-2017, người Palestine tức giận về việc Tổng thống Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, nay càng bất bình với những gì ông Trump viết. Văn phòng Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nhấn mạnh: “Jerusalem không phải để bán, không phải vàng cũng chẳng phải bạc”.

Người phát ngôn Nabil Abu Rdainah của Tổng thống Abbas cho biết, người Palestine không phản đối việc trở lại bàn đàm phán hòa bình, vốn bế tắc từ năm 2014 đến nay, nhưng sẽ chỉ dựa trên cơ sở thiết lập một nhà nước của riêng họ, với đường biên giới tồn tại trước khi Israel chiếm giữ Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza trong cuộc chiến tranh năm 1967.

“Nếu Mỹ quan tâm đến lợi ích của họ ở Trung Đông thì phải tuân thủ các nghị quyết của quốc tế về vấn đề này”, ông Rdainah nói. Tổng thống Abbas cũng từng tuyên bố, Mỹ không còn là nhà trung gian hòa giải cho tiến trình hòa bình Trung Đông và Palestine sẽ không chấp nhận bất kỳ kế hoạch hòa giải nào của Washington.

Theo các nhà quan sát, việc Mỹ cắt viện trợ cho Palestine cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến Israel. Chiếm giữ Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza, Israel phải có trách nhiệm đối với phúc lợi xã hội của người Palestine. Với việc chính quyền Palestine được sự tài trợ của quốc tế, Israel không cần lo gánh nặng tài chính. Hơn nữa, Tel Aviv cũng nhận được những lợi ích an ninh khi có sự hợp tác của các cơ quan an ninh Palestine trong việc ngăn chặn những vụ tấn công của Hamas và các nhóm chiến binh khác.

Theo một báo cáo của Quốc hội Mỹ, từ giữa những năm 1990, Washington rót cho Palestine hơn 5 tỷ USD nhằm hỗ trợ kinh tế và an ninh. Từ năm 2008, Mỹ viện trợ kinh tế hằng năm cho Palestine khoảng 400 triệu USD, trong đó rót cho các dự án phát triển. Từ năm 2012-2016, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ chi hơn 1,7 tỷ USD viện trợ phát triển và nhân đạo cho Palestine.

Hiện Mỹ còn là quốc gia đóng góp tài chính lớn nhất cho Cơ quan Cứu trợ và hành động của LHQ (UNRWA) phụ trách viện trợ nhân đạo cho người tị nạn Palestine, với cam kết 355 triệu USD trong năm 2016. Trong một email, người phát ngôn UNRWA Chris Gunness cho hay, cơ quan này không được Mỹ thông báo bất kỳ sự thay đổi nào về khoản đóng góp của Washington.

Những động thái của Mỹ “phủ bóng” lên triển vọng hòa bình Trung Đông. Mới đây, Quốc hội Israel (Knesset) đã sửa luật nâng số phiếu tối thiểu cần thiết để thông qua bất cứ đề xuất nào liên quan tới việc trao trả một phần lãnh thổ của thành phố Jerusalem cho “một bên nước ngoài” từ 61 lên 80 phiếu. Palestine gọi đây là “sự tuyên chiến” bởi giải pháp hai nhà nước sẽ càng trở nên xa vời.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.