NỮ NHIẾP ẢNH GIA ZOHRA BENSEMRA

Cuộc sống vẫn tiếp tục, bất chấp chiến tranh

.

Trong hồ sơ hãng thông tấn Reuters, Zohra Bensemra (sinh ra ở Algeria) nói rằng cô trở thành một nhiếp ảnh gia vào năm 1995, từ lúc có một vụ đánh bom xe ở thủ đô của Algeria, gần với trụ sở tờ báo nơi cô làm việc. Bensemra chụp ảnh các xác chết và cảm thấy đau buồn, nhưng ngày hôm sau cô lại rất sẵn sàng đối mặt với bất cứ điều gì. Lần đầu tiên cô thấy mình tác nghiệp như một nhiếp ảnh gia khi cô gửi cho Reuters những bức ảnh về cuộc nội chiến Algéria năm 1997. Vào năm 2000, cô đề cập vụ xung đột giữa Albanians và Serbs ở Macedonia. Năm 2003, cô được phân công đến Iraq. Trong khi làm việc tại Najaf, thành phố ở miền trung Iraq, cách Baghdad 160km về phía nam, Bensemra chính thức trở thành nhiếp ảnh gia cho Reuters.

 Một phụ nữ bị thương được điều trị trong khi lực lượng Iraq chiến đấu với các chiến binh Hồi giáo, ở phía tây Mosul, Iraq.
Một phụ nữ bị thương được điều trị trong khi lực lượng Iraq chiến đấu với các chiến binh Hồi giáo, ở phía tây Mosul, Iraq.
Nhiếp ảnh gia báo chí Zohra Bensemra.
Nhiếp ảnh gia báo chí Zohra Bensemra.

Trong năm 2011, những bức ảnh của Bensemra được trưng bày tại tòa nhà Deutsche Bank ở Frankfurt, Đức. Chuyên gia về nghệ thuật thế giới, ông Friedhelm Hütte, nhận xét: “Bensemra biết cách vượt qua biên giới của lý trí và để lại ấn tượng có ý nghĩa, lâu dài. Cô có một khả năng tuyệt vời để thể hiện những sự căng thẳng và những vấn đề phức tạp trong các cuộc xung đột ở thời điểm này”. Vào năm 2012, Bensemra đi chụp ảnh tại Syria.

Đám cưới ở trại tị nạn Khazer gần Mosul.
Đám cưới ở trại tị nạn Khazer gần Mosul.

Ảnh của Bensemra thường được thực hiện ở các quốc gia có xung đột nội bộ về xã hội, kinh tế hoặc nhân đạo. Bensemra tuyên bố rằng mục tiêu của mình khi chụp ảnh các sự kiện là để thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn về cuộc xung đột để đòi hỏi những người nắm quyền cải thiện tình hình. Những nhiệm vụ yêu thích của cô là tìm đến những sự kiện liên quan cuộc đấu tranh giành quyền công dân và nhân quyền của người dân chống lại các lực lượng thống trị.

Từ vùng hạn hán, một phụ nữ di tản đang tuyệt vọng tìm thức ăn ở khu định cư tại Dollow, Somalia.
Từ vùng hạn hán, một phụ nữ di tản đang tuyệt vọng tìm thức ăn ở khu định cư tại Dollow, Somalia.

Năm 2005, Bensemra đoạt giải Liên minh châu Âu, giải thưởng dành cho nhiếp ảnh gia châu Phi có tác phẩm tốt nhất. Năm nay, bộ phận biên tập nhiếp ảnh của tờ The Guardian đã chọn Zohra Bensemra, phóng viên ảnh của hãng Reuters là nhiếp ảnh gia tiêu biểu của năm. Những bức ảnh của Zohra Bensemra ghi lại từ đợt hạn hán ở Somalia tới cuộc xung đột ở Iraq và Syria, cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo. Trong cuộc phỏng vấn giữa Guardian và Bensemra, cô đã nói về tác phẩm nhiếp ảnh của mình.

Cô gái Zeinab đang đọc cuốn sách tiếng Anh trong lán trại tị nạn.
Cô gái Zeinab đang đọc cuốn sách tiếng Anh trong lán trại tị nạn.

Khi chiến tranh vẫn tiếp tục, Zohra Bensemra cho biết, cô tiếp cận mọi người với sự tôn trọng, bất kể hoàn cảnh hay tình trạng hiện thời của họ. Cô không có mặt để tìm những bức ảnh giật gân. Cô bắt đầu là một nhiếp ảnh gia ở Algeria, trong cuộc xung đột năm 1990. Cô bị ảnh hưởng trực tiếp từ chiến tranh, mất bạn bè và người thân. Khoảng 200.000 người đã thiệt mạng, bao gồm thường dân, thành viên của tầng lớp thượng lưu, cảnh sát, lính, nhà báo. Sau đó, khi cô bắt đầu làm các nhiệm vụ quốc tế, cô đã tìm thấy nhiều điểm tương đồng với những gì mình đã trải nghiệm ở Algeria. Cô hiểu rằng bất kể quốc tịch hay tôn giáo, phản ứng của con người đều giống nhau ở khắp mọi nơi. Cô luôn muốn thể hiện khía cạnh con người trong sự xung đột. Cô muốn cho thấy dân thường biết phản ứng, chịu đựng, chống lại và cách họ tồn tại bất chấp sự hỗn loạn. Như bức ảnh cô chụp về một đám cưới trong trại tỵ nạn. Điều quan trọng cho thấy rằng cuộc sống vẫn tiếp tục bất kể chiến tranh.

HOÀNG ĐẶNG (Theo The Guardian)

;
.
.
.
.
.
.