Thông điệp mạnh mẽ chống bảo hộ và chiến tranh thương mại

.

Với việc ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), 11 quốc gia thành viên tin tưởng sự kiện này sẽ phát đi thông điệp phản đối mạnh mẽ chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại.

Quan chức đại diện các quốc gia thành viên tham gia ký CPTPP tại Santiago. Ảnh: Reuters
Quan chức đại diện các quốc gia thành viên tham gia ký CPTPP tại Santiago. Ảnh: Reuters

Ngày 9-3 (giờ Việt Nam), tại thủ đô Santiago của Chile, 11 quốc gia đã ký kết CPTPP, còn được gọi là TPP 11 sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp định hồi năm ngoái.

Việc ký kết CPTPP tại Chile được diễn ra sau khi kết thúc các phiên đàm phán liên quan tới nội dung hiệp định hồi tháng 1 năm nay. Sự kiện này cũng đánh dấu bước ngoặt về “số phận” của hiệp định thương mại được đánh giá lớn nhất toàn cầu sau khi Mỹ rút khỏi. Đã từng có những dư luận trước đó cho rằng TPP sẽ “chết” nếu không có Mỹ. “CPTPP sẽ thiết lập một tiêu chuẩn mới cho các hiệp định hội nhập kinh tế khu vực khác, ngay cả với những đàm phán tương lai trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và trong Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)”, Bộ Ngoại giao Chile nhận định.

Tổng thống Chile Michelle Bachelet cho rằng, việc CPTPP được ký kết phát đi thông điệp mạnh mẽ không những của 11 thành viên, mà còn của nhiều nước khác trên thế giới phản đối chủ nghĩa bảo hộ cũng như các cuộc chiến tranh thương mại có xu hướng nhen nhóm trở lại thời gian qua.

CPTPP được ký kết vào đúng thời điểm chỉ vừa mới trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp biểu thuế mới cao hơn với nhôm và thép nhập khẩu, động thái mà theo nhận định của nhiều nước cũng như của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có thể phát động một cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Theo những điều khoản đã ký kết, khi đi vào thực thi, CPTPP sẽ giảm mức thuế quan cho hàng hóa tại 11 quốc gia thành viên có tổng GPD khoảng 10.000 tỷ USD, chiếm 13% nền kinh tế toàn cầu. Nếu có Mỹ, hiệp định thương mại này sẽ tác động tới 40% GPD toàn cầu.

“Ngày hôm nay chúng tôi có thể tự hào khép lại quá trình này, phát đi một thông điệp mạnh mẽ tới cộng đồng thế giới rằng các thị trưởng mở, sự hội nhập kinh tế và sự hợp tác quốc tế là những công cụ tốt nhất để tạo ra các cơ hội kinh tế và sự thịnh vượng”, Tổng thống Michelle Bachelet nói.

Đồng quan điểm với Tổng thống Chile, Bộ trưởng Thương mại Canada Francois-Phillippe Champagne nói: “Chúng tôi rất tự hào khi chứng tỏ với thế giới rằng, thương mại tiến bộ sẽ tiến về phía trước, rằng hoạt động thương mại hợp lý, công bằng và có nguyên tắc sẽ là con đường phía trước, và việc đặt người dân lên trước tiên chính là cách thức thế giới tiến lên trong lĩnh vực thương mại”. Cũng như vậy, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore, ông Lim Hng Kiang cho rằng việc ký kết CPTPP là “sự biểu đạt mạnh mẽ” về cam kết với các mục tiêu chung của tự do hóa thương mại và sự hội nhập kinh tế toàn cầu.

Theo các số liệu thống kê thương mại của Chile và Canada, ngay cả khi không có Mỹ, CPTPP vẫn sẽ tạo ra sự kết nối của một thị trường gần 500 triệu dân, khiến nó trở thành một trong những hiệp định thương mại lớn nhất thế giới.

Sau lễ ký kết chính thức vừa diễn ra tại Chile, CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực khi ít nhất 6 quốc gia thành viên hoàn tất thủ tục phê chuẩn trong nước. Quá trình này dự kiến sẽ hoàn tất vào trước cuối năm nay. Bộ trưởng thương mại Úc Steven Ciobo bày tỏ kỳ vọng CPTPP sẽ sớm đi vào đời sống: “Giống như các nước khác, chúng tôi rất hy vọng CPTPP sẽ có hiệu lực vào khoảng cuối năm nay hoặc ngay sau đó”.

Bản văn kiện cuối cùng của CPTPP được công bố tại New Zealand ngày 21-2 vừa qua với 11 quốc gia thành viên gồm: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Ngoại trưởng Chile Heraldo Munoz cho rằng, CPTPP không phải là một hiệp định chống lại bất cứ ai và nhiều chính phủ cũng đã bày tỏ quan tâm muốn tham gia hiệp định này.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.
.