Mỹ mềm mỏng hơn với Triều Tiên?

Ngày 5-7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trở lại Bình Nhưỡng và ở lại đây đến ngày 7-7 để thúc đẩy lộ trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Đây là chuyến thăm thứ 3 của ông Pompeo đến CHDCND Triều Tiên trong năm nay và là chuyến thăm đầu tiên kể từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore ngày 12-6 vừa qua.

Hãng Reuters cho biết, trong thời gian Ngoại trưởng Pompeo thăm Bình Nhưỡng, hai bên bắt đầu đàm phán phi hạt nhân hóa “vòng 2”. Ngoài ra, sứ mệnh quan trọng của ông Pompeo là xua tan hoài nghi về việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thật sự muốn từ bỏ chương trình vũ khí và tên lửa hay không.

Theo Reuters, các quan chức Mỹ cho rằng, Washington và Bình Nhưỡng sẽ không tạo sự đột phá cũng như có ít tiến triển trong việc đưa ra thể thức cụ thể nhằm phi hạt nhân hóa. Song, những gì được nhìn thấy là cách tiếp cận của chính phủ Mỹ dường như mềm mỏng hơn, mặc dù tình báo Mỹ gần đây cho biết Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục lừa dối Washington về chương trình vũ khí của mình.

Trước đây, Mỹ yêu cầu CHDCND Triều Tiên hủy bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân trước khi được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt cứng rắn của quốc tế. Trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, Ngoại trưởng Pompeo nói rằng, Tổng thống Trump sẽ loại bỏ khái niệm “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược” (CVID). Sau các cuộc đối thoại giữa phái đoàn Mỹ với các quan chức Triều Tiên vào ngày 1-7 vừa qua, khái niệm CVID không còn xuất hiện trong các tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Ông Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu về Đông Á dưới thời Tổng thống Barack Obama cho rằng, dường như chính phủ Mỹ cảm thấy phải thoát ly khỏi lập trường cứng rắn sau khi ông Trump tuyên bố rằng không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát nhận định: Ông Pompeo sang Bình Nhưỡng với sứ mệnh nặng nề, bởi nhà lãnh đạo Kim Jong-un “không có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân”.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.
.