Mỹ rót 113 triệu USD vào châu Á

.

Trong lúc Trung Quốc đã và đang đổ hàng trăm tỷ USD vào các dự án ở châu Á, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa công bố các sáng kiến đầu tư về công nghệ, năng lượng và hạ tầng trị giá 113 triệu USD vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại Diễn đàn kinh tế khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương diễn ra ở Washington ngày 30-7. Ảnh: Getty Images
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại Diễn đàn kinh tế khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương diễn ra ở Washington ngày 30-7. Ảnh: Getty Images

Ngoại trưởng Mike Pompeo đang tìm cách xác lập vị trí Mỹ như một đối tác tin cậy, mà không phải là lực lượng chi phối trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong các dự án mới trị giá 113 triệu USD, Mỹ dự kiến đầu tư 25 triệu USD để mở rộng phát triển xuất khẩu công nghệ của Washington tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; bổ sung gần 50 triệu USD trong năm nay để giúp các nước sản xuất và tích trữ các nguồn tài nguyên năng lượng, tạo ra mạng lưới hỗ trợ mới nhằm tăng cường phát triển hạ tầng. Cũng theo ông Pompeo, Mỹ đã ký thỏa thuận đầu tư 350 triệu USD với Mông Cổ để phát triển các nguồn nước mới. Công ty Millennium Challenge của chính phủ Mỹ cũng đã chốt xong hợp đồng đầu tư hàng trăm triệu USD cho các dự án nâng cấp giao thông và những dự án cải tạo khác tại Sri Lanka.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Phòng Thương mại Mỹ tổ chức ngày 30-7, ông Pompeo cho biết, Washington muốn một châu Á “tự do và mở”, không bị bất cứ quốc gia nào gây ảnh hưởng chi phối. Không trực tiếp nhắc tới Trung Quốc nhưng quan điểm đó cho thấy ông Pompeo hàm ý chỉ sự trỗi dậy về kinh tế của cường quốc châu Á này, cũng như những căng thẳng trong việc tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông. “Chúng ta không bao giờ và sẽ không bao giờ muốn trở thành nước chi phối ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và chúng ta phản đối bất cứ nước nào làm vậy”, ông Pompeo tuyên bố.

Tuần này, Ngoại trưởng Pompeo thăm Malaysia, Singapore và Indonesia để công bố các chương trình hỗ trợ an ninh mới của Mỹ. Ông Pompeo nói rằng, đây chỉ là một phần chi ngân sách trong kỷ nguyên mới nằm trong cam kết về kinh tế của Mỹ đối với hòa bình và thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo đó, có thể hiểu 113 triệu USD trong các sáng kiến đầu tư sẽ được tiếp tục với những dự án khác về sau.

Giới quan chức Mỹ cho rằng, chiến lược đầu tư lần này của Washington không nhằm cạnh tranh trực tiếp với sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, vốn liên quan tới hàng chục quốc gia trong các dự án hạ tầng kết nối châu Á, nhiều phần của châu Phi và châu Âu trị giá khoảng 1.000 tỷ USD. Theo họ, các dự án của Mỹ chỉ nhằm đề xuất một lựa chọn khác bền vững hơn cho khu vực thông qua việc khuyến khích đầu tư vào khối kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, các nhà quan sát nhận định, động thái của Mỹ được kỳ vọng mang lại khuôn khổ hợp tác mới sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP, tên cũ là TPP). Mặt khác, đây cũng được cho là bước đi đối trọng với sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

GS. Eswar Prasad tại Đại học Cornell, kiêm cựu Giám đốc chi nhánh Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ở Trung Quốc cho rằng, các sáng kiến của Mỹ nhỏ hơn so với sáng kiến của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Brian Hook, cố vấn chính sách cao cấp của Ngoại trưởng Pompeo trao đổi với báo giới rằng, Washington không cạnh tranh với các sáng kiến của nhà nước Trung Quốc.

Theo giới phân tích, khó thấy chiến lược của Mỹ sẽ tạo ra nhiều hứng khởi trong khu vực, nhất là khi ông Trump thường xuyên có những tuyên bố thiếu đồng nhất quan điểm với các trợ lý hoạch định chính sách trong các vấn đề thương mại và cả vấn đề Triều Tiên vừa qua. Chưa kể, nhiều nước trong khu vực vẫn lo lắng về chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump và việc Washington rút khỏi CPTPP. “Việc công bố đầu tư 113 triệu USD cho các dự án kinh tế toàn bộ khu vực có cảm giác không mấy ấn tượng”, ông Daniel Russel, từng là trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương nhận xét.

Lần đầu tiên Mỹ phác thảo chiến lược của họ trong phát triển kinh tế khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là ở một hội nghị thượng đỉnh của khu vực này vào hè năm ngoái. Thuật ngữ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” được ông Pompeo định nghĩa là khu vực trải dài từ bờ tây nước Mỹ đến bờ tây của Ấn Độ.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.
.