Chủ nghĩa đa phương gặp nhiều thách thức

Tại kỳ họp cấp cao thường niên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) đang diễn ra ở New York (Mỹ), một trong nhiều vấn đề được các nhà lãnh đạo thế giới quan tâm là khủng hoảng lòng tin do tác động của chủ nghĩa đơn phương; đồng thời lên tiếng ủng hộ và tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa đa phương phát triển nhằm góp phần giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh, khủng hoảng lòng tin nghiêm trọng đang lan rộng trên toàn cầu. Ông nêu rõ, trong phạm vi các quốc gia, người dân đang ngày càng mất niềm tin vào các thể chế chính trị, trong khi tình trạng phân cực đang gia tăng và chủ nghĩa dân túy trở nên phổ biến. Trong quan hệ giữa các quốc gia, hợp tác trở nên ít chắc chắn và khó khăn hơn. Lòng tin vào hệ thống quản trị toàn cầu trở nên mong manh trong bối cảnh những thách thức của thế kỷ 21 vượt xa khả năng xử lý của những thể chế và quan niệm của thế kỷ 20.

Tổng Thư ký Guterres cũng cho rằng, thế giới đang phải đối mặt với hàng loạt nghịch lý, thế giới được kết nối nhiều hơn nhưng các xã hội lại ngày càng trở nên manh mún hơn; chủ nghĩa đa phương bị chỉ trích gay gắt đúng lúc các quốc gia cần điều này nhất…

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Guterres thừa nhận, lãnh đạo các quốc gia đều có nghĩa vụ cải thiện phúc lợi cho người dân nhưng cũng có nghĩa vụ thúc đẩy, ủng hộ một cơ chế đa phương được củng cố, cải cách và đổi mới. Ông Guterres kêu gọi các quốc gia nối lại cam kết duy trì một trật tự dựa trên các quy định, với LHQ đóng vai trò trung tâm cùng những thể chế và hiệp ước khác nhau đã làm nên Hiến chương LHQ. Ông đề cập sự cần thiết phải thể hiện giá trị gia tăng của hợp tác quốc tế bằng cách đem lại hòa bình, bảo vệ quyền con người, thúc đẩy tiến bộ kinh tế và xã hội cho người dân toàn thế giới.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nêu rõ: “Tôi không chấp nhận sự suy yếu của chủ nghĩa đa phương và không chấp nhận lịch sử của chúng ta bị chia tách”. Ông Macron khẳng định, các sáng kiến đơn phương sẽ không giải quyết được xung đột giữa Israel và Palestine; đồng thời cho rằng nếu không có hợp tác đa phương, các cuộc chiến tranh trên toàn cầu sẽ lại xảy ra và “chủ nghĩa dân tộc chỉ dẫn đến thất bại”.

Tổng thống Pháp hối thúc các nhà lãnh đạo trên thế giới phản đối “luật của kẻ mạnh” và cho rằng điều này “không bảo vệ được bất cứ ai”. Về thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015, ông Macron kêu gọi các lãnh đạo liên quan đối thoại với Tehran. Theo ông, Iran có thể kinh doanh dầu mỏ nhằm hạ giá nhiên liệu này, thách thức kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra nhằm bao vây kinh tế Tehran…

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nói rằng, việc tiếp cận đa phương chưa đi đến hồi kết và cần duy trì cơ chế này. Theo ông Juncker, đây là cơ hội duy nhất để định hình tương lai toàn cầu theo cách có thể chấp nhận được đối với mọi quốc gia. Ông Juncker không hoan nghênh cách tiếp cận đơn phương và tái khẳng định sự ủng hộ của Liên minh châu Âu (EU) đối với LHQ, coi tổ chức này là nền tảng của chủ nghĩa đa phương.

Còn trong thông cáo chung ngày 24-9, EU, Liên minh Châu Phi (AU) và LHQ đều bày tỏ sẵn sàng tiếp tục đưa ra những biện pháp nhằm tăng cường phối hợp trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu thông qua hợp tác quốc tế. EU, AU và LHQ có ý định đẩy mạnh hợp tác cả về chính trị, kinh tế lẫn hành động trên một loạt vấn đề, nhất là duy trì hòa bình và an ninh, triển khai chương trình phát triển bền vững đến năm 2030 và chương trình nghị sự của AU 2063, thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và bền vững, nhân quyền và biến đổi khí hậu cũng như ủng hộ các cải cách của AU và LHQ.

Có thể nói, tại diễn đàn LHQ khóa họp cấp cao lần thứ 73 năm nay, các liên minh, tổ chức quốc tế và lãnh đạo nhiều nước đã bày tỏ quan điểm phản đối, kêu gọi thúc đẩy chủ nghĩa đa phương để giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, nhằm mang lại hòa bình và phát triển bền vững cho các nước, các khu vực hiện đối mặt với các cuộc xung đột vũ trang cũng như đói nghèo, bệnh tật và di cư...

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.