Đến lượt các Big Tech đáp trả…

.

Cuộc chiến giữa các tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech) và chính phủ các nước ngày càng gay cấn. Các Big Tech từng bước hạn chế người dùng tiếp cận tin tức trong nước trên nền tảng trực tuyến của họ sau khi Chính phủ một số nước ban hành luật yêu cầu các công ty công nghệ phải trả tiền cho các các nhà xuất bản tin tức. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự bất mãn của những “gã khổng lồ” công nghệ trước các quy định mà họ cho là “chướng ngại vật”.

Google chặn người dùng Canada xem tin tức trong nước sau khi luật yêu cầu các công ty công nghệ trả tiền cho nhà xuất bản tin tức có hiệu lực. Ảnh: Getty Image
Google chặn người dùng Canada xem tin tức trong nước sau khi luật yêu cầu các công ty công nghệ trả tiền cho nhà xuất bản tin tức có hiệu lực. Ảnh: Getty Image

Hạn chế quyền tiếp cận tin tức

Ngày 29-6, Google thuộc Tập đoàn Alphabet, thông báo chặn người dùng Canada xem tin tức trong nước trên nền tảng này sau khi luật mới yêu cầu các công ty công nghệ trả tiền cho các nhà xuất bản tin tức có hiệu lực. Sở dĩ Google có động thái cứng rắn bởi họ chỉ trích luật mới của Chính phủ Canada không khả thi, cũng như không thể giải quyết rốt ráo vấn đề về cơ cấu trong quá trình thực thi.

Theo The Guardian, luật đề ra các quy tắc buộc các nền tảng như Facebook và Google phải đàm phán thỏa thuận thương mại và trả tiền cho nhà xuất bản tin tức về nội dung mà họ khai thác, chia sẻ và đăng tải trên nền tảng trực tuyến của mình. Đây cũng là giải pháp tình thế nhằm hỗ trợ ngành truyền thông Canada vốn đang gặp khó khi hàng trăm ấn phẩm phải dừng phát hành trong thập niên qua. Giới chức nước này cáo buộc Google và Meta - vốn thống trị quảng cáo trực tuyến, đang khiến các tòa soạn báo truyền thống thất thu khi những “gã khổng lồ” công nghệ này sử dụng miễn phí nội dung của họ. Báo cáo gần đây của cơ quan giám sát ngân sách Quốc hội Canada ước tính, luật mới này sẽ giúp các cơ quan truyền thông Canada thu khoảng 330 triệu CAD (250 triệu USD)/năm từ các nền tảng số.

Google quyết định xóa bỏ các liên kết tin tức trong nước ở các tính năng Tìm kiếm, Tin tức và Khám phá. Bên cạnh đó, chương trình Google News Showcase sẽ không còn hoạt động tại nước Bắc Mỹ này. Thông báo đưa ra sau khi nỗ lực đàm phán cuối cùng giữa Google với Chính phủ Canada bất thành. Google lập luận, cái gọi là “thuế liên kết” sẽ phá vỡ trang web bằng cách đặt giá cho các liên kết thay vì cho phép các công ty chia sẻ liên kết mà không phải chịu bất kỳ chi phí nào. Google cảnh báo, người Canada sẽ khó tìm tin tức trực tuyến và các nhà báo cũng khó tiếp cận độc giả. Tuy nhiên, người dân tại Canada vẫn có thể xem tin tức trên các trang web bằng cách nhập trực tiếp địa chỉ web tương ứng vào trình duyệt hoặc thông qua các ứng dụng.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, các Big Tech đang cố tình tránh trả tiền cho các tổ chức báo chí. “Việc những gã khổng lồ internet thà cắt đứt quyền truy cập của người Canada vào tin tức địa phương hơn là trả tiền một cách công bằng cho các cơ quan tin tức là vấn đề đáng lo ngại và giờ đây họ sử dụng chiến thuật bắt nạt để cố đạt mục đích. Tuy nhiên, nỗ lực này sẽ vô ích,” ông Trudeau nói.

Phản ứng lan rộng

Quyết định mới nhất của Google được xem là bước nối gót Meta khi “đại gia” công nghệ này trước đó cũng tuyên bố chặn tin tức Canada trên các ứng dụng Facebook và Instagram của công ty này. Thực tế này càng cho thấy xu hướng các Big Tech biến quy định hạn chế quyền truy cập thông tin của người dùng trên các nền tảng như con bài mặc cả buộc Chính phủ các nước như Canada phải đảo ngược các quyết định trên.

Không chỉ riêng ở Canada, bang California (Mỹ) cũng sắp ban hành luật áp đặt “phí sử dụng tin tức báo chí” trên các nền tảng công nghệ. Giới chức California mô tả luật mới là “huyết mạch” cho các tổ chức tin tức địa phương bằng cách yêu cầu các công ty công nghệ phải dành một phần doanh thu quảng cáo mà họ có được từ việc chia sẻ các bài báo cho các nhà xuất bản. Tương tự, Meta đe dọa chặn bất kỳ liên kết tin tức nào khỏi Facebook và Instagram nếu luật này có hiệu lực. Người phát ngôn của Meta, ông Andy Stone, chỉ trích dự luật sẽ buộc công ty phải trả vào “quỹ đen” vốn chủ yếu mang lại lợi ích cho các công ty truyền thông lớn dưới chiêu bài hỗ trợ các nhà xuất bản.

Rào cản mới từ Đạo luật Dữ liệu của EU

Các Big Tech chỉ trích Đạo luật Dữ liệu của Liên minh châu Âu (EU), với cảnh báo về khả năng dự luật có thể cản trở luồng dữ liệu và quyền tự do về hợp đồng. Đạo luật gồm quy định quản lý cách thức các công ty công nghệ lớn sử dụng dữ liệu người dùng và doanh nghiệp châu Âu, với mục tiêu bảo đảm không để xảy ra nguy cơ rò rỉ dữ liệu ra bên ngoài châu Âu. Những tiết lộ của cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden vào năm 2013 về hoạt động giám sát hàng loạt của Mỹ khiến EU lo ngại về việc truyền dữ liệu và thúc giục khối này phải có giải pháp ngăn chặn kịp thời.

Tổ chức DIGITALEUROPE, với các thành viên như Airbus, Amazon và Google, cho biết, đạo luật chẳng khác nào “cơn gió ngược” cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp. Điều đáng lo chính là đạo luật nhiều khả năng đặt ngành công nghiệp châu Âu vào tình thế bất lợi bằng cách buộc ngành này từ bỏ dữ liệu khó thu nhặt được và hạn chế quyền tự do về hợp đồng; đồng thời có thể dẫn đến làn sóng phi công nghiệp hóa mới và đặt ra rủi ro đối với an ninh mạng.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.