Các nước nới lỏng chính sách thị thực để thúc đẩy kinh tế

.

Đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động ngày càng nghiêm trọng ở một số lĩnh vực do suy giảm dân số ở mức báo động, trong khi cơn khát nhân tài gia tăng toàn cầu, các nước châu Á đang chủ động nới lỏng chính sách nhập cảnh trong chiến lược dài hạn giúp vực dậy nền kinh tế hậu Covid-19.

Một ứng viên cho chương trình công nhân lành nghề làm bài kiểm tra tại tỉnh Shizuoka (Nhật Bản). (Nguồn: Kyodo)
Một ứng viên cho chương trình công nhân lành nghề làm bài kiểm tra tại tỉnh Shizuoka (Nhật Bản). (Nguồn: Kyodo)

Gần đây, Trung Quốc thông báo sẽ cho phép người nước ngoài được cấp thị thực khi nhập cảnh (visa on arrival) nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế chất lượng cao. Theo SCMP, Bộ Công an Trung Quốc sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các doanh nhân nước ngoài xin thị thực nhập cảnh, gồm cả những người muốn đến Trung Quốc để dự các cuộc họp kinh doanh, triển lãm hoặc đầu tư nhưng không thể xin thị thực trước chuyến đi. Trước đây, những đặc quyền như vậy chỉ có thể được thực hiện trong “trường hợp khẩn cấp”. Theo quy định mới, sau khi nhập cảnh, khách du lịch có thể nâng cấp lên thị thực có giá trị 3 năm. Bên cạnh đó, công dân nước ngoài cũng không còn phải nộp hộ chiếu khi xin giấy phép cư trú tại Trung Quốc, một thay đổi có thể mang lại lợi ích cho ít nhất 700.000 du khách quốc tế.

Cộng đồng doanh  nghiệp, các công ty nước ngoài đang làm ăn tại Trung Quốc cho rằng, biện pháp cấp thị thực mới là bước đi đúng hướng đáng hoan nghênh. “Nếu được thực hiện kịp thời, những thay đổi Trung Quốc đưa ra sẽ giải quyết được một số vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đang gặp phải, trong đó có việc thu hút chuyên gia, lao động có trình độ chuyên môn”, ông Jens Eskelund, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, nhận định. Theo Reuters, Trung Quốc cũng vừa nối lại chính sách miễn thị thực nhập cảnh 15 ngày đối với công dân Singapore và Brunei sở hữu hộ chiếu phổ thông, đi lại với mục đích kinh doanh, du lịch, thăm thân và quá cảnh.

Bên cạnh kế hoạch nới lỏng chính sách thị thưc, chính quyền Trung Quốc cũng hạ thấp rào cản đối với người dân ở vùng nông thôn để họ có hộ khẩu thành thị với quy trình đăng ký hộ khẩu dễ dàng hơn, qua đó khuyến khích tăng chi tiêu trong nước vốn là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. SCMP dẫn lời thông báo của Cục Quản lý nhập cư Trung Quốc cho biết, những thay đổi về thị thực và hộ khẩu mang tính cấp bách vì lợi ích của chuỗi cung ứng và ngành công nghiệp ổn định, qua đó giúp doanh nghiệp trong nước nắm bắt cơ hội, mở rộng thị trường quốc tế và giành lợi thế trong cuộc cách mạng công nghiệp mới trong bối cảnh quá trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19 của Trung Quốc vẫn đối mặt nhiều thách thức trong thời gian gần đây.

Trong khi đó, theo Kyodo News, tháng 6-2023, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu nới lỏng điều kiện cấp thị thực lao động dài hạn cho người nước ngoài có tay nghề cao, trong đó mở rộng cấp thị thực cho người lao động thuộc 11 lĩnh vực, thay vì 2 lĩnh vực (xây dựng và đóng tàu) như hiện nay, đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách hạn chế nhập cư. Theo quy định sửa đổi, người lao động nước ngoài trong 9 ngành khác như ngư nghiệp, nông nghiệp và khách sạn có thể nộp đơn xin thị thực không giới hạn số lần gia hạn và được phép đưa theo con cái và vợ/chồng vào nước này, nhưng với điều kiện phải vượt qua kỳ thi tiếng Nhật và các kỹ năng liên quan. Trước đây, những người lao động nước ngoài làm việc trọng nhóm 9 ngành này chỉ được phép ở lại Nhật Bản tới 5 năm và không thể gia hạn thị thực.

Bên cạnh đó, trong nỗ lực thu hút nhân tài từ các nước khác, Nhật Bản sẽ cho phép ứng viên tiến hành nghiên cứu học thuật nâng cao hoặc các hoạt động chuyên ngành/kỹ thuật nâng cao để có được thị thực 5 năm. Thực tế, quyết định của chính quyền Nhật Bản về giảm bớt các điều kiện đối với việc cấp thị thực lao động cho người nước ngoài diễn ra trong bối cảnh nước này đang “đau đầu” với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng trong một số lĩnh vực then chốt.

Trong động thái “nối gót”, tháng 7-2023, Bộ Tư pháp Hàn Quốc ban hành kế hoạch nới lỏng các yêu cầu về thị thực trong kế hoạch dài hạn để bù đắp thiếu hụt lao động trong nước, trong đó có tăng cường sử dụng nhân lực nước ngoài. Theo Asia News, nước này sẽ tăng hạn ngạch cho lao động có thị thực E-7-4 từ 5.000 lên 35.000 người trong nửa cuối năm 2023, đồng thời cũng sẽ xem xét mở rộng hạn ngạch cho lao động phổ thông người nước ngoài với thị thực E-9 và bổ sung các ngành được phép.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.