.

Chia rẽ trước thềm đàm phán

.

Chính phủ Syria tuyên bố loại bỏ bất kỳ cuộc đối thoại nào về số phận của Tổng thống Bashar al-Assad trong đàm phán hòa bình do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn diễn ra vào hôm nay (14-3) tại Geneva (Thụy Sĩ). Trong khi đó, phe đối lập kiên quyết đòi quá trình chuyển giao quyền lực chỉ có thể bắt đầu khi Tổng thống Assad không còn nắm quyền. Điều này cho thấy sự chia rẽ trước thềm đàm phán và đây là thách thức lớn của các nhà ngoại giao khi họ chuẩn bị cho cuộc hòa đàm ở Geneva.

Sự bất đồng giữa “hai nhân vật chính” trong cuộc đàm phán nhằm giải quyết khủng hoảng ở Syria không phải không được dự báo trước. Song, với những diễn biến lần này, hòa đàm chắc chắn trở nên khó khăn. Không những thế, hai bên còn lời qua tiếng lại, không bên nào chịu nhượng bộ.

Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem xác nhận chính phủ quốc gia Trung Đông này tham gia đàm phán nhưng cảnh báo hòa đàm sẽ thất bại nếu tại Geneva, phe đối lập tuyên bố lên nắm quyền. Ông Muallem không muốn đưa kế hoạch bầu cử tổng thống ở Syria sẽ diễn ra trong vòng 18 tháng tới vào chương trình nghị sự tại Geneva. “Chúng tôi sẽ không đối thoại với bất kỳ ai bàn về vị trí của tổng thống”, ông Muallem kiên quyết.

Nhà đàm phán của phe đối lập Mohamad Alloush cho rằng, những phát biểu của Ngoại trưởng Syria là vô nghĩa. Ông Alloush vẫn một mực muốn Tổng thống Syria hoặc “không còn nắm quyền, hoặc chết” thì quá trình chuyển giao mới bắt đầu.

Điều đáng nói là hòa đàm tại Geneva lần này diễn ra trùng với thời điểm đánh dấu 5 năm cuộc chiến ở Syria làm hơn 250.000 người chết, hàng triệu người mất nhà cửa và kéo theo cuộc khủng hoảng tị nạn nghiêm trọng nhất thế giới.

Hơn nữa, nội chiến không những khiến lãnh thổ Syria bị chia năm xẻ bảy mà còn dẫn đến sự mở rộng bành trướng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Song, IS vô hình trung trở thành nhân vật trung tâm trong những nỗ lực của thế giới nhằm kết thúc cuộc khủng hoảng ở Syria. Liên minh do Mỹ dẫn đầu đã tiến hành không kích IS tại Syria, nhưng cục diện chỉ thay đổi có lợi cho chính phủ của Tổng thống Assad kể từ khi có sự tham gia của Nga từ tháng 9 năm ngoái.

Ngày 13-3, tại thủ đô Paris, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có cuộc gặp gỡ với người đồng cấp Pháp Jean-Marc Ayrault và các nhà ngoại giao hàng đầu của châu Âu để bàn thảo các vấn đề quốc tế, trong đó có đàm phán hòa bình Syria. Dù các nhà ngoại giao đang nỗ lực “chạy nước rút” nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy tiến trình ở Geneva sẽ trôi chảy.

Các nhà phân tích cho rằng, dù tình hình đã thay đổi rất nhiều kể từ khi cuộc đàm phán gần đây nhất (tháng 2-2016) sụp đổ, nhưng chính sự chia rẽ của các bên sẽ càng làm phức tạp vấn đề. Trở ngại then chốt khiến các bên không tìm được tiếng nói chung đó là số phận của Tổng thống Assad, việc tổ chức bầu cử trong vòng 18 tháng và hình thái của chính phủ mới.

Nga, đồng minh của chính phủ Damascus, bác bỏ việc ông Assad phải từ nhiệm, trong khi Mỹ muốn nhà lãnh đạo này phải ra đi. Tuy nhiên, vào thời điểm này, theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma (Mỹ) Joshua Landis, ông Assad đang “mạnh hơn bao giờ hết và sẽ không đi đâu cả”; đồng thời mô tả nội dung nghị sự ở Geneva là “không thực tế”.

Đặc sứ hòa bình của Liên Hợp Quốc Staffan de Mistura chỉ có thể lạc quan rằng, đàm phán tại Geneva sẽ không kéo dài quá 10 ngày. Nhưng nếu kéo dài được 10 ngày thì đã là thành công lớn, bởi theo kế hoạch, đàm phán được tổ chức từ ngày 14-3 đến 24-3.

Ở Syria, lệnh ngừng bắn đang được thực thi nhưng vẫn còn quá sớm để đề cập triển vọng một lệnh ngừng bắn hoàn chỉnh. Và trong quá trình hòa đàm, nếu có bất kỳ sự vi phạm đáng kể nào đối với lệnh ngừng bắn thì mọi nỗ lực xem như “muối bỏ bể”.

Hướng đi sắp tới của Syria vẫn là bài toán khó!

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.