Thay "tướng" để thúc đẩy chính sách đối ngoại

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ cách chức Ngoại trưởng Rex Tillerson và đề cử Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo thay thế. Ông Trump ca ngợi Pompeo là “người phù hợp cho vị trí Ngoại trưởng trong thời điểm vô cùng quan trọng này”.

Tất nhiên, ông Pompeo sẽ phải điều trần trước Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện và nếu được Thượng viện thông qua mới chính thức thành Ngoại trưởng thứ 70 của Mỹ. Đây là biến động nhân sự lớn nhất trong chính phủ Mỹ kể từ khi ông Trump tiếp quản Nhà Trắng.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Steve Goldstein cũng bị cách chức sau khi có những phát biểu trước báo chí trái với thông tin của Nhà Trắng liên quan đến việc bãi nhiệm Ngoại trưởng Tillerson rằng, ông Tillerson không biết lý do mình bị cách chức…

Ông Tillerson, cựu Tổng Giám đốc ExxonMobil, bắt đầu đảm nhiệm vị trí Ngoại trưởng từ tháng 2-2017, còn ông Goldstein làm Thứ trưởng từ ngày 4-12. Sự ra đi đột ngột của hai quan chức hàng đầu ngành ngoại giao Mỹ đặt ra câu hỏi lớn: Vì sao Tổng thống Trump quyết định như vậy trong bối cảnh nước Mỹ phải đối diện với hàng loạt vấn đề khá hóc búa. Thực ra, tuần trước, ông Trump đã yêu cầu ông Tillerson từ chức và nhà ngoại giao đứng đầu nước Mỹ buộc phải rút ngắn chuyến công du châu Phi để trở về Washington hôm 12-3.

Theo AFP, Tổng thống Trump và ông Tillerson từ lâu đã bất đồng trong nhiều vấn đề, trong đó có ý kiến khác biệt đối với thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), được Iran ký kết với nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015. Ông Trump muốn rút khỏi thỏa thuận được xem là “tồi tệ” này, nhưng ông Tillerson lại “có ý kiến khác” và hai bên có quan điểm rất khác biệt.

Ở khía cạnh khác, ông Tillerson có rất ít đồng minh tại khu cánh tây Nhà Trắng. Theo các nguồn tin thân cận với Tổng thống, ông Tillerson không ủng hộ nhà lãnh đạo Mỹ, ông muốn tự mình quản lý chính sách đối ngoại mà không có sự can thiệp của Tổng thống Trump. Trong khi đó, ông Trump lại cảm thấy Tillerson không đứng sau hỗ trợ mình. Không ít lần dư luận đồn đoán về sự ra đi của ông Tillerson vì không hợp với các mục tiêu đối ngoại của Tổng thống Trump. Bởi thế, đến nay người ta vẫn không hiểu được vì sao cựu Tổng Giám đốc ExxonMobil lại từ bỏ công việc ở một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới để về Nhà Trắng và ông cũng không để lại dấu ấn nào trong một năm qua.

Ngoài ra, một quan chức Nhà Trắng cho biết, việc thay đổi nhân sự lần này cũng nhằm chuẩn bị đội ngũ cho các cuộc đàm phán sắp tới giữa Mỹ với Triều Tiên cũng như các cuộc đàm phán thương mại với nhiều đối tác; hiện thực hóa khẩu hiệu tranh cử “nước Mỹ trên hết” và chuẩn bị cho chương trình tái tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ 2. Trước đó, ông Trump bất ngờ nhận lời mời của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều vào tháng 5 tới. Song, ông Tillerson cho rằng, điều kiện chưa đủ chín muồi để đối thoại với Triều Tiên. Ông Tillerson còn giải thích, quyết định đó “hoàn toàn do Tổng thống tự quyết”...

Thứ trưởng Ngoại giao Đức Michael Roth viết trên Twitter rằng, quyết định cách chức Ngoại trưởng Rex Tillerson sẽ không làm mọi thứ tốt đẹp hơn. Trong khi đó, giới chức Nhật Bản bày tỏ ngạc nhiên trước thông báo đột ngột của Tổng thống Trump. Trung Quốc hy vọng sự thay đổi nhân sự này không ảnh hưởng đến quan hệ Trung - Mỹ.

Việc ông chủ Nhà Trắng thay đổi “tướng” ngành ngoại giao được cho là sẽ có tác động không nhỏ chính sách đối ngoại cứng rắn của Mỹ trong thời gian đến, nhất là vấn đề hạt nhân của Iran, Triều Tiên, các cuộc đàm phán thương mại cũng như quan hệ với Nga và Trung Quốc.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.