.
Giáo dục thiếu niên hư ở Sơn Trà

Tình thương gắn trách nhiệm

.

Nếu như năm 2008, trên địa bàn quận Sơn Trà có 57 thiếu niên (TN) vi phạm pháp luật, thì từ đầu năm đến nay, toàn quận có 34 TN vi phạm. Các hành vi vi phạm, theo Thượng tá Lê Hùng, Trưởng Công an quận Sơn Trà thì chủ yếu là trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng, đánh nhau. Lực lượng chức năng tiến hành lập hồ sơ đưa vào Trường Giáo dưỡng số 3 (Bộ Công an) 3 em, quản lý tại địa phương 11 em, giao gia đình quản lý 7 em, đoàn thể quản lý 1 em và xử phạt hành chính 12 em.

Từ đầu năm đến nay, phường Nại Hiên Đông là địa phương có số lượng thiếu niên vi phạm pháp luật cao nhất quận Sơn Trà.

Việc theo dõi, quản lý, giúp đỡ các đối tượng này được ngành công an phối hợp với các cấp chính quyền, gia đình và xã hội tiến hành thường xuyên, có đánh giá vào hằng quý, nửa năm để có sự điều chỉnh kịp thời. Nhiều trường hợp được lập sổ theo dõi, trong đó gia đình phải ghi nhật ký về hoạt động của các em được quản lý, cảnh sát khu vực kiểm tra hằng tuần để đưa ra các biện pháp quản lý, giáo dục hiệu quả, thích ứng với từng đối tượng.

Theo phân tích của Công an quận Sơn Trà, trong số 34 TN vi phạm pháp luật từ đầu năm đến nay, thì có đến 19 em có hoàn cảnh khó khăn và 17 em vi phạm từ lần thứ 2 trở lên. Hoàn cảnh gia đình khó khăn không hẳn là sự thiếu thốn về mặt kinh tế, mà trong đó có cả việc thiếu thốn về mặt tình cảm, đời sống tinh thần như cha mẹ ly hôn, mồ côi... Chính sự thiếu thốn về tình cảm, thiếu vắng sự quan tâm chăm sóc đó đã dẫn đến tình trạng bỏ nhà đi lang thang, bỏ học..., từ đó đối tượng vi phạm ngày càng tăng lên.
 
Theo thống kê, trong 34 em thì có đến 21 em bỏ học, phần lớn nằm ở cấp THCS, 8 em bỏ nhà đi lang thang... Đặc biệt, có những trường hợp gia đình khá giả như gia đình em Đ.M.T (phường Phước Mỹ), P.Đ.N (phường Thọ Quang) nhưng do buông lỏng quản lý, nuông chiều dẫn đến vi phạm, cả vi phạm về trộm cắp tài sản và đánh nhau. Em L.V.T. chỉ mới học lớp 3 nhưng do cha đi làm biển nhiều ngày, thiếu người chăm sóc, lại bị bạn bè xấu rủ rê, em đã nhiều lần tham gia vào nhóm trộm cắp.

Một vấn đề nổi lên hiện nay là việc vi phạm pháp luật có hệ thống của thiếu niên thông qua mối liên lạc từ Internet. Trên địa bàn quận có hàng trăm điểm kinh doanh loại hình dịch vụ này nhưng chưa có sự quản lý hiệu quả và chặt chẽ, dẫn đến tình trạng sử dụng Internet quá nhiều và không lành mạnh trong giới trẻ. Nghiện trò chơi trực tuyến, thiếu tiền, một số TN phạm tội trộm cắp; hẹn hò nhau trên mạng để bỏ nhà đi “bụi”, đánh nhau, v.v... đang trở thành vấn đề nóng của TN. Ở quận Sơn Trà, thời gian qua đã có 2 vụ rủ nhau bỏ nhà đi bụi, 2 vụ hẹn hò giải quyết mâu thuẫn bằng hung khí đã diễn ra trong TN. Đây là vấn đề cũng cần quan tâm và có giải pháp sớm. 

Theo ông Phan Minh Hải, Phó Bí thư Quận ủy Sơn Trà, để ngăn chặn tình trạng TN vi phạm pháp luật, Quận ủy đã chỉ đạo cho các đoàn thể chính trị-xã hội phối hợp với công an các cấp triển khai nhiều giải pháp giúp đỡ, giáo dục các em, mà tập trung vào các trường hợp có biểu hiện và nguy cơ vi phạm; trong đó giải pháp được chú trọng nhất là vai trò vận động giáo dục trẻ em hư là con của hội, đoàn viên đoàn thể mình quản lý. Đồng thời, vấn đề ngăn chặn học sinh bỏ học cũng là một trong những giải pháp được quan tâm nhằm hạn chế các em phải rơi vào hoàn cảnh thiếu giáo dục và môi trường không lành mạnh.
 
Trong năm học 2008-2009, toàn quận có 72 học sinh THCS và 95 học sinh THPT bỏ học; trong đó có 10 em THCS và 4 em THPT được vận động ra lớp và học nghề. Theo Thượng tá Lê Hùng, trong số 13 em vi phạm pháp luật còn đi học, cần phải có giải pháp sớm, động viên các em đi học thì mới có cơ hội giúp các em tiến bộ nhiều hơn, nếu không thì việc giải quyết hậu quả sẽ khó khăn. Để làm được điều đó, bên cạnh vai trò của ngành công an, cần phải có tình thương và trách nhiệm của cả cộng đồng, nhất là vai trò của gia đình trong việc nêu gương, quản lý và giáo dục các em.

Bài và ảnh: ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.