.

Bất cập trong quy hoạch phát triển cơ sở giáo dục

.

Bài 1: Nơi thừa, nơi thiếu

Năm học mới 2016-2017 đang đến gần, nhưng nhiều nơi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tình trạng “chạy đua” xây dựng và sửa chữa trường lớp vẫn diễn ra. Thực trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự phân bố thiếu hợp lý và việc xây dựng chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Trường mầm non Bạch Dương (quận Ngũ Hành Sơn) phải dùng 2 phòng chức năng làm phòng học nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu gửi trẻ. TRONG ẢNH: Giờ học của các bé ở Trường mầm non Bạch Dương (quận Ngũ Hành Sơn). 						             Ảnh: P.TRÀ
Trường mầm non Bạch Dương (quận Ngũ Hành Sơn) phải dùng 2 phòng chức năng làm phòng học nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu gửi trẻ. TRONG ẢNH: Giờ học của các bé ở Trường mầm non Bạch Dương (quận Ngũ Hành Sơn). Ảnh: P.TRÀ

Phân bổ thiếu hợp lý

Năm học 2016-2017, theo kế hoạch được giao, chỉ tiêu vào lớp 1 của Trường tiểu học Lý Tự Trọng (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) là 42 học sinh thuộc 16 tổ dân phố, bên cạnh tiếp nhận con em cán bộ, công chức đang làm việc tại Trung tâm Hành chính thành phố đóng ở gần trường. Vậy nhưng chuẩn bị bước vào năm học mới, nhà trường chỉ tuyển sinh được 37 em, chủ yếu là thường trú ở các phường khác xin vào học.

Cô Phan Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nguyên nhân có nhiều, nhưng quan trọng nhất vì trên địa bàn phường có đến 4 trường tiểu học, bao gồm Lý Tự Trọng, Phan Thanh, Hoàng Văn Thụ, Lê Lai. Trong đó, Trường tiểu học Lý Tự Trọng mới được chuyển đổi từ trường năng khiếu, cơ sở vật chất chưa được đầu tư, nâng cấp nên không thể cạnh tranh với các trường còn lại.

Trường tiểu học Phan Thanh hiện cũng chỉ có hai lớp 1. Hiện tại, Trường tiểu học Phan Thanh có 700 học sinh với khoảng 20 lớp, ít hơn nhiều so với cơ sở vật chất và số giáo viên. Đại diện lãnh đạo nhà trường cho biết, đơn vị “dôi dư” khoảng 8 người, phải chuyển đi nơi khác, đồng thời trường cũng có 7 nhân viên phục vụ phải nghỉ việc. Riêng Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ chỉ tiêu tuyển sinh là 66 em, lại tuyển đến 159 em.

Trong khi đó, tại nhiều địa bàn khác, tình trạng quá tải kéo dài do trường lớp chật hẹp, không đáp ứng đủ nhu cầu vẫn đang diễn ra. Trường tiểu học Lê Lai (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) hiện có 1.500 học sinh với 40 lớp, nay tăng lên khoảng 45 - 46 lớp. Một số lớp phải bố trí 40 em/lớp, cao hơn quy định chung 10 em/lớp.

Còn ở Trường mầm non Hoàng Lan (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), tình trạng quá tải học sinh đăng ký cũng xảy ra. Cô Nguyễn Thị Tuyết Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đơn vị tuyển sinh từ tổ 81 đến 136 nhưng khu này có dân cư đông và trẻ trong độ tuổi mầm non nhiều, nên năm nào cũng không thể nhận hết. Năm học vừa qua, trường chỉ có thể tuyển 180 em với 6 lớp dù phụ huynh đến “năn nỉ” xin được vào học nhưng trường không thể tiếp nhận. Hơn 100 em sống trên địa bàn do đó đành phải học nhóm trẻ gia đình hoặc trường tư. Năm nay, trường được quận đầu tư 2 tỷ đồng để xây mới 3 phòng học và 1 phòng chức năng, nhằm tuyển thêm 90 cháu.

Còn ở Trường mầm non Bạch Dương (quận Ngũ Hành Sơn), nhà trường phải dùng 2 phòng chức năng để làm phòng học nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Cô Dương Thị Thu Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, có nhiều phụ huynh đến trường xin cho con học nhưng trường không thể nhận hết vì chỉ tuyển vừa đủ chỉ tiêu khoảng hơn 400 em ở tất cả các khối lớp, tương ứng với cơ sở vật chất hiện có để bảo đảm chất lượng dạy học.

Ngoài ra, có thể kể ra hàng loạt cơ sở giáo dục tiểu học, THCS ở các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ... thiếu phòng học, phòng chức năng. Đơn cử như Trường tiểu học Hai Bà Trưng (quận Sơn Trà). Trường này hiện có 20 lớp, do quá tải, xuống cấp nên phải xây dựng mới để bổ sung thêm phòng chức năng, phòng hội trường. Hay như Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện (phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà) phải lấy phòng chức năng làm phòng học, hiện đang phải xây thêm 12 phòng. Tại quận Liên Chiểu, nhiều trường xuống cấp nghiêm trọng như: Trường mầm non Tuổi Thơ, Trường mầm non Tuổi Ngọc, Trường tiểu học Triệu Thị Trinh, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm... Một số cơ sở trường mầm non, tiểu học nằm trong ngõ sâu, lối đi chật hẹp, không có tường rào, cổng ngõ, không có lối thoát hiểm...

Xây dựng chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng

Tại Trường tiểu học Phạm Hồng Thái (quận Ngũ Hành Sơn), khi nhà thầu chuẩn bị thi công, nhà trường mới phát hiện thiết kế bất hợp lý, bởi dãy phòng mới chắn ngang phía trước dãy phòng cũ. Sau nhiều lần nhà trường kiến nghị lên Phòng Giáo dục- Đào tạo quận nhờ can thiệp, thiết kế mới được điều chỉnh lại theo đúng yêu cầu thực tế, công năng sử dụng.

Còn tại huyện Hòa Vang, Trường THCS Nguyễn Hồng Ánh (xã Hòa Châu) nằm ngay trước sân ngôi đình cổ Thần Nông, với tường rào cao, “bao” cả ngôi đình. Người dân hoặc du khách muốn vào tham quan đình phải đi nhờ qua cổng trường. Những dịp lễ hội lớn, nhất là lễ hội Mục đồng nổi tiếng, tổ chức ba năm một lần, dân làng phải xin phép đập một phần tường rào của trường để rước kiệu, lễ xong thì xây lại như cũ. Vì thế, từ nhiều năm nay, 4 phòng học án ngữ phía trước đình hầu như không được sử dụng. Người dân, chính quyền cơ sở nhiều lần kiến nghị lên thành phố xin di dời, hoặc có phương án hợp lý cho trường học, không gây ảnh hưởng đến ngôi đình cổ có tuổi đời hàng trăm năm, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Một thực tế là ở những trường vùng ven, nhiều nhất là ở quận Liên Chiểu, tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, thiếu phòng chức năng, công trình phụ trợ diễn ra khá phổ biến. Nhiều trường không có thư viện, không có tường rào, cây xanh, sân chơi, cổng ngõ. Trường tiểu học Triệu Thị Trinh hiện có 2 cơ sở luôn trong tình trạng quá tải, trong đó 1 cơ sở xây dựng từ năm 1997, nằm sâu trong khu dân cư, đường đi vào chật hẹp, mùa mưa thì ngập nước, học sinh phải lội bì bõm mới vào được lớp.

Còn ở Trường mầm non Hoàng Lan (quận Ngũ Hành Sơn), dù sắp có thêm dãy phòng học mới ở tầng trên nhưng nhà trường cũng không khỏi lo lắng. Cô Nguyễn Thị Tuyết Hoa, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Hiện trường đang được đầu tư thêm một tầng với 3 phòng, nhưng cả khu nhà với hơn 200 cháu và mấy chục cô giáo lại chỉ có một cầu thang bộ, không có lối thoát hiểm, rất khó khăn nếu có sự cố.

Bởi rất nhiều thiết kế dành cho các trường khi xây mới hoặc sửa chữa đều chưa phù hợp nên sau một thời gian phải làm lại. “Tôi thấy nên đầu tư một lần (chẳng hạn như ở Trường THPT Phan Châu Trinh) chứ đầu tư vài ba lần sẽ khó khăn hơn. Bởi các trường lại phải xây dựng giai đoạn 1, giai đoạn 2 nên sẽ tốn kém hơn” - ông Huỳnh Bá Công, Phó phòng Giáo dục - Đào tạo quận Ngũ Hành Sơn cho biết.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, năm 2016, Đà Nẵng có 33 trường được đầu tư xây dựng phục vụ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, với tổng mức đầu tư 277 tỷ đồng. Hiện chỉ có 18 công trình đã triển khai xây dựng và sẽ hoàn thành trước ngày 31-8-2016; còn lại 11 công trình mới khởi công đầu tháng 7-2016; 3 công trình đang thẩm tra thiết kế dự toán; 1 công trình đang triển khai đấu thầu.

C. ANH - P. TRÀ

;
.
.
.
.
.