.
Bất cập trong quy hoạch phát triển cơ sở giáo dục

Bài 3: Quy hoạch "chạy theo" thực tế

.

Kể từ khi chia tách, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng vươn mình trở thành đô thị năng động, hiện đại. Tuy nhiên, cái thiếu nhất sau gần 20 năm phát triển là thiếu một tầm nhìn quy hoạch chiến lược cho phát triển các thiết chế văn hóa, giáo dục. Trong đó, quy hoạch phát triển cơ sở giáo dục là một điển hình.

Quy hoạch cho giáo dục hiện nay chưa gắn kết với tổng thể đô thị. Trong ảnh: Trường mầm non Hoàng Lan, quận Ngũ Hành Sơn phải xây thêm 1 dãy phòng học tầng 3 nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Quy hoạch cho giáo dục hiện nay chưa gắn kết với tổng thể đô thị. Trong ảnh: Trường mầm non Hoàng Lan, quận Ngũ Hành Sơn phải xây thêm 1 dãy phòng học tầng 3 nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Quy hoạch trường chưa gắn kết với tổng thể đô thị

Ông Vũ Hùng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy, nguyên Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Đà Nẵng khẳng định: “Mạng lưới cơ sở vật chất trường lớp của Đà Nẵng ở thời điểm hiện tại được đầu tư bài bản hơn hẳn so với giai đoạn trước. Giữa những năm 90 của thế kỷ trước, học sinh Đà Nẵng còn phải học ca 3. Đến thời điểm này, cơ sở vật chất, trường lớp cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học ở các cấp học phổ thông, trình độ năng lực đội ngũ quản lý, giáo viên cũng được nâng lên đáng kể… Tuy nhiên, trong quy hoạch mạng lưới trường lớp vẫn còn nhiều bất cập và thực tế là chưa có quy hoạch cụ thể, chi tiết về quỹ đất dành cho giáo dục”.

Theo ông Hùng, ví dụ điển hình cho tình trạng này là việc xây dựng Trường tiểu học Võ Thị Sáu ở quận Liên Chiểu. Từ khi có quyết định của thành phố xây dựng trường, phải mất hơn một năm mới tìm được địa chỉ cụ thể để đầu tư xây dựng. Bởi chỉ ngành Giáo dục và chính quyền các quận, huyện không thể giải quyết được, mà còn chờ quyết định của các sở, ngành khác như Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Viện Quy hoạch... Cho đến nay, ở tất cả các địa phương trong toàn thành phố, quy hoạch trường học chưa được gắn kết với quy hoạch tổng thể về phát triển đô thị.

Còn một số trường học ở các quận trung tâm như Hải Châu, Thanh Khê lại được cải tạo từ những cơ sở không phải là trường học đơn thuần như các Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, Trần Cao Vân, Lý Tự Trọng… Do đó, khi có nhu cầu phát triển thì không mở rộng được diện tích của nhà trường, nên đành phải nâng tầng, thu hẹp sân chơi, làm phá vỡ cảnh quan chung. Thậm chí như Trường tiểu học Nguyễn Chí Thanh, mỗi khi dự lễ, học sinh toàn trường không thể ngồi, mà phải đứng mới đủ chỗ. Hay ở một số khu dân cư tập trung như phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ)… không có quy hoạch trường học (cấp mầm non, tiểu học). “Theo tôi, phải căn cứ trên tài nguyên đất đai, dân số và dự báo tăng trưởng để xây dựng trường, lớp học. Quy hoạch trường học phải gắn với quy hoạch đất đô thị, cụ thể hóa theo từng cấp học từ mầm non lên tiểu học, THCS. Xã hội hóa giáo dục là cho phép tư nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, trên cơ sở quy hoạch đất cho giáo dục mà chính quyền thành phố tính toán trước 20, 30, thậm chí 50-70 năm. Có như vậy mới giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước cho giáo dục, nâng cao chất lượng và tiếp cận được các phương pháp giáo dục hiện đại, tiên tiến từ các nước có nền giáo dục phát triển”, ông Vũ Hùng nhấn mạnh.

Quy hoạch một đằng, thực hiện một nẻo

Đồng quan điểm với Phó trưởng Ban Tuyên giáo Vũ Hùng, ông Đặng Ngọc Tài, Phó Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông cho rằng: “Thường trong quy hoạch tổng thể của thành phố, bao giờ cũng yêu cầu có đầy đủ các yếu tố điện, đường, trường, trạm, cây xanh, công viên… nhưng thực tế không như thế. Khi quy hoạch chi tiết, các cơ quan chức năng thường giảm bớt đất công cộng dành cho trường học, công viên để tăng diện tích đất ở thương mại, thế là dân số lại đông hơn dự kiến, các cơ sở giáo dục phải gánh nặng áp lực quá tải”. Một thực tế khác mà ông Tài cho biết, hiện nay, mật độ dân số ở phường Nại Hiên Đông thuộc hàng cao nhất tại Đà Nẵng, vì hầu hết các chung cư cao tầng đều nằm trên địa bàn phường. Tuy nhiên, nhiều hộ sống ở đây nhưng chỉ đăng ký hộ khẩu tạm trú, còn hộ khẩu thường trú thì đăng ký ở quận trung tâm, nhằm dễ xin con đi học vì cho rằng trường trung tâm chất lượng hơn, khang trang hiện đại hơn. Đây chính là một trong những nguyên nhân mà những năm trước đây các trường tiểu học, THCS ở trung tâm luôn quá tải vì học sinh trái tuyến; thậm chí làm cho các trường địa phương khó khăn trong việc tuyển sinh. Hệ lụy đó dẫn đến tiêu cực, nhức nhối mà chỉ khi HĐNĐ thành phố cấm tuyển sinh trái tuyến mới chấn chỉnh được phần nào.

Bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch trường lớp trong khu công nghiệp, các dự án xây dựng lớn cũng đang lộ rõ nhưng bất cập do thiếu trường, thiếu lớp. Tại các khu công nghiệp tập trung ở Hòa Khánh, Liên Chiểu, Hòa Cầm… đang xảy ra tình trạng thiếu trường học dành cho con em công nhân. Đây là lỗ hổng ngay từ khi các nhà quản lý duyệt thiết kế quy hoạch. Khu công nghiệp Hòa Khánh ở quận Liên Chiểu, nơi có số lượng công nhân từ các nơi khác tập trung về làm việc, sinh sống đông nhất tại Đà Nẵng là một ví dụ.

Nếu như năm học 2015-2016, tổng số em trong độ tuổi nhà trẻ và mầm non trên địa bàn quận Liên Chiểu là 9.375 em thì năm học 2016-2017 là 10.278 em. Như vậy, mỗi năm số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo trên địa bàn quận tăng khoảng 1.000 em. Trong khi đó, toàn quận hiện chỉ có khoảng gần 40 trường mầm non, nhóm trẻ, trong đó có 8 trường mầm non công lập. Dù mỗi năm trên địa bàn quận có từ 2-3 trường mầm non tư thục được thành lập mới nhưng không thể đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ. Trong khi việc gửi trẻ vào các nhóm trẻ tự phát trong các khu dân cư tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao.

C. Anh – P. Trà

;
.
.
.
.
.